Trong bài phát biểu hồi tháng 9/2023 trước Hiệp hội Hàng không Hoàng gia ở London, chuyên gia hàng không Jean-Luc Marchand và phi công Patrick Blelly đã kêu gọi Cơ quan An toàn Giao thông Vận tải Australia, Chính phủ Malaysia và Ocean Infinity - một công ty thăm dò tiến hành một cuộc tìm kiếm dựa trên những tình tiết mới về chiếc máy bay mang số hiệu MH370 .
Bộ đôi này khẳng định những bí ẩn về chuyến bay có thể được giải quyết trong “vài ngày” nếu yêu cầu mở cuộc tìm kiếm được chấp thuận.
"Việc đó có thể diễn ra nhanh chóng. Cho đến khi xác máy bay MH370 được tìm thấy, sẽ không có ai biết chuyện gì đã xảy ra", Marchand nói.
Chuyên gia này cũng cho biết việc tìm kiếm có thể sẽ là cơ sở thử nghiệm cho công nghệ thăm dò dưới biển không người lái mới của Ocean Infinity.
Marchand mô tả chuyến bay cuối cùng của MH370 là "hành trình một chiều tàn khốc", mà ông tin rằng có thể được thực hiện bởi một phi công có kinh nghiệm.
Việc đề xuất khu vực tìm kiếm mới cũng dựa trên niềm tin rằng chiếc máy bay đã bị cướp có chủ đích và rơi ở vùng biển sâu.
"Dựa trên những nghiên cứu mà chúng tôi đã thực hiện, thì vụ việc có thể được thực hiện bởi một phi công có kinh nghiệm. Cabin đã được giảm áp suất. Và đó là cách để máy bay tạo ra ít mảnh vụn nhất. Nó được thực hiện để máy bay không bị mắc kẹt hoặc được tìm thấy."
Hai chuyên gia lập luận rằng bộ phát đáp của máy bay đã bị tắt, và việc nó quay đầu trên đường bay không thể là do chế độ lái tự động.
Đáng chú ý, sự đổi hướng đột ngột xảy ra khi máy bay đang ở "vùng không người", hàm ý chỉ khu vực nằm ngoài phạm vi tiếp cận của các radar.
Marchand và Blelly cho biết họ không đổ lỗi cho phi công, nhưng không thể loại trừ bất cứ khả năng nào cho đến khi máy bay được tìm thấy.
Lời kêu gọi của hai chuyên gia được đưa ra sau khi có một báo cáo mới về chiếc máy bay mất tích , gợi ý một khu vực tìm kiếm mới ngoài khơi bờ biển Úc.
Báo cáo dài 229 trang cho thấy xác máy bay mất tích có thể nằm cách Perth khoảng 1.560 km về phía Tây. Nhận định này được đưa ra dựa trên công nghệ vô tuyến “đột phá”.
Các nhà nghiên cứu Richard Godfrey, Hannes Coetzee và Simon Maskell đã sử dụng hệ thống truyền sóng vô tuyến tín hiệu yếu (WSPR) để tìm kiếm máy bay.
Họ cho biết: “Công nghệ này đã được phát triển trong ba năm qua và kết quả là có bằng chứng mới đáng tin cậy”.
“Nó phù hợp với các phân tích của Boeing và các phân tích của Đại học Tây Úc về mảnh vỡ được thu hồi quanh Ấn Độ Dương.”
Máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích ngày 8/3/2014 khi đang bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Tất cả 239 người trên máy bay đều được coi là đã thiệt mạng, dù xác MH370 vẫn chưa được tìm thấy.
Khoảng 26 quốc gia đã tham gia nỗ lực tìm kiếm xác máy bay trên khu vực rộng hơn 120.000 km vuông, tiêu tốn 200 triệu đô la trong 4 năm, nhưng vẫn chưa mang lại kết quả. Hầu hết các chuyên gia tin rằng MH370 đã rơi ở phía nam Ấn Độ Dương.