Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành tài chính chiều 27/12, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định trong năm 2023. "GDP cả năm ước tăng khoảng 5%, đây là mức tăng trưởng cao so với khu vực và thế giới", ông nói.
Theo Phó thủ tướng, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) ước tăng khoảng 3,5%. Thặng dư thương mại ở mức kỷ lục ước xuất siêu cả năm khoảng 26 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước vượt 3-4% so với dự toán.
Kết quả GDP đã được Chính phủ dự báo trước đó khi báo cáo Quốc hội hồi tháng 10. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nền kinh tế chịu tác động kép chưa từng có, bất chấp các nỗ lực tháo gỡ. Chính phủ thời gian qua cũng liên tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thực tế, năm qua, khi kinh tế khó khăn, Chính phủ đã triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, giảm 10-50% với 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối 2023.
Tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân, theo báo cáo của Bộ Tài chính hôm nay, khoảng 193.400 tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm khoảng 78.400 tỷ đồng; gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng. Riêng chính sách giảm 36 khoản phí, lệ phí, Bộ Tài chính dự kiến tác động giảm thu khoảng 700 tỷ đồng.
Thu ngân sách đến ngày 25/12 đạt 1,69 triệu tỷ đồng, vượt 4,5% so với dự toán. Trong đó, thu từ dầu thô tăng mạnh 44,6% do giá dầu trong năm neo ở mức cao. Tuy nhiên, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm, chỉ đạt 92,1% dự toán, dẫn đến tổng thu ngân sách năm nay giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, tổng số chi ngân sách bằng 83,4% dự toán, khoảng 1,73 triệu tỷ đồng. Chi đầu tư phát triển tăng 144.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 33% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, khoản chi này chưa đạt kế hoạch, chỉ đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng giao.
Ước tính năm 2023, bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4% GDP, giảm 40.300 tỷ đồng so với dự toán, thấp hơn mức Bộ Tài chính dự toán trước đó 4,42%, nhưng đánh dấu mức tăng trở lại sau dịch Covid-19.
Để đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả nợ gốc đến hạn, đến ngày 25/12, lượng trái phiếu Chính phủ đã phát hành đạt 296.700 tỷ đồng, bằng 74,2% kế hoạch đầu năm. Năm 2023, Chính phủ hoàn thành việc đàm phán, ký kết 17 hiệp định, thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với tổng trị giá khoảng 1,87 tỷ USD. Các khoản vay mới đàm phán và ký kết kể từ năm 2022 có mức lãi suất cao hơn, gần với thị trường hơn. Điều này phản ánh thay đổi chính sách cho vay của các nhà tài trợ với vị thế nước thu nhập trung bình thấp của Việt Nam.
Bộ Tài chính cũng cho biết các khoản vay của ngân sách nhà nước được trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Dự kiến đến cuối năm 2023, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép.
Năm 2024, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính lưu ý bổ sung các luật thuế để mở rộng cơ sở thu, trong đó khai thác thuế từ các hoạt động thương mại điện tử, đất đai, cơ sở hạ tầng, dịch vụ ăn uống, giải trí... Phó thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, áp dụng các giải pháp, công cụ phân tích dữ liệu phù hợp để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo, gian lận về hóa đơn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần có các giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí phù hợp để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Theo Phó thủ tướng, Bộ Tài chính cũng phải rà soát khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn trong năm 2024. Bộ này cần xây dựng kịch bản dự phòng để xử lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan.
Phương Dung