Khu tái định cư này là nơi ông là người tự nguyện bỏ tiền của, công sức cùng chính quyền dựng nên, bà con có nơi ở mới sau cơn bão lịch sử số 9 tàn khốc năm 2020.
Vay ngân hàng, "thần tốc" tái thiết làng tái định cư
Trà Văn A là ngôi làng đầu tiên trong rất nhiều ngôi làng ở Quảng Nam được tái thiết, xây dựng một cách "thần tốc" sau bão.
Ánh mắt ái ngại, ông Lý Minh Tám - giám đốc Công ty TNHH thương mại và du lịch Lý Châu Giang - dường như sợ rằng mang tiếng cái mác là "doanh nghiệp" rồi PR tên tuổi. "Thực ra mình làm vì cái tâm, thương bà con màn trời chiếu đất sau bão mà thôi" - ông nói.
Và ông cũng là chủ của một mỏ khai thác vàng được cấp phép ở Phước Kim, huyện Phước Sơn.
Làng Trà Văn A (xã Phước Kim) nằm trên một đồi cao được san ủi bằng phẳng với những dãy nhà màu xanh kiên cố. Một cây cầu mới bắc qua sông Nước Xe dẫn vào làng, cạnh đó những trụ xi măng lởm chởm còn sót lại của cây cầu cũ bị lũ xé toạc như một chứng tích kinh hoàng cho trận bão.
Người làng nhớ chiều 28-10-2020, cơn bão càn quét suốt nhiều giờ liền. Ngọn núi quanh làng no nước, sông Nước Xe thường ngày hiền hòa bỗng như đùng đùng nổi giận, cuồn cuộn đục ngầu đổ về kèm theo lượng lớn đá, củi gỗ xé toạc từng móng nhà hai bên triền sông.
Dữ dội, kinh khủng! Nhà cửa đổ ập xuống nước, già trẻ lớn bé bồng bế dắt díu nhau lên đồi cao chạy lũ. Tán loạn, tiếng la khóc vang cả góc núi.
Đêm đó và những ngày sau nữa, người làng tá túc trong nhà sinh hoạt cộng đồng, người thì ở nhờ nhà người thân, một số màn trời chiếu đất, dựng lều trú ngụ. May mắn một điều dân làng không một ai tử nạn trong thảm họa.
"Nhà cửa cuốn theo dòng nước lũ, tài sản chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng, khó khăn bủa vây", bà Hồ Thị Hơn (47 tuổi) rùng mình nhớ lại.
Sau bão, đường lên làng bị chia cắt, dân làng thiếu thốn đủ thứ. Những trai tráng khỏe mạnh, bộ đội, công an được huy động để cõng gạo, mắm muối, chăn màn tiếp tế cho dân trong mưa lạnh.
Giữa cái khó trăm bề, một doanh nghiệp đã đề xuất được đưa máy móc, nhân công vào tái thiết làng, đó là ông Lý Minh Tám.
Vì công ty đang khai thác vàng ở mỏ vàng xã Phước Kim, đã từ lâu gắn bó với dân làng, thấy cảnh người người mất nhà, màn trời chiếu đất nên ông rất xót xa.
"Trước tiên tôi huy động người của công ty vận chuyển gạo, nhu yếu phẩm, chăn màn cho bà con tạm ổn định cuộc sống, rồi sau đó..." - ông Tám bỏ lửng câu nói.
Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông đưa ra một quyết định có lẽ táo bạo nhất của đời mình: làm khu tái định cư cho dân.
Nhưng tiền đâu để làm giữa lúc bộn bề khó khăn. Ông Tám nhẩm tính cũng phải 2 tỉ đồng mới đủ. Không có tiền mặt, ông ra ngân hàng vay. "Nhiều lúc nghĩ lại thấy mình liều thật. Nhưng mà tiền thì có thể làm ra được, còn dân làng lầm than vậy tôi chịu không thấu" - ông tâm sự.
Những ngày sau đó, ông cùng chính quyền thuê phương tiện, máy móc, nhân lực cho một cuộc tái thiết làng. Tất cả dồn vào Trà Văn A mới hy vọng nhanh nhất có thể để bà con có che nắng che mưa.
"Khó nhất là mặt bằng, tìm đất đâu ra để làm khu tái định cư, bởi nơi đâu cũng thấy sạt lở tứ bề. Và rồi đề xuất chính quyền chọn sân vận động của thôn" - ông Tám nhớ lại.
Lấy sân vận động làm khu nhà ở, địa phương không dám quyết, xin ý kiến tỉnh. Tỉnh gật đầu ngay, bởi trong tình thế cấp bách này mà không làm kịp thì dân còn cảnh màn trời chiếu đất.
Có mặt bằng, hiểu được tập tục sinh sống của dân làng, một tay ông Tám lên ý tưởng thiết kế những ngôi nhà trong khu tái định cư. Phải có mương thoát nước, nhà vệ sinh...
Và chỉ chưa đầy một tháng, bằng tốc độ kinh ngạc, khu tái định cư Trà Văn A đã được dựng lên với 16 căn nhà, mỗi căn rộng 50m2, được làm bằng khung sắt thép, tường và mái bằng tôn.
Ngày 22-1-2021, chưa đầy ba tháng, một lễ bàn giao 16 ngôi nhà cho dân làng diễn ra đầy xúc động. Ngôi làng đầu tiên trong hàng chục ngôi làng bị tàn phá bởi trận bão lũ lịch sử ở Quảng Nam được tái thiết.
Dân làng mừng phát khóc khi dọn đến nơi ở mới khang trang sau nhiều tháng sống cảnh khốn cùng. Có lẽ đây là ngày vui nhất của họ.
"Nhiều người khuyên tôi nên làm tạm thời thôi, sau này Nhà nước hỗ trợ đầu tư thêm, nhưng mình quyết làm bền vững luôn cho bà con ở, còn Nhà nước hỗ trợ thì để dành cho những ngôi làng khác" - ông Tám kể.
Bình an sau thảm họa
Còn nhớ những ngày đầu xuân Tân Sửu (năm 2021), ông Lê Trí Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã đến "xông đất" nhà dân khu tái định cư Trà Văn A. Chủ tịch tỉnh cùng ăn với bà con bữa cơm đầu xuân và dành những lời chúc mừng năm mới, động viên mọi người vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
"Có nơi ở mới rồi, bà con hãy cố gắng sinh hoạt, sản xuất phát triển kinh tế. Hãy đùm bọc, đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn", ông Thanh nói với dân làng.
Giữa trưa, chúng tôi cùng ông Tám vào thăm làng Trà Văn A. Thấy ông từ xa, người làng từ bô lão đến trẻ con xúm lại nói chuyện rôm rả. "Bà con ở nhà có chật, nóng không? Mưa gió mấy ngày nay có hề hấn gì?". Đáp lại, bà con nói rằng chỗ ở ổn định, không lo mưa gió bão bùng nữa.
Ông kể, sau khi làm nhà ở cho dân, nhiều lần ông còn hỗ trợ họ hoàn thiện thêm cho căn nhà như lát gạch men, làm nhà vệ sinh, cột chống sét. Rồi lễ Tết, những suất quà cũng được công ty ông mang đến tặng dân làng.
Già làng Hồ Văn Gieo kể rằng sau mưa lũ nhà cửa của mình bị trôi theo dòng lũ quét, may Nhà nước cùng doanh nghiệp của ông Tám đã nghĩa tình nhanh chóng làm khu tái định cư, dựng nhà cho người dân có nơi ở mới, không còn cảnh lều bạt, ở nhờ và còn kịp đón Tết cổ truyền. "Cảm ơn những gì ông đã dành cho dân làng", già Gieo nói.
Bí thư chi bộ Trà Văn A, anh Hồ Văn Thư, nói rằng từ khi có khu tái định cư, ba năm nay dân làng không phải sợ mỗi khi nước lũ tràn về bởi chỗ ở cao ráo, nhà cửa chắn chắn.
"Được sự giúp đỡ của ông Tám, dân làng có chỗ ở một cách nhanh nhất và bà con từng bước ổn định cuộc sống, lo làm ăn phát triển kinh tế để từng bước vươn lên thoát nghèo", anh Thư tâm sự.
Sự tiếp sức kịp thời
Sau đợt bão lũ năm 2020, Trà Văn A bộn bề khó khăn nhưng được sự tiếp sức kịp thời của ông Tám đã tái định cư, bà con nhanh chóng có nhà để ở. Dân làng chới với sau bão, một món quà hết sức quý giá, khẩn cấp là 16 căn nhà đã dành cho họ.
Sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp và đồng hành của doanh nghiệp như ông Tám đã ổn định được cuộc sống của người dân sau thảm họa thiên tai khắc nghiệt.
Ông Hoàng Đình Ba,
bí thư Đảng ủy xã Phước Kim
-------------------
Kỳ tới: Còn gì sau cơn lốc vàng?
Rời cánh đồng vàng Bồng Miêu, chúng tôi ngược lên huyện Phước Sơn, nơi được mệnh danh là thủ phủ vàng Quảng Nam.