Trung Quốc vẫn là “ông lớn”
Theo Cushman & Wakefield, châu Á - Thái Bình Dương có nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vẫn còn khoảng cách về năng suất giữa khu vực này với cả châu Âu và Mỹ. Theo Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động ở các thị trường mới nổi chỉ bằng dưới 20% so với các nền kinh tế tiên tiến.
Là nhà sản xuất gần 15% lượng hàng xuất khẩu của thế giới, Trung Quốc đại lục sở hữu lực lượng lao động lớn dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp. Khoảng 163 triệu nhân viên kho bãi ở Trung Quốc đại lục chiếm 53% tổng số việc làm của ngành ở châu Á - Thái Bình Dương, khoảng cách rất rõ ràng với Ấn Độ: 20% (60 triệu) và Indonesia: 8% (25 triệu). Bất chấp tốc độ tăng trưởng mạnh ở hầu hết các nước Đông Nam Á và Ấn Độ, lên tới 4% mỗi năm cho đến cuối thập kỷ này, tình hình được dự báo sẽ không thay đổi nhiều.
Cushman & Wakefield nhận định, kinh nghiệm và sức mạnh lâu đời của Trung Quốc đại lục trong các lĩnh vực sản xuất và hậu cần sẽ khó có thể nhân rộng chỉ sau một đêm. Để bắt kịp, doanh nghiệp ở các khu vực khác sẽ cần nhanh chóng đầu tư vào cả việc xây dựng năng lực con người và tự động hóa.
Lương thưởng hàng tháng của công nhân sản xuất tại một số quốc gia. |
Vị thế của Việt Nam
Khối ASEAN đang nhanh chóng khẳng định mình là trọng tâm tăng trưởng chính trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thu hút mức đầu tư trực tiếp nước ngoài tốt, dự kiến đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022 là 223 tỷ USD.
Phần lớn sự tăng trưởng này diễn ra khi các tập đoàn có trụ sở tại Mỹ và châu Âu tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa hoạt động trong khu vực, mặc dù các nhà sản xuất Trung Quốc cũng tiếp tục mở rộng sự hiện diện của họ. Khu vực phía Bắc của Việt Nam, như Hải Phòng và Hà Nội, đã thu hút đầu tư mạnh mẽ từ các nhà sản xuất Trung Quốc và Hàn Quốc nhờ vị trí gần nhau cũng như khả năng kết nối địa lý mạnh mẽ trong khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, các doanh nghiệp đang đầu tư ở cấp độ nhỏ lẻ hơn là chuyển đổi hoàn toàn hoạt động sản xuất sang nước khác. Thay đổi theo cách này cho phép duy trì hoạt động liên tục tại các địa điểm hiện có cũng như yêu cầu chi tiêu vốn vừa phải hơn.
Việt Nam là nước được hưởng lợi chính từ các chiến lược sản xuất của “Trung Quốc+” nhờ khoảng cách địa lý và khả năng kết nối khu vực/toàn cầu rộng hơn. Ngoài vị trí chiến lược, Việt Nam còn có lợi thế về chi phí lao động thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc. Lợi ích còn đến từ sự kết hợp cân bằng giữa sản xuất có giá trị cao như điện tử và sản xuất có giá trị thấp như may mặc, giày dép và thực phẩm. Ngành sản xuất có giá trị cao dự kiến sẽ tăng trưởng, với việc chính phủ muốn tăng tỷ trọng sản xuất trong nền kinh tế từ 25% lên 30% vào năm 2030 bằng cách thu hút thêm đầu tư vào ngành này.
Bên cạnh đó, Việt Nam có dư địa để đáp ứng sự tăng trưởng đó nhờ sự tập trung mạnh mẽ vào sản xuất điện tử ở miền Bắc Việt Nam (Hà Nội, Hải Phòng), trong khi miền Nam Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai) có sự kết hợp giữa thực phẩm, hàng tiêu dùng và điện tử.
Theo Cushman & Wakefield, Đông Nam Á đang giành được thị phần xuất khẩu toàn cầu, với tốc độ ổn định. Tuy nhiên, lợi thế của người đi đầu vẫn còn đó và khu vực này sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ một số yếu tố xúc tác như tăng trưởng tiêu dùng ngày càng tăng do nhân khẩu học thuận lợi, thương mại khu vực cao hơn do tăng trưởng kinh tế khu vực cũng như các hiệp định thương mại như Hiệp định kinh tế toàn diện khu vực sẽ giúp cắt giảm thuế quan đối với hầu hết hàng hóa được giao dịch giữa các nước thành viên.