Ngày 29/12, TAND TPHCM tiếp tục xét xử bị cáo Diệp Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM - Saigon Co.op) và 4 đồng phạm về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, bắt đầu tranh luận. Một ngày trước, VKS đề nghị bị cáo Dũng mức án 10-11 năm tù.
3 luật sư bào chữa cho bị cáo Dũng nói gì?
Bào chữa cho ông Dũng, luật sư Phan Trung Hoài trình bày về bối cảnh, động cơ phạm tội của thân chủ. Từ đó, đề nghị HĐXX xem xét cho ông Dũng có một mức án nhẹ.
Luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng thiệt hại trong vụ án còn chưa được làm rõ. Người này đồng ý với VKS khi xác định ông Dũng là người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, ông Tú đề nghị xem xét một số vấn đề về khách thể, yếu tố chủ quan trong vấn đề buộc tội thân chủ của mình.
Từ đó, luật sư Tú đề nghị HĐXX đổi tội danh đối với bị cáo Dũng từ Lạm quyền trong thi hành công vụ sang tội Sử dụng trái phép tài sản theo Khoản 3, Điều 177, Bộ luật Hình sự năm 2015 (khung 3-7 năm tù).
Tiếp đó, luật sư Nguyễn Thành Công cảm ơn VKS đã ghi nhận cho ông Dũng nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng mức án 10-11 năm tù người bào chữa nói quá cao, nặng nề so với hành vi phạm tội của thân chủ mình.
Ông Công cho rằng số tiền 1.000 tỷ đồng không phải là tài sản của Saigon Co.op, đây là tài sản của các nhà đầu tư do Saigon Co.op giữ hộ, thuộc quyền sở hữu, sử dụng của các Nhà đầu tư. Do đó, việc sử dụng 1.000 tỷ đồng trên để hợp tác đầu tư không phải là hoạt động kinh doanh của Saigon Co.op nên lợi nhuận thu được không phải là tài sản của Saigon Co.op.
Về thiệt hại trong vụ án, ông Công cho rằng ông Dũng đã quyết định đồng ý cho phép giảm lợi nhuận từ 7% xuống 0% dựa trên cơ sở Saigon Co.op nhưng không được hưởng lợi.
Tiếp đó, ông Công đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét phần nhân thân đặc biệt của bị cáo Dũng. Người này cho biết, thân chủ mình làm mọi việc nhằm vì mục đích phát triển Saigon Co.op, vì mục tiêu chung. Quá trình công tác suốt 30 năm, ông Dũng luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao, có nhiều đóng góp nhiều cho xã hội.
Bên cạnh đó, luật sư Công xác định gia đình ông Dũng có công với cách mạng khi là con liệt sĩ. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét, cân nhắc cho ông Dũng được hưởng mức án nhẹ.
Những luật sư còn lại đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình.
VKS: Cáo trạng truy tố bị cáo Dũng và đồng phạm không oan sai
Đối đáp lại quan điểm trên, đại diện VKS khẳng định cáo trạng truy tố bị cáo Diệp Dũng và đồng phạm là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Khi được nói lời sau cùng, ông Diệp Dũng gửi lời xin lỗi lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Người này nói mình đặt tâm thế hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao để không phụ lòng tin UBND TPHCM phân công, khi nhận nhiệm vụ. Thứ nhất dành lại thị phần cho Saigon Co.op, kết quả doanh số tăng gấp đôi 39.000 tỷ đồng và đã hoàn thành mục tiêu ngắn hạn. Về mục tiêu trung và dài hạn là phát triển, mở rộng thị phần Saigon Co.op.
Tiếp đó, ông Dũng nghẹn ngào nói mình đã không thể hoàn thành nhiệm vụ, phụ lòng tin của cấp trên. Ông này nói mình xin được nhận lỗi và nhận trách nhiệm người đứng đầu trước Đảng và UBND TPHCM.
Cựu Chủ tịch HĐQT nói không phải ra tòa mới nhận ra cái sai của mình mà đã nhận thức được từ lâu nên đã có đơn từ chức.
"Bị cáo thấy anh em đi bán mắm, bán muối khổ quá nên khi thấy có tiền nhàn rỗi đã đưa đi đầu tư với mong muốn cho họ có thêm chút thu nhập. Bị cáo phạm tội do vô tình chứ không phải vì vụ lợi", ông Dũng ngậm ngùi nói lời sau cùng.
Theo cáo buộc, bị cáo Diệp Dũng đã không thông qua Hội đồng quản trị Saigon Co.op, tự ý ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đại Á số tiền 300 tỷ đồng và hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đô Thị Mới số tiền 700 tỷ đồng. Ông Diệp Dũng đã ký ủy nhiệm chi chuyển 1.000 tỷ đồng trong số tiền 3.000 tỷ đồng mà Saigon Co.op huy động để thực hiện thương vụ mua lại Big C trước đó cho hai công ty trên.
Theo hợp đồng hợp tác đầu tư, Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định là 7%/năm, thời hạn 3 tháng và được thanh toán gốc, lãi một lần vào cuối kỳ hợp tác. Hợp đồng được gia hạn thời gian hợp tác theo 4 phụ lục ký giữa ông Diệp Dũng với ông Tôn Thất Hào và ông Võ Thành Trung.
Nhưng đến ngày 24/3/2018, ông Diệp Dũng tiếp tục không thông qua hội đồng quản trị, tự ký thỏa thuận điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7%/năm thành 0%/năm.
Hành vi của ông Dũng tạo điều kiện cho Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới không phải thanh toán khoản lợi nhuận cố định 7% (kể cả phần lãi từ việc cho vay và gửi tiết kiệm của 2 công ty này).
Hành vi của ông Dũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Saigon Co.op bị thiệt hại 115,6 tỷ đồng lợi nhuận 7% từ 2 hợp đồng hợp tác đầu tư trên.