Giá trị toàn ngành tăng trưởng 3,83%, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD là rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, lần đầu tiên Việt Nam thu về hơn 50 triệu USD chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon trong lĩnh vực lâm nghiệp, khẳng định quyết tâm chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng bền vững của Việt Nam.
Dự báo năm 2024, xuất khẩu nhóm ngành hàng lúa gạo, rau quả, cà phê và mặt hàng khác vẫn có nhiều thuận lợi. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Xuất khẩu nông sản nỗ lực vượt khó
Trong bức tranh khó khăn chung của xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất khẩu nông sản đã trở thành điểm sáng và đáng ghi nhận. Dù tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chưa đạt chỉ tiêu Chính phủ giao, nhưng ngành có nhiều mặt hàng đạt những kỳ tích vượt bậc. Nổi bật nhất là sự bứt phá mạnh mẽ của những mặt hàng thế mạnh là gạo và rau quả với nhiều kỷ lục mới.
Những ngày cuối năm, giá thu mua lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn ở mức kỷ lục 9.500 đồng/kg. Mặt bằng giá gạo Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới.
Lần đầu tiên, lúa gạo Việt Nam đạt con số kỷ lục trong 34 năm xuất khẩu với sản lượng hơn 8 triệu tấn, trị giá gần 4,8 tỷ USD. Cùng danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, hạt gạo Việt Nam nay đã tận dụng được cơ hội vàng.
"Đến thời điểm này, chúng tôi tăng trưởng khoảng 40%, cả về lượng, doanh thu và giá. Gạo của chúng tôi đã bước vào siêu thị Cosco của Canada", bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinaseed, chia sẻ.
Mặt hàng rau quả cũng có sự bứt tốc trong năm nay nhờ chuyển từ xuất tiểu ngạch sang chính ngạch. Đóng góp một phần không nhỏ là kim ngạch xuất khẩu của "vua trái cây Việt" sầu riêng - ước đạt 2,3 tỷ USD. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đàm phán và ký hàng loạt nghị định thư mở cửa thị trường, tạo bước đệm cho hoạt động xuất khẩu rau quả đạt nhiều thuận lợi.
"Chúng ta đang đàm phán với Trung Quốc về xuất khẩu trái dừa. Mỹ đã cho phép xuất khẩu dừa tươi. Kim ngạch xuất khẩu dừa sẽ tăng tốc, có thể 800 - 900 triệu hoặc 1 tỷ, cùng với một số mặt hàng như bưởi. Đó là những tín hiệu lạc quan", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết.
Tuy vậy, cùng với những niềm vui, vẫn còn đó những nhịp chững. Xuất khẩu thủy sản và đồ gỗ có mức giảm từ 15 - 17% so với năm ngoái. Với quyết tâm quay lại đường đua xuất khẩu, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị cho những yêu cầu mới từ thị trường thế giới.
"Đẩy mạnh xuất khẩu thì công tác thị trường được ưu tiên số. Các doanh nghiệp đang xây dựng hình ảnh sản xuất giảm phát thải, chuyển đổi số, nâng cao vấn đề quản trị, áp dụng công nghệ hiện đại", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay.
Giữa muôn vàn khó khăn, nhưng nông sản Việt vẫn tìm cách bứt phá. Những kết quả ấn tượng năm nay sẽ là tiền đề để xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng tốc trong năm 2024 và về đích năm 2025.
Cơ hội tăng tốc xuất khẩu năm 2024
Dự báo năm 2024, xuất khẩu nhóm ngành hàng lúa gạo, rau quả, cà phê và mặt hàng khác vẫn có nhiều thuận lợi. Với mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 54 tỷ USD, chủ động tận dụng các cơ hội thị trường, chuyển đổi ngành theo hướng nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm là những việc cần làm trong năm tới.
Bước vào thu hoạch vụ đông xuân, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp chuyên chế biến rau quả xuất khẩu đang tất bật cho những đơn hàng đầu năm mới 2024 đã ký kết từ tháng 11.
"Dự kiến trong năm 2024, doanh số xuất khẩu của chúng tôi sẽ tăng 125 -133%, tập trung vào các mặt hàng chủ lực như nước chanh leo, nước dứa, đậu tương rau", ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết.
Những khởi đầu tích cực từ doanh nghiệp, cùng với việc các thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam đang dần phục hồi trở lại như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ… được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho năm 2024 với đà tăng trưởng có thể cao hơn năm nay.
"Sau nhiều năm tái cơ cấu, quy mô các ngành hàng nông nghiệp đã rất rõ và liên kết chặt chẽ. Căn cứ vào nhu cầu thị trường và cơ cấu sản xuất để chúng ta thúc đẩy, phát huy tiềm năng, lợi thế của các thị trường. Lúa gạo, hoa quả, thủy sản... cần phát huy đồng bộ để giá trị xuất khẩu năm 2024 lớn hơn 2023", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Cơ hội rộng mở, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, xung đột thế giới và nguy cơ dịch bệnh. Bài toán đặt ra trong năm tới là làm sao vừa tận dụng được cơ hội thị trường, nhưng vẫn đảm bảo được nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia, cũng như thể hiện được vai trò của nước có lợi thế về xuất khẩu nông sản trên thế giới.
Lần đầu tiên, lúa gạo Việt Nam đạt con số kỷ lục trong 34 năm xuất khẩu với sản lượng hơn 8 triệu tấn, trị giá gần 4,8 tỷ USD. (Ảnh: NLĐ)
"Việt Nam đang chứng tỏ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực thế giới. Các bạn cần chuẩn bị sẵn sàng cho những biến động trong tương lai, không chỉ năm tới mà cả một hành trình 5 - 10 năm bằng các giải pháp bền vững, xanh hóa nền nông nghiệp", ông Oscar Ortiz, Giám đốc cấp cao, Nhóm Tư vấn các Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế CGAIR, nhận định.
Dù vẫn còn những khó khăn trước mắt, nhưng từ kết quả năm nay, ngành nông nghiệp hoàn toàn có cơ sở tính toán, chuẩn bị linh hoạt phù hợp với bối cảnh, thị trường năm tới. Để Việt Nam có thêm những mặt hàng bứt phá, hướng tới mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 54 - 55 tỷ USD trong năm 2024.
VTV.vn - Một số quốc gia nhập khẩu gạo của Việt Nam như Indonesia, Philippines đều có nhu cầu tăng lượng nhập khẩu gạo. Vì vậy, đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.28965059013213202-dsu-yt-35-ev-gnam-nas-yuht-mal-gnon-uahk-taux/et-hnik/nv.vtv