Đề xuất cải tạo tuyến đường Nguyễn Thượng Hiền và khu vực hồ Con Rùa thành hai tuyến phố đi bộ tại khu vực trung tâm của quận 3 đang nhận được sự quan tâm của người dân.
Khu vực hồ Con Rùa sẽ trở thành phố đi bộ dành cho người dân và du khách vui chơi, giải trí. Ảnh: VIỆT HOA
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Thành Kiên, Bí thư Quận ủy quận 3, cho biết: Có thêm các phố đi bộ vừa tạo thêm điểm nhấn về không gian đô thị, phục vụ cho người dân và du khách, vừa khai thác được tiềm năng về thương mại, du lịch, dịch vụ của quận 3.
Tăng không giancông cộng
. Phóng viên: Tại sao quận 3 chọn khu vực hồ Con Rùa và tuyến đường Nguyễn Thượng Hiền làm phố đi bộ, ẩm thực, văn hóa, thưa ông?
+ Ông Phạm Thành Kiên: Ý tưởng về phố đi bộ hồ Con Rùa, Nguyễn Thượng Hiền đã được phác họa từ giữa nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ quận 3 lần thứ XI (2015-2020). Nó nằm trong tổng thể các giải pháp thực hiện việc chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn quận 3 và không thể tách rời quy hoạch chung của TP.
Cùng với phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện trên địa bàn quận 1 thì phố đi bộ hồ Con Rùa và Nguyễn Thượng Hiền và các di sản kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan sông nước khác sẽ tạo mối liên hoàn các điểm đến du lịch. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ khai thác tiềm năng còn bỏ ngỏ, đó là kinh tế đêm và sự đa dạng các gói sản phẩm du lịch.
Việc hình thành các tuyến phố đi bộ cũng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa về đêm của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ năng động và sáng tạo. Đây cũng là một trong những yếu tố kích hoạt thêm tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội của quận 3. Mặt khác, diện tích tự nhiên của quận khá hạn hẹp, chỉ chưa đầy 5 km2, vì vậy có thêm yếu tố này cũng sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, phục vụ cho phát triển kinh tế của quận.
. Ông đánh giá như thế nào về không gian công cộng để người dân và du khách đến vui chơi, giải trí trên địa bàn quận 3?
+ Quảng trường và mảng xanh tập trung vốn là những hạng mục không thể thiếu trong lõi trung tâm của một đô thị. Trên địa bàn quận 3, hiện nay đang thiếu cả hai hạng mục này nên rất thiếu không gian vui chơi cho người dân và cả du khách khi đến TP du lịch. Trong khi quận 3 là quận nội thành, nằm trong lõi đô thị cũ, nơi tập trung nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của TP.
Nhiều nội dung phải tính toán kỹ Đề án tổ chức hai tuyến phố đi bộ hồ Con Rùa và Nguyễn Thượng Hiền của quận 3 là để tăng thêm không gian công cộng nên rất cần thiết. Đề án khá thú vị nhưng có một số nội dung cần phải tính toán thật kỹ mới khả thi. Theo tôi, hai vấn đề quan trọng nhất là tổ chức giao thông và bãi đậu xe. Trong phương án của quận 3 mới tính đến vấn đề cảnh quan nhưng chưa có giải pháp cụ thể về hai vấn đề trên. Tại phố Nguyễn Thượng Hiền có dự kiến bãi xe bên kia đường Điện Biên Phủ. Việc bố trí bãi xe bên kia đường Điện Biên Phủ, một con đường có lưu lượng giao thông rất cao thì việc người dân băng qua con đường này để vào phố đi bộ là chưa hợp lý. Nguyên tắc của phố đi bộ là phải có bãi đậu xe ở hai đầu tuyến phố để thuận tiện cho người dân và du khách. Chẳng hạn như tuyến Nguyễn Thượng Hiền cần phải bố trí bãi xe ngay vòng xoay Dân Chủ và một bãi xe ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. Trong tương lai, khu vực này có nhà ga tuyến metro số 2 cũng rất thuận lợi và khả thi hơn. Tương tự, trong phương án tổ chức phố đi bộ tại khu vực hồ Con Rùa thì bãi xe và chỗ đậu xe là điều tiên quyết. Nếu không giải quyết được hai vấn đề này thì phố đi bộ cũng sẽ vô nghĩa. Một điểm cần lưu ý khác đối với phố đi bộ Hồ Con Rùa là khi làm các mái che dọc theo vỉa hè. Việc này là cần thiết cho người đi bộ nhưng quận cần phải tính toán kỹ để không che mất cảnh quan hai bên đường. Vì dọc theo các trục đường xung quanh khu vực này có rất nhiều công trình kiến trúc đẹp, các biệt thự cũ. Nếu làm không khéo thì sẽ che mất cảnh quan. Ngoài ra, vật liệu để làm mái che cũng cần phải được xem xét để tạo tính thân thiện và phù hợp với khí hậu của TP. Theo tôi, nếu được thì lý tưởng nhất là quận 3 phối hợp với quận 1 tạo ra một phố đi bộ kéo dài từ hồ Con Rùa đến bến Bạch Đằng (thông qua đường Đồng Khởi) sẽ phát huy được nhiều giá trị hơn cho toàn cảnh quan của TP. Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị |
Vì vậy, việc xây dựng các tuyến phố đi bộ tại hồ Con Rùa và Nguyễn Thượng Hiền cũng là tìm ra không gian sinh hoạt văn hóa nhằm bù đắp cái thiếu hụt ấy. Qua đó, làm tăng điều kiện sống, mức hưởng dụng an sinh phúc lợi cho người dân. Tất nhiên sẽ có giải pháp bảo vệ môi trường, trật tự an toàn xã hội theo hướng phát triển bền vững.
Nút thắt lớn nhất là
bài toán về giao thông
. Cả hai tuyến phố đi bộ đều nằm trên các tuyến đường giao thông huyết mạch của quận như Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Điện Biên Phủ… Việc hình thành hai tuyến phố đi bộ liệu có ảnh hưởng đến tình hình giao thông của khu vực?
+ Giao thông chính là vấn đề lớn nhất trong việc thực hiện đề án này. Hiện nay, cả hai đề án nói trên đang ở giai đoạn nghiên cứu và đề xuất ý tưởng.
Bên cạnh việc tổ chức giao thông, để cả hai dự án này đi vào thực hiện thì nhiều vấn đề khác cần phải được tính toán. Cụ thể, đó là sự đồng thuận của người dân, sắp xếp sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường, buôn bán hàng rong, bãi đỗ xe…
Hiện nay, TP đã có hai tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện đi vào hoạt động. Đây cũng là những mô hình để quận 3 tham khảo trong quá trình xây dựng hai tuyến phố nói trên để có những giải pháp phù hợp. Sau khi có các giải pháp cụ thể, để các tuyến phố đi bộ hoạt động trơn tru thì cần phải có sự phối hợp giữa các sở, ngành với quận 3 trong việc phân luồng, phân tuyến giao thông.
. Dự kiến lộ trình thực hiện của hai tuyến phố đi bộ này như thế nào?
+ Hiện nay quận 3 đang hoàn chỉnh đề án, lập phương án thiết kế kiến trúc xin chủ trương TP, lấy ý kiến thẩm định của các sở, ngành và lấy ý kiến nhân dân. Sau các bước này mới thực hiện các thủ tục để khởi công xây dựng.
. Xin cám ơn ông.•