Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2020, xuất khẩu đạt 254,6 tỉ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến nền kinh tế trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu (EU). Trong 11 tháng qua, con số xuất siêu của Việt Nam đạt trên 20,1 tỉ USD - mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Hàng nông, lâm, thủy, hải sản mang lại giá trị thặng dư cao
Trong số 254,6 tỉ USD giá trị xuất khẩu, điện thoại và linh kiện có giá trị kim ngạch XK lớn nhất: 46,9 tỉ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; hàng dệt may: 26,7 tỉ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng: 23,9 tỉ USD, tăng 44,5%; gỗ và sản phẩm gỗ: 10,9 tỉ USD, tăng 14,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 8,1 tỉ USD, tăng 4,1%; thủy sản xuất khẩu đạt 7,7 tỉ USD...
Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong tổng số giá trị XK của Việt Nam, các mặt hàng sản phẩm công nghệ cao nhưng có đầu vào từ nước ngoài, công nghệ nước ngoài, chúng ta lập nên những xưởng lắp ráp rồi chuyển XK ra nước ngoài sẽ không tạo giá trị gia tăng gì lớn, ngoại trừ việc đem lại công ăn việc làm cho một số lao động và một số ngoại tệ.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - nêu quan điểm: Trong số 20,1 tỉ USD xuất siêu trong 11 tháng qua, không nên coi nhẹ việc xuất khẩu các mặt hàng của các DN FDI, vì họ cũng thể hiện kim ngạch XK của Việt Nam và trong đó có nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước. Samsung hay ai cũng là kim ngạch XK của Việt Nam, chưa kể đến các DN này giải quyết được hàng loạt vấn đề về lao động. Ngay tại thời điểm cả thế giới bị ảnh hưởng rất nhiều vì dịch COVID-19 mà Việt Nam lại xuất siêu 20 tỉ USD, chỉ cần như vậy thôi nhiều nhà đầu tư cũng muốn đến Việt Nam rồi.
“Con số xuất siêu này là cánh én báo mùa xuân, ngoài việc kích thích các DN FDI khác đầu tư vào Việt Nam, còn kéo theo nhiều vấn đề tích cực khác nữa. Đấy mới là vấn đề cốt lõi. Còn vấn đề có “chảy máu” lợi nhuận hay không, vấn đề này Tổng cục Thuế cũng đã đang làm rồi, và tới đây các nhà quản lý Việt Nam cần làm mạnh hơn để cải thiện... “Chảy máu lợi nhuận” hay không là do khâu quản lý giám sát của Việt Nam, không kéo cò sang quạ được” - ông Phạm Thái Bình nói.
TS Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, không phải chỉ có XK các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản mới mang lại giá trị thặng dư cao, mà cần kể đến tất cả các mặt hàng hóa chế biến, chế tạo tại Việt Nam, ngay cả các mặt hàng linh kiện điện tử, tất cả hàng hóa tiêu dùng như dệt may, da giày xuất khẩu đều cho giá trị gia tăng cao nếu được sản xuất tại Việt Nam đều tăng giá trị cho nền kinh tế.
Đang chiếm lĩnh các thị trường quan trọng
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) TS Nguyễn Quốc Toản, các mặt hàng tiềm năng như gạo, trái cây, gỗ, thủy sản )gồm mặt hàng tôm và nhuyễn thể) đang đứng thứ 5 trong tốp XK thủy sản của chúng ta… Chúng ta đang chiếm lĩnh các thị trường quan trọng, kể cả các thị trường đang bị COVID ảnh hưởng chưa khắc phục được hoàn toàn.
“Bức tranh của năm nay cho thấy hàm lượng nông sản chế biến của chúng ta đã tăng, thu hẹp tỉ trọng XK thô. Trước đây tỉ lệ XK nông sản thô chiếm khoảng gần 90%, thì nay các sản phẩm XK đã qua chế biến của chúng ta đã đạt ở mức 29%, chiếm tỉ trọng ½ trong cơ cấu sản phẩm XK của chúng ta. Điều đó khẳng định giá trị mang lại từ các mặt hàng nông sản qua chế biến tăng lên rất nhiều so với các năm trước đây” - TS Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), đối với nông sản, về thị trường thì Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng vì lợi thế địa lý. Chúng ta đã và đang khai thác khá hiệu quả, cần phát huy thời gian tới. Còn các thị trường tiềm năng là các thị trường có FTA với thuế suất giảm và có điều kiện mở cửa cho nông sản của ta như Nhật, Hàn, EU. Tuy nhiên các thị trường này đòi hỏi rất cao và khắt khe về chất lượng và các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm nên sẽ là mục tiêu phấn đấu căn cơ (phấn đấu đạt tiêu chuẩn NK của thị trường này, duy trì ổn định được chất lượng nông sản XK, song song cần xây dựng và quản trị thương hiệu hiệu quả), lâu dài nhằm đảm bảo phát triển XK bền vững vì nó sẽ tạo ra giá trị XK cao hơn 1,5-3 lần cho cùng 1 số lượng hàng XK.
* 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 254,6 tỉ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 73 tỉ USD, tăng 1,6%, chiếm 28,7% tổng kim ngạch XK; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,6 tỉ USD, tăng 6,9%, chiếm 71,3%. Trong 11 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch XK (trong đó có 6 mặt hàng XK trên 10 tỉ USD, chiếm 64,3%).
* Chúng ta cần nỗ lực tìm kiếm các thị trường giá trị của các thị trường “ngách”, đặc biệt, chúng ta đang tổ chức diễn đàn với hơn 200 đại biểu đến từ khu vực Trung Đông, khu vực Hồi giáo tìm kiếm các thực phẩm Hala toàn cầu. Cơ hội đối với Việt Nam là chúng ta phải chinh phục được những nhánh hàng rất nhỏ để từ đó kết nối, xây dựng được các chuỗi khép kín quy mô lớn.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NNPTNT
* Về lâu dài, XK nông sản cần chuyển dịch sang nhóm nông sản có hàm lượng chế biến tăng dần để đảm bảo được giá trị XK cao hơn. Cùng đó, các mặt hàng công nghệp, chế biến chế tạo nên là động lực cho phát triển XK vì nó mang hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế, nhất là khi tham gia được vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu…
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM - Bộ Công Thương
* Xuất khẩu nông sản dù tỉ trọng nhỏ nhưng giá trị lớn bởi chủ yếu do đất đai, lao động và thiết bị chế biến trong nước sản xuất ra cho nên giá trị gia tăng (VAT) và cả chi phí bỏ ra cơ bản của Việt Nam và Việt Nam được hưởng.
Ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam
* Để tăng giá trị XK, trước hết, cần phải xác định rằng, các Hiệp định Thương mại tự do lớn như CPTPP, EVFTA hay sắp tới đây là RCEP… sẽ mở cho Việt Nam các thị trường mới cho ngành XK nông, lâm, thủy-hải sản Việt Nam. Chúng ta phải tận dụng những Hiệp định Thương mại này …
TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế cấp cao
Xem thêm: odl.335858-gnort-nauq-gnourt-iht-cac-hnil-meihc-gnad-teiv-gnah/et-hnik/nv.gnodoal