Khách hàng chờ đón taxi ở sảnh D bên trong nhà xe TCP - Ảnh: C.TRUNG
Sau gần 20 ngày triển khai phân làn xe ở sân bay Tân Sơn Nhất, dù làn A, B, C cải thiện nhưng nhiều hành khách than phiền về tình trạng ùn ứ phát sinh ở khu vực đón taxi tại làn D trong nhà xe TCP và mệt mỏi để đón xe công nghệ.
150.000 đồng cho 3km
Theo ghi nhận, tình trạng chèo kéo khách, đưa giá cao khiến bên trong làn D nhiều thời điểm nhốn nháo. Khách hàng chần chừ tìm xe khác, thái độ lườm nguýt của nhân viên khi khách hàng không bằng lòng về giá thường xuyên xảy ra.
Phản ảnh với Tuổi Trẻ, chị Nguyễn Thùy Vy (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) bức xúc khi bị tài xế taxi V. "chơi chiêu". Chị Vy cho biết sau chuyến bay từ Đà Nẵng - TP.HCM, chị đến sảnh D lúc 17h là đông nghẹt khách đợi taxi.
Vừa lên taxi thì tài xế hỏi đi đâu, dù chị Vy cho hay đã nói rõ với người điều phối xe của hãng là về đường Hồng Hà (Q.Phú Nhuận), nam tài xế thể hiện thái độ không vui, không bật đồng hồ tính tiền mà nói giá 150.000 đồng cho chuyến xe này.
"Tôi thắc mắc sao không bấm kilômet thì tài xế bảo máy đang bảo trì. Không chỉ giá tiền không minh bạch mà tôi cảm giác tài xế không muốn chở khách đi gần. Họ khó chịu ra mặt với khách hàng" - chị Vy nói.
Trước phản ảnh của khách hàng, chúng tôi tìm hiểu về mức phí di chuyển. Tại khu vực đón taxi truyền thống ở tầng trệt, cùng một địa điểm trung tâm thương mại Vincom (Q.1), tại quầy taxi của Hãng Avigo, một người đàn ông mặc áo trắng viền cam của đơn vị báo giá 220.000 đồng. Tỏ ý giá này khá cao so với xe công nghệ, người này cười trả lời: "Sân bay ra là vậy".
Nói rồi một người đàn ông khác đứng ngoài quầy nhanh nhẹn đòi ghi phiếu tiền. Khi chúng tôi cho rằng giá cao, người này giải thích tuyến từ sân bay đến trung tâm TP.HCM như Q.1 có giá 220.000 đồng, Q.3 giá 200.000 đồng...
Giá trên được tính theo quận chứ không tính theo điểm đến, đã bao gồm phí sân bay và chỉ áp dụng một điểm dừng.
Đến quầy gần bên, một người đàn ông đội mũ đen cũng báo giá 220.000 đồng. Không đồng ý giá này, người này gợi ý chúng tôi chờ một lát để có khách sẽ ghép chung xe, giá giảm còn 150.000 đồng.
Đang chờ, một vị khách nữ bước tới hỏi giá xe chở tới đầu đường Hồng Hà ngay kế bên sân bay để đón xe về Bình Phước. Người đàn ông trên báo giá 130.000 đồng, khách trả giá 100.000 đồng, người này đồng ý vì sẽ ghép đi cùng chúng tôi.
Tuy nhiên, vị khách nữ trên vẫn do dự, cho biết bình thường chỉ mất vài chục ngàn chứ không lên cả trăm ngàn như vậy. Do đó chị quyết định điện thoại nhờ nhà xe khách đặt giùm.
Cũng hỏi đi đến Vincom (Q.1), một tài xế đội mũ taxi Vinasun cho biết sẽ đi theo đồng hồ, giá khoảng 160.000 đồng, trả thêm 10.000 đồng phí sân bay.
Tuy nhiên, cùng tuyến đường di chuyển, nếu bắt Grab chúng tôi chỉ phải trả 90.000 đồng, kèm thêm 25.000 đồng phí sân bay.
Một tài xế giải thích chuyện tăng giá: "Vô đây lệch nhau, bãi cũng hết 10.000-20.000 đồng rồi. Hồi xưa đi ngoài kia khỏe, dồn vô đây nó nâng lên".
Dù đi xe công nghệ rẻ hơn, nhưng hiện khách hàng phải đưa hành lý lên từ 3 đến 5 tầng nhà xe TCP. Đông người chờ, loại thang máy ở đây lại rất chậm.
Chờ quá lâu, nhiều người khệ nệ xách vali, hành lý đi thang bộ. Theo ghi nhận, nhiều phi hành đoàn cũng chọn cách này. Có trường hợp phải khiêng đồ lên tận sân thượng, không có mái che, nắng gắt để đón xe công nghệ.
Taxi đang bị "đánh", làm xấu hình ảnh?
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp taxi trong sân bay, tình trạng chèo kéo, hét giá với khách hàng đang được quán triệt nghiêm túc.
Dù thừa nhận xảy ra việc taxi thách giá, thái độ không tốt nhưng một số doanh nghiệp taxi cho rằng đang có tình trạng tổ chức "đánh", làm xấu hình ảnh xe truyền thống.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tạ Long Hỷ - phó tổng giám đốc Vinasun đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - cho biết gần đây có hiện tượng một số người giả làm khách hàng, đem balô nặng nhưng bên trong toàn giấy nhẹ, còn chồng lên nhau để xách lên cầu thang rồi chụp hình ảnh cho thấy tình trạng vất vả.
Thứ hai là họ "gài" lái xe cáu lên: kêu taxi rồi vừa ra khỏi cổng sân bay thì thanh toán để xuống đi xe công nghệ. "Họ biến xe taxi thành xe trung chuyển nên tài xế khá bức xúc" - ông Hỷ nói.
Với xe thương quyền, ông Hỷ cho biết tài xế được thỏa thuận giá với khách nhưng phải thấp hơn giá đồng hồ ở điểm đến. Dù vậy, ông Hỷ cũng thừa nhận có tài xế chưa tốt và hãng xe cương quyết xử lý tới cùng tài xế nào chê cuốc gần, lấy thêm tiền của khách...
Đại diện cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết theo quy định, tài xế taxi không được bỏ xe, chào mời, chèo kéo, cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng; chỉ bật đồng hồ tính cước khi xe bắt đầu lăn bánh; không được từ chối chở khách đi gần; không được làm giá hay thu phí cao hơn quy định...
"Các hãng taxi đã ký hợp đồng nhượng quyền khai thác đón trả khách phải thực hiện nghiêm quy định theo cam kết, yêu cầu nhân viên điều hành, tài xế taxi không được chèo kéo khách. Cảng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cam kết dịch vụ của sân bay, sẽ dừng khai thác hãng 1-2 tháng và chấm dứt hợp đồng với hãng tùy theo số lượng lái xe vi phạm" - vị này nói.
Chạy sang ga quốc tế, ra khỏi sân bay để đón xe
Do không muốn đi taxi ở trong sân bay với giá cao, nhiều hành khách cho hay quyết tâm giữ sự lựa chọn của mình và chấp nhận đi bộ ra xa để đón xe.
Trong khi đó, giới tài xế xe công nghệ muốn thông thoáng chạy đón khách nhanh đã gợi ý khách hàng qua ga quốc tế để đón nhanh hơn.
Thậm chí, theo ghi nhận của phóng viên những ngày này, nhiều người vẫn đội nắng, kéo vali ra đường Trường Sơn - ngay cây xăng trước cổng vào sân bay để đón xe, tiết kiệm 25.000 đồng tiền phí thay vì đón ở bên trong nhà xe TCP.
Ông Phạm Văn Châu (giám đốc Công ty CP đầu tư TCP):
Nghiên cứu thêm thang băng chuyền
Trước ngày 20-12 (âm lịch), tức khoảng đầu tháng 2-2021, chúng tôi sẽ lắp đặt thêm hai thang máy với sức chứa mỗi thang 22 người, tải trọng 1,6 tấn ở nhà xe TCP, nâng tổng số lên bốn thang máy.
Vì sao hơn 2 tháng mới lắp thang máy? Vì phải đặt ở nước ngoài do trong nước không sản xuất được. Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ triển khai lắp đặt.
Ngoài việc cử nhân viên ở thang máy hỗ trợ khách, TCP còn cài đặt lại hệ thống thang máy như khóa nút bấm xuống tầng hầm và tầng 2.
Như vậy, vận hành thang máy sẽ nhanh hơn. Khách chờ đợi cũng rút ngắn thời gian từ 7 phút còn 5 phút.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang tính toán phương án làm thang cuốn (dạng bậc thang) hoặc thang băng chuyền (mặt phẳng).
Phương án sẽ nghiêng về thang băng chuyền vì thang cuốn không thể đẩy xe lên được. TCP đã mời đơn vị vào khảo sát để xem có thể triển khai lắp đặt được không.
TTO - Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo bảy hãng taxi chạy chặng sân bay Liên Khương - Đà Lạt phải tính cước phí dựa trên đồng hồ, không được thỏa thuận với khách.
Xem thêm: mth.10684728010210202-yav-al-yab-nas-od-yl-iov-yab-nas-o-oac-ixat-aig-teh/nv.ertiout