Các doanh nghiệp VN đang đẩy mạnh tự động hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm - Ảnh: T.X.
Việc được công nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã trở thành bệ đỡ giúp các doanh nghiệp Việt cất cánh trên "chiến trường" quốc tế.
Chứng nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã hướng doanh nghiệp đến con đường phát triển bền vững, làm chủ thị trường trong nước và dần sánh được với doanh nghiệp trong khu vực, dần bỏ cách kinh doanh ăn xổi ở thì.
Ông Lê Đức Nghĩa
Giá trị thương hiệu tăng sau mỗi lần được công nhận
Ông Lê Đức Nghĩa, tổng giám đốc Công ty gỗ An Cường, cho biết dù đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam nhưng cảm xúc mỗi lần được công nhận luôn mới.
"So với hai năm trước, đến nay giá trị thương hiệu của đơn vị tăng nhiều lần, thu hút sự tham gia rót vốn của các quỹ đầu tư ngoại như VinaCapital, Sumitomo Forestry, DEG - Đức...", ông Nghĩa cho biết.
Theo đại diện doanh nghiệp này, niềm tin của người tiêu dùng trong nước lẫn quốc tế với thương hiệu Việt hiện nay rất cao.
Dù dịch COVID-19 vừa qua ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp trong ngành gỗ nhưng bản thân An Cường may mắn chịu tác động ít hơn, một phần nhờ cân đối tốt cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Hàng xuất khẩu vẫn duy trì xuất sang các nước Úc, Mỹ, Nhật và châu Âu... trong khi thị trường nội địa vẫn ghi nhận tăng trưởng.
Ở ngành hàng thực phẩm, bánh kẹo, ông Trần Lệ Nguyên, tổng giám đốc Tập đoàn Kido, cũng chia sẻ việc được Nhà nước công nhận là Thương hiệu quốc gia Việt Nam chính là một bước để Kido có nhiều hơn các cơ hội tiếp tục gia tăng tầm ảnh hưởng tại thị trường nội địa, mở ra cơ hội lớn tiếp cận và tiến xa hơn sang các nước trên thế giới.
"Kinh Đô trước đây và bây giờ là Kido đã lần thứ 7 có mặt trong Thương hiệu quốc gia Việt Nam kể từ khi chương trình này ra đời. Đó là nỗ lực duy trì chất lượng chinh phục người tiêu dùng, uy tín về hàng Việt.
Hiện chúng tôi có đến 2 ngành hàng hiện đang trong top dẫn đầu ngành hàng thị trường tại Việt Nam là kem với 43,5% thị phần và dầu ăn chiếm trên 30% thị phần", ông Nguyên nói.
Nâng tầm ảnh hưởng cho thương hiệu Việt
Theo ông Nguyễn Phúc Khoa - chủ tịch hội đồng quản trị Vissan, các sản phẩm của công ty nằm trong danh mục nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 gồm có đồ hộp, lạp xưởng, giò các loại, thịt nguội, sản phẩm chế biến đông lạnh và chế biến khô.
Chứng nhận này khẳng định mục tiêu hướng đến trở thành thương hiệu thực phẩm hàng đầu Việt Nam, ghi nhận những nỗ lực của công ty suốt những năm vừa qua, bên cạnh đó cũng là động lực thúc đẩy công ty ngày càng phát triển.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục lấy lợi ích của người tiêu dùng làm mục tiêu phát triển, đẩy mạnh thương hiệu thực phẩm uy tín, chất lượng và dinh dưỡng đối với người tiêu dùng bằng việc áp dụng nghiên cứu khoa học, phát triển những dòng sản phẩm tối ưu cho người tiêu dùng.
Đồng thời sẽ mở rộng các kênh phân phối bán hàng, triển khai liên kết với các đối tác kinh doanh để tiếp cận rộng rãi đến người tiêu dùng trong nước và các quốc gia, khu vực", ông Khoa nói.
Các doanh nghiệp nhận chứng nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam đều cho biết một trong những giá trị trở thành điểm nhấn của chương trình này chính là sự phân bổ đều thương hiệu giữa các ngành hàng.
Nhờ vậy, doanh nghiệp trong các ngành này sẽ bổ trợ, "cõng" nhau cùng phát triển chứ không lấn át nhau.
Theo ông Trần Lệ Nguyên, tầm ảnh hưởng của Việt Nam ngày càng lớn và đang được khẳng định, nhất là sau đại dịch COVID-19. Hiện rất nhiều quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài muốn giao thương, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Phúc Khoa cũng cho rằng sự bảo trợ từ Nhà nước đối với các thương hiệu sản phẩm chất lượng và uy tín từ Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam có được vị thế trong đàm phán thương mại, nhanh chóng đẩy mạnh phát triển thương hiệu và đưa sản phẩm của mình ra thế giới.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong.
"Với Vinamilk, thương hệu quốc gia không chỉ là sự công nhận, mà còn là trọng trách. Vinamilk đã xây dựng một thương hiệu xứng đáng vị thế thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế" - bà Bùi Thị Hương, giám đốc điều hành của Vinamilk, cho biết.
Xem thêm: mth.72283459010210202-gnuv-neb-neirt-tahp-ned-gnouh/nv.ertiout