Trạng Tí dự kiến có năm phần phim chứ không chỉ một - Ảnh: Studio68
Tại Mỹ, các hãng truyện tranh Marvel, DC có lịch sử hơn 80 năm và truyện được chuyển thể thành phim điện ảnh từ hàng thập niên trước. Đó là những mô hình phát triển mẫu mực mà giới sáng tạo trên thế giới vẫn dõi theo, học hỏi.
Các bộ phim của DC, Marvel đều dựa theo truyện, nhưng khán giả ra rạp đều không biết điều gì sẽ xảy ra. Với Trạng Tí, chúng ta sẽ gặp Tí Sửu Dần Mẹo với những câu đối, vụ án chúng ta đã biết nhưng sẽ là những tích khác, câu chuyện khác, luôn có những cú twist để đem lại sự mới mẻ cho khán giả.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh
Người Việt Nam làm phim từ truyện tranh Việt Nam
Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU) và vũ trụ mở rộng DC (DCEU) được lập ra vào các năm 2008 và 2013 để thực hiện tham vọng lớn hơn: biến các phim chuyển thể thành những phần nhỏ trong một vũ trụ siêu anh hùng rộng lớn và có mối quan hệ mật thiết với nhau để duy trì sức hút lâu dài. MCU thành công vang dội, còn DCEU cũng có những tác phẩm ăn khách.
Trạng Tí, chiếu 12-2-2021 (tức mùng 1 Tết Tân Sửu) là một trong những phim chuyển thể từ truyện tranh Việt Nam (Thần đồng đất Việt) có kinh phí lớn nhất từ trước đến nay. Qua những đoạn phim đã công bố, có thể thấy phim ít nhất sẽ rất mãn nhãn về hình ảnh.
Trên thực tế, từ rất lâu rồi, các nhà làm phim đã ấp ủ đưa truyện tranh Việt Nam lên màn ảnh rộng qua những dự án "bom tấn" của điện ảnh Việt.
Và ở phía ngược lại, giới sáng tác truyện tranh kỳ vọng nhân vật do mình sáng tạo được lên màn ảnh rộng, đến với lượng khán giả lớn hơn.
Niềm đam mê với những siêu anh hùng, những vị thần, những nhân vật truyện tranh nguyên gốc Việt Nam là có thật và giới sáng tạo đang cố gắng biến ý tưởng thành hiện thực.
Nhà sản xuất Lâm Nguyễn của Trạng Tí cho biết: "Người Việt Nam phải làm phim từ tác phẩm của Việt Nam, chính thống của Việt Nam".
Điều này không có nghĩa là bê nguyên tác phẩm truyện tranh lên màn ảnh mà không có sự dụng công của nhà làm phim, không có quá trình biến ngôn ngữ truyện tranh thành ngôn ngữ điện ảnh.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói: "Làm Trạng Tí cũng có những ràng buộc từ tác giả, từ Công ty Phan Thị (đơn vị sáng tác và phát hành tác phẩm - PV). Họ muốn phim phải trung thành với truyện về quần áo, họa tiết, với câu chuyện.
Tôi nói nếu vậy thì không làm phim được. Vì dù chuyển thể, phim là một sản phẩm phải có đời sống riêng so với truyện. Rất may, sau đó hai bên đã nói chuyện và bộ phim vừa cố giữ tinh thần chính của truyện, vừa đem đến sự bất ngờ".
Nhân vật Lê Nhật Lan có phim riêng chuyển thể từ truyện Long thần tướng - Ảnh: Phong Dương Comics
Nhân vật là linh hồn, kiên trì là nền tảng
Nếu phim Trạng Tí được mong chờ vì độ nổi tiếng của Thần đồng đất Việt, phim Lê Nhật Lan dự kiến do biên kịch Nguyễn Khánh Dương chuyển thể từ Long thần tướng cũng được đón đợi vì chất lượng của tác phẩm gốc.
Bộ truyện từng đoạt giải bạc tại Giải thưởng Truyện tranh quốc tế lấy bối cảnh cuộc chiến chống Nguyên Mông của nhà Trần - thời đại hào hùng trong lịch sử Việt Nam.
Trong số "bạt ngàn" nhân vật nam giới như Trần Hưng Đạo và quan quân nhà Trần, hay nhân vật chính Long, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân lại đặc biệt ấn tượng với Lê Nhật Lan - nhân vật nữ hiếm hoi của Long thần tướng, được lấy cảm hứng từ An Tư công chúa - vị công chúa hòa thân với Thoát Hoan, "vì nợ nước ra đi không trở lại" (lời của giáo sư Phạm Đức Dương).
Và Lê Nhật Lan trở thành phim đầu tiên về một nữ anh hùng Việt Nam kiêu dũng.
Spider-man, Batman, Iron Man, Captain America, Thor, Flash, Aquaman, Wonder Woman hay Captain Marvel - những phim siêu anh hùng trên thế giới - đã chứng minh muốn thành công, phim phải tạo nên nhân vật chính có sức hấp dẫn to lớn.
Nhiều người không hẳn quá lời khi nói "Iron Man cứu cả đế chế Marvel". Nhân vật là linh hồn của các loạt phim dạng này, bên cạnh những yếu tố không thể thiếu như kịch bản, diễn xuất và kỹ xảo.
Sẽ còn quá sớm để dự báo Việt Nam có thành công với phim chuyển thể từ truyện tranh hay không. Bởi đây là dòng phim đòi hỏi sự kiên trì lâu năm và công sức của một tập thể lớn, nếu không nói là khổng lồ.
Thierry Nguyen - đồng sáng lập một công ty kỹ xảo, cho biết có khoảng 1.000 nghệ sĩ tham gia làm kỹ xảo cho phim Man of Steel (2013) của DC.
Và còn đó bài học sáng tạo, không ngừng sáng tạo của Marvel. Kevin Feige - người đứng đầu Marvel Studios - từng giải thích về thành công của hãng: "Chúng tôi mở rộng định nghĩa về một bộ phim Marvel. Chúng tôi thu hút khán giả quay trở lại với số lượng lớn hơn bằng cách làm những điều bất ngờ, không theo khuôn mẫu hay công thức".
TTO - Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân công bố 'Lê Nhật Lan' là phim về nữ anh hùng của Việt Nam, chuyển thể từ truyện tranh nổi tiếng 'Long thần tướng' của nhóm Phong Dương Comics.
Xem thêm: mth.98203519010210202-cd-levram-uhn-mihp-nel-eht-oc-teiv-hnart-neyurt/nv.ertiout