Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc cho biết kim chi không chỉ là bắp cải lên men mà còn là một phần cốt lõi của văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, đồng thời khẳng định quy trình làm ra nó đã được công nhận là tiêu chuẩn toàn cầu trong gần hai thập kỷ.
Cơ quan này cũng thẳng thắn bác bỏ tuyên bố của truyền thông Trung Quốc rằng Bắc Kinh đã giành được chứng nhận của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) cho quy trình làm kim chi của mình. Đồng thời cho rằng Bắc Kinh đã giành được chứng nhận ISO cho pao cai, một loại rau muối khác được tiêu thụ ở Trung Quốc không liên quan gì đến kim chi: “Chúng ta cần hiểu rằng pao cai khác với kim chi".
Pao cai của Trung Quốc |
Theo tài liệu ISO, Trung Quốc đã bắt đầu quá trình tiêu chuẩn hóa pao cai vào năm 2019, và năm thành viên ISO - Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Iran và Serbia - đã phê duyệt các danh mục pao cai nhưng tài liệu ISO này không áp dụng cho kim chi.
Tổ chức Nông lương (FAO), một cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc, đã chính thức công nhận tiêu chuẩn công nghiệp cho kim chi vào năm 2001, trong đó nêu rõ các thành phần, nhãn phụ gia thực phẩm và tên của sản phẩm.
Chính vì vậy, tuyên bố của Trung Quốc về việc đưa kim chi trở thành tiêu chuẩn quốc tế ngay lập tức bị phía Hàn Quốc phản ứng mạnh mẽ. Người dân Hàn từ lâu đã coi kim chi là món ăn linh hồn của dân tộc và thường liên kết nó với bản sắc của quốc gia. Toàn bộ quy trình làm kim chi, được gọi là "kimjang" - rửa và ướp rau, xào với tỏi, ớt đỏ và cá muối, rồi chôn chúng dưới lòng đất trong lọ đất sét thoáng khí - đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại vào năm 2013.
Mặc dù trước đây, việc làm và chia sẻ kim chi với số lượng lớn vào đầu mùa đông là một phần thiết yếu trong cuộc sống cộng đồng Hàn Quốc, nhưng hiện tại ngày càng nhiều người ở thành thị mua kim chi đóng gói trong siêu thị.
Kim chi là món ăn truyền thống của Hàn Quốc. |
Các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc nên giữ cảnh giác trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đòi quyền đối với các tài sản văn hóa, đồng thời chỉ ra việc các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin sai lệch không phải là ngẫu nhiên.
Seo Kyoung-duk, giáo sư tại Đại học Nữ sinh Sungshin, nói với Yonhap: “Chính phủ và các nhóm công dân cần phải có hành động mạnh mẽ chống lại các động thái của Trung Quốc nhằm đánh cắp tài sản văn hóa ra khỏi Hàn Quốc. Với việc nội dung văn hóa của Hàn Quốc đang mở rộng ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu, có vẻ như Trung Quốc đang nỗ lực để tuyên bố rằng những nội dung đó xuất phát từ nguồn gốc của họ.”
Để đối phó với nỗ lực của quốc gia láng giềng, chính phủ Hàn Quốc đã cam kết đẩy mạnh nỗ lực quảng bá kim chi trong và ngoài nước bằng cách thực hiện các nghiên cứu hàn lâm về lợi ích sức khỏe của món ăn và hỗ trợ các sự kiện văn hóa để thúc đẩy quá trình phát triển cho các doanh nghiệp liên quan.
“Hàn Quốc có kế hoạch tiếp tục nỗ lực cải thiện xuất khẩu kim chi bằng cách thiết lập một chuỗi cung ứng nguyên liệu ổn định và nâng cao chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh của nó. Các lô hàng kim chi xuất đi đã đạt 109 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020, tăng 38,5% so với năm 2019”- Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc cho biết.
Chung Thu Hương (theo Yonhap)
Xem thêm: lmth.1092241a-hcirt-ihc-couq-nah-ib-couq-gnurt-gnoht-neyurt-ihc-mik-ov-nahn/nv.moc.enilnounuhp.www