Theo CNN, Arcadia, chủ sở hữu của thương hiệu bán lẻ đình đám Topshop cùng hàng loạt những cái tên khác như Topman, Dorothy Perkins, Burton, Miss Selfridge, Evans đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Thông tin này được Deloitte, đơn vị giám sát quá trình này cung cấp. Deloitte cho biết thêm, chưa có bất cứ thông tin sa thải nhân viên nào và các cửa hàng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
"Đây là một ngày cực kỳ buồn của chúng tôi và các đồng nghiệp; cũng là tin không vui với các nhà cung cấp và nhiều bên liên quan khác nữa. Các cửa hàng bị đóng cửa trong một thời gian dài do tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của chúng tôi", ông Ian Grabiner, Giám đốc điều hành của Arcadia cho biết.
Việc Arcadia đệ đơn xin bảo hộ phá sản diễn ra trong bối cảnh kinh tế Anh đang vật lộn với cuộc khủng hoảng thất nghiệp ngày càng trầm trọng và chìm sâu vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn 300 năm.
Những cửa hàng vắng khách khiến Arcadia chìm trong khủng hoảng
Các đại gia ban lẻ thời trang lớn trong đó có cả những thương hiệu lâu đời như Marks & Spencer (MAKSY) và Selfridges, đã thông báo cắt giảm việc làm trên diện rộng do hậu quả của đại dịch. Các cửa hàng đóng cửa nhiều tháng và quá trình dịch chuyển sang mua sắm online của người dùng đã khiến kết quả kinh doanh của những thương hiệu đình đám này bị sụt giảm mạnh.
Cuối tuần trước, Arcadia đã thừa nhận rằng đại dịch COVID-19 đã gây "tác động lớn" đến hoạt động kinh doanh của công ty do các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa trong thời gian lệnh phong tỏa được áp đặt.
Tập đoàn cũng đang nỗ lực triển khai "một số phương án dự phòng" để bảo toàn những thương hiệu sở hữu. Tuy nhiên, mọi thứ dường như đã khó có thể cứu vãn.
Đại dịch COVID-19 đã khiến hàng loạt những ông lớn của ngành bán lẻ thời trang gục ngã. Trong đó phải kể đến thương hiệu mang tính biểu tượng như Ascena, Brooks Brothers, J.Crew, Neiman Marcus, JCPenney…
Tập đoàn bán lẻ Ascena, chủ sở hữu của Ann Taylor, Lane Bryant và một số thương hiệu quần áo khác đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 7/2020
Dịch bệnh bùng phát toàn cầu đã giáng một đòn chí tử vào các tập đoàn bán lẻ thời trang, sở hữu những chuỗi cửa hàng trên khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Việc phải đóng cửa nhiều tuần, số người thất nghiệp tăng vọt, công với việc hàng triệu người chuyển sang làm việc ở nhà không có nhu cầu mua sắm khiến các hãng lâm vào tình cảnh khó khăn.
Nộp đơn xin phá sản không có nghĩa là các công ty sẽ ngừng hoạt động kinh doanh. Nhiều ông lớn đã dùng quy trình này để xóa nợ và các nghĩa vụ tài chính khác, cắt giảm chi phí, cơ cấu lại và đạt được lợi nhuận như trường hợp của General Motors.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như thế, ví dụ như Toys "R" vào năm 2018 đã không thể gượng dậy nổi sau thủ tục nộp đơn xin phá sản vào năm 2018.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.29522817110210202-nas-ahp-nix-nod-pon-pohspot-em-yt-gnoc/et-hnik/nv.vtv