Căng thẳng giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ với chính quyền Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục tăng cao những ngày vừa qua.
Trong khi Mỹ cùng đồng minh NATO tiến hành các cuộc tập trận tại Biển Đen, chính quyền Nga cho biết đang triển khai lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho bất kỳ cuộc tấn công nào từ đối thủ.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng sát lại gần với Moscow hơn trong những tháng gần đây khi tiến hành hợp đồng mua bán tên lửa với nước này, vấp phải sự chỉ trích của Mỹ và các nước thành viên NATO.
Tổng thống Nga Putin (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ - ông Recep Tayyip Erdogan (trái). Ảnh: REUTERS
NATO nói Nga đe dọa đến các nước phương Tây
Đài RT ngày 2-12 cho biết NATO trong một bản báo cáo đã cáo buộc Nga đe dọa đến lợi ích của các quốc gia phương Tây tại khu vực Đại Tây Dương cho đến Bắc Cực.
Bản báo cáo cho rằng Moscow đang thực hiện "những chính sách và hành động gây hấn một cách quyết đoán, tác động tiêu cực đến an ninh của khu vực châu Âu và Đại Tây Dương."
"Tính đến năm 2030, Nga có thể vẫn là mối đe dọa quân sự chính đối với Liên minh Bắc Đại Tây Dương" - tác giả của bản báo cáo nhận định, thêm rằng Nga thường xuyên tiến hành "các hoạt động quân sự đe dọa ở những khu vực lân cận của NATO."
Bản báo cáo được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố các thành viên của tổ chức này cần tăng cường sự hiện diện ở bán đảo Crimea và Biển Đen, cũng như trong khu vực.
Ông Stoltenberg nói thêm rằng "NATO nhận thấy Nga đang vi phạm và phá hoại các hiệp ước quốc tế giữa các bên". Tuy nhiên, phía chính quyền Moscow cũng bày tỏ quan ngại tương tự sau khi Mỹ đơn phương hủy bỏ một số thỏa thuận quốc tế.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: REUTERS
Mỹ gần đây đã chấm dứt tư cách thành viên của Hiệp ước Bầu trời Mở ký với Nga và các nước châu Âu ký thời Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước này cho phép giám sát các chuyến bay lẫn nhau và nhằm xua tan nỗi lo về việc vận chuyển khí tài quân sự và vũ khí hạt nhân.
Năm 2019, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vốn cấm một số loại vũ khí có khả năng tấn công quốc gia khác từ xa. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Nga đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận dù Moscow cực lực phủ nhận.
Vào tuần trước, trong cuộc tập trận cùng với đồng minh NATO, Mỹ đã tiến hành một loạt vụ phóng thử tên lửa tầm xa từ Romania vào Biển Đen, theo RT.
Phản ứng trước cuộc diễn tập, Phó Chủ tịch Phòng công vụ Crimea – ông Alexander Formanchuk cảnh báo rằng lực lượng vũ trang Nga đã triển khai khí tài hiện đại trên bán đảo, sẽ vô hiệu hóa mọi “cuộc tấn công tên lửa bất ngờ”.
Ông Formanchuk lập luận rằng cuộc tập trận trên phù hợp với một mô hình leo thang căng thẳng, nói rằng những hành vi khiêu khích chống lại Crimea trở nên thường xuyên hơn.
Hệ thống pháo phản lực bắn loạt M142 HIMARS. Ảnh: WIKIPEDIA
“Thật đáng tiếc, chúng ta đang chứng kiến sự trầm trọng hơn của các mối quan hệ quốc tế và tình hình quốc tế. Và chủ đề Crimea là lý do thích hợp để làm leo thang sự khiêu khích này” – ông Formanchuk nói.
Hôm 24-11, Nga báo cáo việc tàu khu trục John McCain của hải quân Mỹ xâm phạm lãnh hải Nga đến 2 km, gần Vladivostock ở Viễn Đông. Tàu khu trục Đô đốc Vinogradov của Nga đã bám đuôi tàu Mỹ, cảnh báo tàu USS John McCain có thể bị đâm nếu không rời khỏi khu vực tranh chấp Vịnh Peter Đại đế.
Ông Pompeo chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ
Cùng ngày, hãng tin Channel News Asia (CNA) cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc họp với NATO hôm 1-12, làm dấy lên khả năng một số quốc gia NATO sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ankara.
Theo đó, ông Pompeo cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác với đối thủ của NATO là Nga khi mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, bất chấp sự phản đối của các đồng minh.
Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi Ankara cư xử giống một đồng minh với Mỹ hơn, cáo buộc Ankara đang cản trở nỗ lực hợp tác giữa chính quyền Washington với NATO.
Một số thành viên NATO và Liên minh châu Âu thường tỏ ra thận trọng khi chỉ trích chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vì lo sợ căng thẳng leo thang giữa các bên, song ông Pompeo đã rất cứng rắn trong cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 1-12.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Berlin vào đầu năm nay. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Pompeo đã liên tục chỉ trích chính quyền Ankara trong những tuần gần đây, CNA cho hay.
Trước đó, vào tháng 11, trong buổi nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris, ông Pompeo và Tổng thống Pháp đều đồng ý rằng những hành động gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ là "rất hung hăng".
Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về lập trường của mình trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển với Hy Lạp và sự ủng hộ của nước này đối với Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia.