Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết vừa nối thành công 1/3 phần cẳng tay bị đứt lìa cho bé trai NTGH (8 tuổi, ngụ Long An).
Trước đó, vào 17 giờ 20 phút ngày 7-11, bệnh nhi được bệnh viện địa phương chuyển đến với phần cẳng tay phải bị đứt lìa ngay sau tai nạn cùng vết thương nông ở đầu.
Phần cẳng tay được bảo quản trong thùng lạnh. Vết thương nhỏ vùng trán đã băng bó.
Bệnh nhi hiện đang được chăm sóc, theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: HL
Bé được hội chẩn liên chuyên khoa chấn thương chỉnh hình - ngoại thần kinh- gây mê và phẫu thuật khẩn vào lúc 18 giờ cùng ngày.
Các bác sĩ ghi nhận vết thương đứt lìa cẳng tay phải, dưới nếp khuỷu 2 cm, bờ nham nhở được rửa sạch. Thám sát dưới kính vi phẫu cho thấy xương trụ và xương quay gãy 3 mảnh. Các bác sĩ đã kết hợp xương bằng dụng cụ, sau đó tìm và nối được một nhánh động mạch.
Sau nối, phần cẳng tay bên dưới hồng. Các bác sĩ tiếp tục tìm và nối 2 tĩnh mạch đi kèm, tín hiệu máu lưu thông tốt.
“Do vết thương đứt nham nhở, dính nhiều đất cát, thần kinh dập mất đoạn rất nhiều, hơn nữa phần cơ dập cầm máu rất khó khăn nên chúng tôi quyết định khâu nối mạch máu cơ bản; tạm thời cột chỉ đánh dấu, rửa vết mổ, khâu lại vết mổ, nẹp bột, tránh mất máu cho bệnh nhi. 3 tuần sau vết thương ổn sẽ tiếp tục khâu nối thần kinh” - BS Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Khoa Bỏng Chỉnh trực BV Nhi đồng 2 cho biết.
Sau gần 5 tiếng thực hiện ca vi phẫu căng thẳng, ca mổ kết thúc vào lúc 23 giờ 40 phút.
Ba của bệnh nhi xúc động cảm ơn các bác sĩ đã giữ lại được cánh tay cho con mình. Ảnh: HL
Theo BS Ngọc Ngà, cẳng tay phải của bệnh nhi được người dân mang bỏ trực tiếp vào trong thùng đá, đây là cách sơ cứu không đúng. Nguyên nhân là khi bỏ trực tiếp phần cẳng tay vào thùng đá có thể làm cho phần mô bị phỏng lạnh cùng với việc thiếu máu chi dễ gây chồng tổn thương. Nguy cơ gây tắc, biến chứng thoát dịch làm cho tình trạng thiếu máu nặng nề hơn, gây thất bại cho cuộc vi phẫu.
May mắn, thời gian bé trai được đưa đến bệnh viện để cấp cứu ngắn nên hạn chế được các biến chứng.
Theo các bác sĩ, phần cẳng tay bị đứt nằm ngay phần khớp nên khả năng sắp tới bé phải được chỉnh lại xương khi bàn tay phục hồi cử động. Bé còn nhỏ nên chức năng thần kinh mạch máu hồi phục tốt, khoảng 70-80%.
BS Ngọc Ngà lưu ý thêm, khi gặp các tai nạn đứt lìa chi, cách bảo quản tốt nhất là quấn gạc sau đó cho vào túi nilon sạch rồi mới bỏ vào ngăn đá làm lạnh, không nên bỏ thẳng vào thùng đá.
Anh Nguyễn Văn Lợi, cha bệnh nhi cho hay vào tối ngày 7-11, bé H. tự lấy chìa khoá xe chạy xe máy ra đường một mình, sau đó có người chạy vào nhà báo bé bị té rớt mất tay.
Anh Lợi hoảng loạn chạy ra, lấy khăn quấn tay con, đưa con đi bệnh viện còn phần tay của bé được người dân chạy ngang bỏ vào thùng đá ướp đưa tới bệnh viện sau.