Người bệnh khai báo y tế tại một phòng khám ở TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
Tối 3-12, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC TP.HCM) phát thông báo khuyến cáo người dân thành phố cần bình tĩnh chống dịch khi hiện nay các trường hợp không phải F1, F2 có tâm lý hoang mang, dẫn đến những phản ứng chưa phù hợp đã xuất hiện.
Để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, TP.HCM đã triển khai các biện pháp phòng dịch, trong đó quan trọng nhất là việc khẩn trương truy vết tiếp xúc, xét nghiệm nhanh các trường hợp tiếp xúc gần.
Trong quy định của Bộ Y tế hiện nay về truy vết, xư trí tiếp xúc chỉ dừng ở F1, F2. Một số trường hợp đang tự xếp mình là các F3, F4, F5 và F… là không phù hợp với quy định của Bộ Y tế.
Điều nay cho thấy chúng ta đang hoang mang về đánh giá nguy cơ của mình dẫn đến cách xử trí chưa phù hợp trong giai đoạn có sự lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Theo HCDC, đến nay ngành Y tế tập trung điều tra xử lý chính các trường hợp F1, F2 là vì chúng ta cần tập trung đến nhóm này. Xử lý tốt nhóm này là chúng ta cơ bản kiểm soát được chuỗi lây truyền.
Khi thực hiện truy vết nhanh, xét nghiệm khẩn các F1 thì sẽ phát hiện sớm các trường hợp dương tính, sau đó sẽ truy vết, khoanh vùng tiếp để cắt đứt nguồn lây. Nếu F1 âm tính thì đóng lại trường hợp này để tập trung cho hoạt động khác.
"Việc quan trọng của người dân thành phố là cùng thực hiện các biện pháp phòng bệnh, thực hiện thành một nếp sống mới thay vì hoang mang tự đánh giá mình là các loại F3, F4… rồi có những phản ứng chưa phù hợp. Trong cuộc chiến với COVID-19, bình tĩnh để xử trí đúng chính là chìa khóa của thành công trong kiểm soát dịch bệnh" - HCDC nhấn mạnh.
Cần hiểu đúng về F1 (tiếp xúc gần), F2 (tiếp xúc của tiếp xúc gần)
Bộ Y tế đã quy định tiếp xúc gần F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với ca bệnh xác định trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của ca bệnh cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế.
F2 là người tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với F1 trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên F1 tiếp xúc với ca bệnh (kể từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát) cho đến khi F1 được cách ly y tế.
Khác với F1 được xác định rõ về tiếp xúc gần, các trường hợp này có sự tiếp xúc không rõ ràng về thời gian hoặc khoảng cách khi tiếp xúc bệnh nhân COVID-19. Do đó để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan, thành phố thực hiện xét nghiệm tầm soát mở rộng cho những trường hợp này.
Nam tiếp viên hàng không sốt nhẹ, 3 bệnh nhân khác không có triệu chứng
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thông tin về tình hình bệnh nhân COVID-19 ở thành phố - Ảnh: TỰ TRUNG
Tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM với các sở ngành, quận huyện, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP - cho biết hiện tình trạng của bệnh nhân 1342 (nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines) ổn định, có sốt nhẹ, đau họng. Các bệnh nhân 1347, 1348, 1349 sức khỏe ổn định, không có triệu chứng.
Theo ông Bỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo đưa tất cả tiếp viên đến khu cách ly tập trung ở Củ Chi và cho ngừng hoạt động cơ sở cách ly của Vietnam Airlines để tiến hành tiêu độc khử trùng.
Sở Y tế có đã có văn bản đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 không cho phép các thành viên tổ bay kết thúc cách ly tập trung sớm như quy định hiện hành.
Theo ông Bỉnh, năng lực y tế của TP đảm bảo đủ để ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh. Thời gian tới, TP sẽ nâng cao năng lực khám, điều trị, khả năng truy vết, xét nghiệm nhanh.
TIẾN LONG - THẢO LÊ
TTO - Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống COVID-19 chiều 3-12, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Công an TP khởi tố bị can là bệnh nhân 1342 về hành vi vi phạm quy định cách ly, làm lây lan dịch COVID-19 ra cộng đồng.
Xem thêm: mth.90981100230210202-4f-3f-aig-hnad-ut-gnam-gnaoh-gnohk-hnit-hnib-nac-mch-pt-cdch/nv.ertiout