Chi tiền để lọt top
Như Tiền Phong đã phản ánh ở loạt bài kỳ trước, dù không kinh doanh bất cứ sản phẩm, dịch vụ gì, và chỉ dùng mô hình đa cấp để huy động vốn từ người dân. Tuy nhiên, trong thời gian hoạt động Công ty cổ phần Tập đoàn Thời gian Vàng (Tập đoàn Gold time) vẫn được Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội trao tặng danh hiệu “Sao Vàng thương hiệu Việt - Doanh nhân vì sự phát triển của đất nước năm 2019”. Dựa vào danh hiệu này, Tập đoàn Gold Time liên tục khoe với các nhà đầu tư về hoạt động kinh doanh của mình rất uy tín, khiến hàng nghìn người dân tin tưởng, xuống tiền đầu tư. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về việc có điều gì khuất tất phía sau giải thưởng?
Trao đổi với Tiền Phong, ông Tô Văn Đôn, Giám đốc Cty cổ phần truyền thông C&D Việt Nam (đơn vị phối hợp với Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội tổ chức chương trình) cho biết, đây không phải chương trình trao giải thưởng mà là chương trình truyền thông, quảng cáo cho các doanh nghiệp nhằm mục đích phòng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu theo đúng tôn chỉ, mục đích của Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội.
Theo ông Đôn, đối với chương trình này, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia mà không phải mất chi phí gì. Doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ với các giấy tờ như đăng ký kinh doanh, đăng ký nhãn hiệu, báo cáo về tình hình kinh doanh, sản xuất… Sau đó, hồ sơ sẽ được trình lên Ban tổ chức xét duyệt, bình chọn.
Về trường hợp Gold time, ông Đôn cho biết, tại thời điểm tham gia, đơn vị này chưa bị cơ quan chức năng điều tra, hay cơ quan truyền thông phản ánh có vi phạm nên vẫn được nộp hồ sơ, tham gia bình thường.
Vậy vì sao Gold Time lọt Top 10 danh hiệu Sao Vàng thương hiệu Việt - Doanh nhân vì sự phát triển của đất nước năm 2019? và chương trình có đủ các Top 20, Top 50, Top 100? Vị này lý giải: “Bình thường, doanh nghiệp nộp hồ sơ sẽ không mất phí nhưng đơn vị nào được vinh danh và đưa logo vào backdrop, banner chương trình sẽ mất phí theo các top nhất định. Năm 2019, Gold Time đăng ký quảng cáo trong top 10 ngành hàng cafe, cả hệ thống tham gia chương trình nên có tên trong hạng mục này. Ban tổ chức khi hợp tác với đài truyền hình vẫn có điều khoản cho phép các công ty sử dụng hình ảnh trong chương trình để làm truyền thông, quảng cáo thương hiệu”, ông Đôn nói.
Khi được hỏi mức phí để được vinh danh trong mục các top, ông Đôn cho biết, sẽ cung cấp đầy đủ cho phóng viên, nhưng sau đó nhiều ngày chúng tôi vẫn không nhận được.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, năm 2019, chương trình vinh danh “Sao Vàng thương hiệu Việt - Doanh nhân vì sự phát triển của đất nước” có 164 doanh nghiệp tham gia. Với các doanh nghiệp được xét duyệt vào top, có các mức phí khác nhau, nếu được vinh danh ở Top 100 mức kinh phí là 20 triệu đồng, Top 50 là 30 triệu đồng, Top 10 là 40 triệu đồng cho đến Tài trợ đồng, Tài trợ bạc, Tài trợ vàng lần lượt là 100, 200, 300 triệu đồng.
Sẽ thu hồi danh hiệu
Ông Phạm Bá Dục, Phó Chủ tịch Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội cho biết, sau khi nhận được thông tin Tập đoàn Gold Time bị khởi tố do vi phạm pháp luật, Hội đã ra quyết định thu hồi danh hiệu Top 10 “Sao Vàng Thương hiệu Việt - Doanh nhân vì sự phát triển của đất nước” của Tập đoàn Gold Time.
“Đây là quy định đã có ngay từ khi các doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia chương trình. Chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp khai báo thông tin trung thực, nếu sai doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Dục nói.
Theo ghi nhận của Tiền Phong, sau khi ông Nguyễn Khắc Đồi và dàn lãnh đạo của công ty này bị khởi tố về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Gold Time, hiện trụ sợ của công ty này đã đóng cửa. Tuy nhiên, trên các hội nhóm Facebook, Zalo, các đại lý cấp 1, cấp 2…của Tập đoàn Gold Time vẫn dùng đủ chiêu trò tổ chức, lôi kéo người dân tại nhiều tỉnh, thành tiếp tục tin tưởng, đầu tư vào công ty.
Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an xác định trong thời gian hoạt động, Tập đoàn Gold Time không kinh doanh bất cứ sản phẩm, dịch vụ gì mà chỉ vẽ ra các dự án để huy động vốn nhằm chiếm đoạt số tiền của nhà đầu tư. Sau 2 năm, Tập đoàn này đã huy động được 900 tỷ đồng từ người dân. Số tiền này, lãnh đạo Gold Time dùng để mua bất động sản, trả chi phí hoạt động, và tiêu dùng cá nhân.
Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 51/2010/QÐ-TTg về việc ban hành quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu, trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp. Tại khoản 2, khoản 4, Ðiều 4 của Quyết định đã đưa ra quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm, như: cấm “huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng”, và cấm “tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”.
Cơ quan, đơn vị được tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng theo Ðiều 2 Quyết định số 51/2010/QÐ-TTg phải là “cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của doanh nghiệp có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cấp tỉnh.
NHÓM PV KT-XH
Tiền Phong