Tổng thống Donald Trump được dự đoán sẽ tăng sức ép lên Trung Quốc trong những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ - Ảnh: Reuters - Đồ họa: T.ĐẠT
Mới nhất, ngày 4-12, chính quyền Tổng thống Trump đã đưa Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) - chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 từng xâm phạm vùng biển Việt Nam vào năm 2014 - vào danh sách các thực thể "thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát" bởi quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc ngày càng lo lắng về một cuộc khủng hoảng với Mỹ vì họ biết họ yếu hơn.
Học giả Cliff Kupchan (Tổ chức nghiên cứu Eurasia Group, Mỹ)
Nhiều "bài" chưa mở
Nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc SMIC, Công ty TNHH Công nghệ xây dựng Trung Quốc và Công ty Tư vấn kỹ thuật quốc tế Trung Quốc là những cái tên mới bên cạnh CNOOC. Như vậy tính tới thời điểm hiện tại, tổng cộng đã có 35 công ty của Trung Quốc bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" trên, mở đường cho các biện pháp cấm vận tài chính trong thời gian tới.
Hôm 12-11, ông Trump ký một sắc lệnh hành pháp cấm doanh nghiệp và cá nhân Mỹ đầu tư vào các công ty bị Bộ Quốc phòng Mỹ xác định có dính líu quân đội Trung Quốc. Lệnh cấm này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11-1-2021. Hikvision, China Telecom và China Mobile - những tên tuổi lớn khác trong ngành viễn thông và camera của Trung Quốc - đã bị thêm vào danh sách trên hồi đầu năm nay.
Ngày 2-12, chính quyền Trump ban hành quy định mới về thị thực, rút ngắn thị thực nhập cảnh của các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc từ tối đa 10 năm còn 1 tháng. Cũng trong hôm đó, lệnh cấm nhập khẩu bông từ một công ty Trung Quốc cũng được ban ra với lý do doanh nghiệp này dính líu quân đội và sử dụng "lao động nô lệ".
Việc CNOOC xuất hiện trong danh sách của Lầu Năm Góc ngày 3-12 được xem là một sự "vượt kỳ vọng" của giới quan sát. Các quan chức ngoại giao Mỹ đã nhiều lần mô tả những công ty như CNOOC được Bắc Kinh sử dụng làm công cụ "bắt nạt" các nước trong khu vực, cản trở các hoạt động dầu khí đã có từ lâu của những nước này.
Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ John Ratcliffe đã báo hiệu giai đoạn khó khăn cho Trung Quốc bằng bài viết trên nhật báo Wall Street Journal ngày 3-12. Ông không giấu quan điểm cứng rắn với chính quyền Bắc Kinh khi gọi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất với Mỹ và các nền dân chủ, tự do toàn cầu kể từ Thế chiến thứ II.
Giới quan sát cho rằng Tổng thống Trump vẫn còn rất nhiều "bài" chưa mở để tạo thêm sức ép với Trung Quốc trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Một dự luật buộc các tập đoàn Trung Quốc rút khỏi thị trường chứng khoán Mỹ nếu không cho phép kiểm toán đã được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua trong tuần này. Dự luật này hiện đã ở bàn làm việc của ông Trump, chỉ chờ ông ký ban hành thành luật.
Sức ép cho người kế nhiệm
Có vẻ như ông Trump sẽ chơi "tất tay" với Trung Quốc trong những tuần cuối của nhiệm kỳ. Chẳng hạn, đồn đoán về các hạn chế thị thực với đảng viên Trung Quốc đã có từ vài tháng qua nhưng ông Trump đã chọn giai đoạn hậu bầu cử để ra tay.
Tờ Nikkei Asia của Nhật Bản nhận định những động thái cứng rắn của chính quyền Trump vào thời điểm hiện tại sẽ buộc chính quyền Biden sắp tới phải chấp nhận và tiếp tục thực thi. Nếu ông Biden nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp này, chính quyền của ông sẽ bị mang tiếng là yếu đuối trước Trung Quốc như ông Trump và những người ủng hộ ông cáo buộc.
Do đó, nếu không có những nhượng bộ đáng kể của Chính phủ Trung Quốc - điều có vẻ khó xảy ra, những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khó được giải quyết, theo New York Times. Một số học giả Trung Quốc đã kêu gọi các nhà lãnh đạo nước này kiềm chế trong giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Mỹ. Trên thực tế, ngoài các phát ngôn phản đối của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hành động đáng chú ý nhất của Bắc Kinh chỉ là cấm 4 người Mỹ bị cáo buộc can thiệp vào tình hình Hong Kong được nhập cảnh Trung Quốc.
Cũng có ý kiến cho rằng Bắc Kinh và Washington sẽ chọn cách thỏa hiệp là "giữ nguyên hiện trạng". Cliff Kupchan, học giả ở Washington (Mỹ), nhận định Bắc Kinh sẽ rất cảm kích nếu chính quyền Biden không vội tăng sức ép. "Trung Quốc muốn có một khoảng thời gian để thở và hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ. Điều đó cũng giúp họ có thêm thời gian để tái thiết nội lực kinh tế và quân sự", ông Kupchan nêu quan điểm.
46 ngày sắp tới sẽ là một khoảng thời gian nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Trung, với một bên sẽ trở nên quyết liệt công kích, bên còn lại sẽ nhẫn nhịn chờ hoàng hôn của nhiệm kỳ Trump qua đi để đón bình minh của nhiệm kỳ Joe Biden.
Trung Quốc phản ứng
Trong cuộc họp báo chiều qua 4-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã chỉ trích quyết định cấm vận các công ty Trung Quốc của phía Mỹ: "Mỹ nên thôi lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia và sức mạnh quốc gia để đàn áp các công ty nước ngoài".
Còn CNOOC tuyên bố Mỹ đã hành động dựa trên các thông tin sai lệch. Công ty này cũng chia sẻ "cảm thấy bị sốc lẫn lấy làm đáng tiếc" vì động thái của Washington.
TTO - Báo New York Times ngày 3-12 dẫn các nguồn tin cho biết chính quyền Trump vừa ban hành quy định mới nhằm hạn chế việc các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và người thân ruột thịt của họ đến Mỹ, rút ngắn thị thực từ 10 năm xuống còn 1 tháng.