Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương cần cầu thị, xem xét đa chiều
Trước đó, ngày 19-10-2020, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014.
Tuy nhiên, sau khi xem xét nội dung tờ trình cũng như các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội xăng dầu và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tổ chức họp rà soát lại toàn bộ nội dung của dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014.
Vấn đề mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu tại Việt Nam vẫn có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Ảnh minh họa: AH
Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý văn bản góp ý của Bộ Công an (25-9), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).
Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương trên tinh thần cầu thị, xem xét toàn diện các khía cạnh của dự thảo Nghị định, đảm báo tính khả thi; Đồng thời đánh giá tác động đến kinh tế xã hội đầy đủ, đảm bảo lưu thông, không xảy ra xáo trộn và dư luận bất lợi; giải trình cụ thể, tổng hợp báo cáo Thủ tướng trong tháng 12-2020.
Việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014 được triển khai từ lâu nhưng đến nay dự thảo này vẫn chưa được thông qua. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 21-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng yêu cầu Bộ Công Thương rút kinh nghiệm vì chậm trễ trong việc hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung về kinh doanh xăng dầu.
Vấn đề sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu được đặt ra từ lâu nhưng vẫn có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Trong đó đáng chú ý là vấn đề mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu tại Việt Nam.
Nguy cơ “bắt tay” thâu tóm hệ thống xăng dầu?
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thành viên ban soạn thảo Nghị định 83/2014 cho biết, mới đây ông đã có văn bản gửi Thủ tướng góp ý một số vấn đề chưa hợp lý của dự thảo sửa đổi Nghị định 83.
Theo đó, Dự thảo Nghị định bổ sung có nêu, ngoài các đơn vị xăng dầu được Thủ tướng phê duyệt chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, DN xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35% sau khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, ông An cho rằng, theo các cam kết quốc tế, Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường kinh doanh xăng dầu; theo quy định của pháp luật trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài không được quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối xăng dầu nói chung.
Các cam kết và quy định pháp luật này nhằm bảo đảm hệ thống phân phối xăng dầu trong nước không bị chi phối bởi DN nước ngoài. Điều này bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống, bảo đảm cho an ninh năng lượng quốc gia do xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, là huyết mạch của nền kinh tế.
Một số chuyên gia tài chính lo ngại, khi nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu cổ phần của DN xăng dầu trong nước với mức không quá 35%, thì nhà đầu tư nước ngoài đó cũng hoàn toàn có thể liên kết với cổ đông/nhóm cổ đông khác để tạo thành một nhóm cổ đông sở hữu lượng cổ phần lớn hơn 35%.
Như vậy, họ có quyền phủ quyết trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị. Qua đó, họ có khả năng can thiệp sâu vào việc điều hành hoạt động kinh doanh của DN xăng dầu trong nước.
“Các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính hoàn toàn có thể thâu tóm hệ thống phân phối xăng dầu trong nước, có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới an ninh năng lượng quốc gia, an ninh kinh tế của đất nước. Đặc biệt, đối với hệ thống cửa hàng xăng dầu nằm tại khu vực biên giới”- Một vị chuyên gia nêu quan điểm.
Khách hàng đang đổ xăng tại một cửa hàng xăng Saigon Petro. Ảnh: TÚ UYÊN
Trong khi đó, Bộ Công Thương, đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi lại cho rằng, việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của DN xăng dầu trong nước nhưng không quá 35% để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài không được quyền phủ quyết. Điều này theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Thực tế sau quá trình cổ phần hóa, nhiều DN kinh doanh xăng dầu trong nước đã có nhà đầu tư nước ngoài tham gia cổ phần. Đơn cử, Petrolimex có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài với 20%, PVOil cũng duyệt cổ phần hóa cho nhà đầu tư nước ngoài với mức 35%…
Bộ Công Thương cho biết đã tính toán rất kĩ khi đưa ra đề xuất này. Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu để DN trong nước có cơ hội lớn mạnh. Đến nay, DN xăng dầu trong nước đã có hệ thống phân phối rộng khắp và có nhu cầu thêm nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu 35% vốn và họ không được quyền phủ quyết các vấn đề trong điều hành hoạt động xăng dầu.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng nên mở rộng cửa cho nhà đầu tư nước ngoài để tạo ra môi trường cạnh tranh thực sự. Đặc biệt, sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường kinh doanh xăng dầu sẽ giúp người tiêu dùng hưởng lợi về chất lượng phục vụ lẫn giá cả.
Không cần thiết bổ sung loại hình xăng dầu mini Bộ Công an cho rằng, nếu để mô hình này hoạt động sẽ tiềm ẩn yếu tố mất an toàn, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, hệ thống cửa hàng xăng dầu hiện nay khoảng 17.000, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Do đó, Bộ Công an đề nghị công cần bổ sung loại hình này. |