Ban hành Thông tư về định danh điện tử, mở đường cho mở tài khoản từ xa
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) – Việc thử nghiệm cho phép khách hàng mở tài khoản từ xa nay đã có hành lang pháp lý cụ thể hơn về quy định định danh điện tử (eKYC).
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN. Ảnh: SBV |
Theo Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết Thông tư về định danh điện tử (eKYC) vừa được Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh ký vào ngày 4-12, tại Hội thảo “Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số” diễn ra cùng ngày ở Hà Nội.
Cho phép định danh điện tử là một nội dung quan trọng trong Thông tư thay thế Thông tư 23 ban hành từ 2014. Trước đó hồi tháng 5, NHNN đã lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23 về hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Quy định trước đó đòi hỏi ngân hàng phải gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ, nhưng quy định mới thì khách hàng chỉ cần sử dụng ứng dụng là có thể mở được tài khoản ở bất kỳ đâu. Hiện nay có khoảng 10 ngân hàng tham gia thử nghiệm eKYC, đa số đều xác nhận mức tăng trưởng đáng kể về số lượng tài khoản ngân hàng mở được trong thời gian ngắn.
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh năm 2020 là năm có ý nghĩa rất quan trọng. Vì đây là năm cuối của nhiệm kỳ và là thời điểm tổng kết, đánh giá việc triển khai, thực hiện Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020), chuẩn bị cho 5 năm tiếp theo.
Về thúc đẩy thanh toán số phát triển thời gian tới, NHNN cho biết sẽ thúc đẩy nhanh chóng hoàn thiện tốt hơn nữa khung pháp lý. “Chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét có nên đưa ra Luật Thanh toán hay không.Hiện đã có 84 quốc gia có Luật Thanh toán, gần Việt Nam nhất là Lào và Campuchia. Lý do là hiện nay, tham gia lĩnh vực thanh toán có rất nhiều chủ thể (fintech, Big Tech…) chứ không chỉ có tổ chức tín dụng. Ngoài ra, cũng xuất hiện nhiều hình thức thanh toán mới như QR…” ông Dũng cho hay.
Số liệu từ NHNN cho biết thanh toán không tiền mặt vẫn tiếp tục tăng nhanh trong 9 tháng đầu năm nay. Cụ thể, số lượng và giá trị giao dịch tăng trưởng lần lượt 75,2% và 30,4% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh, lần lượt gần 125% và 130%.
Đến nay, toàn thị trường có 77 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Các đơn vị đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS...
Thị trường có khoảng 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code (một hình thức thanh toán mới, hiện đại tại đơn vị chấp nhận thanh toán tương tự như thanh toán qua POS).
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng chỉ ra thị trường còn nhiều điểm khó khăn bênh cạnh hành lang pháp lý. Đó là thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới của người dân. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thanh toán chưa được phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đơn vị chấp nhận thanh toán chưa có đủ kiến thức cũng như lợi ích thiết thực khi chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt so với tiền mặt, do đó chưa tích cực tham gia.
Mặt khác, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, do đó, các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao cần tiếp tục được quan tâm và tăng cường.