Cùng với các diễn biến về việc nhiều nơi, nhiều người khẩn trương ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng, thông tin khởi tố vụ án nói trên thu hút được rất nhiều sự chú ý. Dẫu trước đó dư luận, báo chí đã đặt vấn đề có thể xử lý hình sự nhưng khi có thông tin chính thức thì cũng có không ít sự ngỡ ngàng.
Bởi lẽ sự vi phạm dẫn đến góp phần lây lan dịch bệnh từng xảy ra ở các đợt dịch trước nhưng chưa có ai bị xử hình sự. Ấy thế mà lần này, lần đầu tiên không chỉ ở TP.HCM mà còn trên cả nước, hành vi này bị xem xét xử lý hình sự.
Tinh thần chống dịch COVID-19 thể hiện rõ trên khẩu hiệu treo tại một chung cư ở quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh chụp sáng 7-12. Ảnh: NGÔ BÌNH
Theo Điều 240 BLHS 2015, tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người áp dụng cho các cá nhân thực hiện một trong các hành vi là đưa ra (đưa vào) hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh (đưa vào lãnh thổ Việt Nam) động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật… có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người. Tội này còn áp dụng cho người có hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (điểm c khoản 1). Mức hình phạt là phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm.
Như vậy, nếu kết quả điều tra tới đây xác định đã có sự không tuân thủ quy định về cách ly y tế để căn cứ vào đó mà khởi tố bị can về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm… thì nhiều khả năng các bị can sẽ bị truy tố về việc “có hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”.
Cách thức truy cứu này phù hợp với hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 nêu rõ: Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi được quy định gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Các hành vi đó là: a) Trốn khỏi nơi cách ly; b) Không tuân thủ quy định về cách ly; c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Tuy nhiên, cần lưu ý là vụ việc liên quan đến bệnh nhân 1.342 có sự vi phạm rất nghiêm trọng không chỉ trong việc
cách ly tại nhà (tiếp xúc với nhiều người, tự ra ngoài đi ăn trưa và tới một trường đại học…) mà còn bắt nguồn từ việc quản lý lỏng lẻo tại khu cách ly tập trung. Trong khu cách ly của Vietnam Airlines, bệnh nhân 1.342 có thể đi qua khu khác, tiếp xúc với đồng nghiệp thuộc đội bay khác cũng đang tập trung cách ly.
Đây là lý do mà cơ quan an ninh điều tra (ANĐT) phải đối chiếu thêm Công văn số 45/TANDTC-PC để việc xử lý vụ án được đầy đủ, chính xác. Theo công văn trên, người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 BLHS 2015.
Xem ra, từ chỗ “lần đầu tiên” thì cần phải thấy hướng dẫn trên của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chính là điểm tựa pháp lý vững chắc để Cơ quan ANĐT Công an TP.HCM kịp thời khởi tố. Cùng với đó, các cơ quan tố tụng khác sẽ có cách giải quyết phù hợp (một tội hay hai tội…) dựa vào kết luận điều tra chính thức.
Cũng từ “lần đầu tiên” ấy, mỗi chúng ta cần phải đồng tình, ủng hộ sự cứng rắn cần thiết của Công an TP.HCM và lấy đó để cùng chấp hành nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế trong việc phòng, chống COVID-19 (như làm đúng yêu cầu 5K là Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế…).
Chỉ có vậy, mọi người mới tránh được tình cảnh oan nghiệt khi có thể vừa là nạn nhân (bị lây nhiễm, mang bệnh), vừa là “tội đồ” do đã gây liên lụy, cực nhọc, tốn kém cho nhiều người khác, khiến bản thân có thể bị xử phạt hành chính hoặc đối diện tội, tù.