Thiết bị gia dụng có tính năng sát khuẩn đắt khách trong mùa dịch
Khánh Lan
(TBKTSG Online) – Các nhà sản xuất đồ điện gia dụng trên toàn cầu đang tung ra những sản phẩm mới nhấn mạnh đến tính năng vệ sinh và sát khuẩn bằng nhiệt và tia cực tím khi người tiêu dùng muốn chuyển sang sử dụng những sản phẩm an toàn cho sức khỏe hơn trong thời kỳ dịch bệnh.
Doanh số tủ sấy áo quần bằng hơi nóng của Samsung tăng gấp đôi ở Hàn Quốc nhờ có tính năng khử khuẩn. Ảnh: CNET |
Chạy đua tung ra sản phẩm mới có tính năng sát khuẩn
Ngành công nghiệp hàng gia dụng trị giá gần 500 tỉ đô la mỗi năm trên toàn cầu đang chuyển động theo xu hướng nâng cao tính năng an toàn vệ sinh của sản phẩm khi đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Các dòng tủ lạnh mới của hãng điện tử LG giờ đây được trang bị đèn cực tím sát khuẩn vốn trước đây chỉ được trang bị cho các sản phẩm máy lọc nước của hãng này. Trong khi đó, hãng sản xuất hàng gia dụng Whirlpool (Mỹ) đang quảng bá các loại máy giặt có tích hợp chức năng làm nóng nước để loại bỏ vi khuẩn và chất gây dị ứng từ áo quần.
Hãng điện tử Samsung đang chiêu mộ các nhà khoa học chuyên về chất lượng nước và không khí. Hãng sản xuất hàng điện tử gia dụng Beko Electrical Appliances (Thổ Nhĩ Kỳ) gần đây ra mắt tuyến sản phẩm dưới thương hiệu HygieneShield, bao gồm một loạt hàng gia dụng như tủ lạnh có ngăn khử khuẩn, lò khử khuẩn thực phẩm.
Công ty này cũng đang chào bán tủ khử khuẩn, có thiết kế giống lò vi sóng nhưng chức năng của nó là khử khuẩn các vật dụng hàng ngày như ví và điện thoại di động bằng tia cực tím. Các sản phẩm trên được quảng cáo có khả năng diệt trừ hơn 99% vi khuẩn, virus bao gồm virus SARS-CoV-2.
Mark Choe, Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận kinh doanh hàng gia dụng số hóa của Samsung, cho biết: “ Tất cả sản phẩm của chúng tôi giờ đây đều phát triển trên cơ sở chú trọng đến tính năng vệ sinh”.
Trên thực tế, yếu tố vệ sinh đang thúc đẩy sự chuyển đổi mạnh mẽ của ngành công nghiệp thiết bị gia dụng. Trong nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất hàng gia dụng chứng kiến doanh thu tăng trưởng trì trệ, đặc biệt là ở các thị trường hấp dẫn ở Mỹ và Tây Âu. Giờ đây, họ đang nhìn thấy một chu kỳ nhu cầu dễ đoán về máy sấy, lò nướng, lò vi sóng, máy giặt...
Các nỗ lực chuyển động hướng về nhu cầu ngôi nhà thông minh của họ dường như đã thất bại vì người tiêu dùng ít có lý do để theo dõi lượng sữa còn trong tủ lạnh thông qua thiết bị cảm ứng dựa vào trí tuệ nhận tạo hay nhận tin nhắn khi máy giặt làm xong công việc.
Giờ đây, người tiêu dùng ở mọi nơi trên toàn cầu đều lo ngại virus SARS-CoV-2. Đồ gia dụng xuống cấp và hư hỏng nhanh hơn trước đây vì mọi người dành nhiều thời gian ở nhà hơn. Khi các hạn chế đi lại vẫn còn duy trì vì đại dịch chưa được kiểm soát, những người tiêu dùng giàu quyết định nâng cấp đồ gia dụng hoặc mua thêm sản phẩm mới.
“Mọi người giờ đây nghĩ rằng ngôi nhà của mình là nơi an toàn nhất và họ đang sử dụng đồ gia dụng thường xuyên hơn khi ở nhà nhiều hơn”, Song Dae-hyun, Chủ tịch phụ trách bộ phận hàng gia dụng và các giải pháp không khí của LG, nói.
Dù đã mệt mỏi với các biện pháp giãn cách xã hội, 2/3 người trả lời khảo sát trên toàn cầu trong những tháng gần đây vẫn cho biết họ ưu tiêu ở nhà hơn là trở lại cuộc sống bình thường.
Sau nhiều tháng bị cô lập tại nhà, Jaime Gómez Moreno, một doanh nhân 31 tuổi ở thành phố Cádiz, Tây Ban Nha tìm cách nâng cấp đồ gia dụng để ngôi nhà bốn phòng ngủ của anh trở nên sạch sẽ hơn. Anh đã chi gần 600 đô la để mua robot hút bụi của hãng Xiaomi (Trung Quốc). Anh cho biết robot này không chỉ hút bụi mà còn lau chùi sàn nhà.
Hãng sản xuất hàng điện tử gia dụng Beko Electrical Appliances (Thổ Nhĩ Kỳ) gần đây ra mắt tuyến sản phẩm dưới thương hiệu HygieneShield bao gồm một loạt hàng gia dụng có chức năng khử khuẩn. Ảnh: Beko |
Nhu cầu nâng cấp thiết bị gia dụng ở Mỹ tăng đột biến
Sự quan tâm hơn của các gia đình về công việc nội trợ trong thời kỳ dịch bệnh thổi hơi thở cho các sản phẩm đang chào bán hiện tại. Các sản phẩm tủ lạnh và máy sấy đang cháy hàng ở Mỹ. Doanh số thiết bị nhà bếp trên toàn quốc ở Mỹ bao gồm nồi chiên điện tử không dầu hay các loại nồi nấu chậm (slow cooker) tăng vọt 40% trong giai đoạn từ mùa xuân đến cuối tháng 8, theo hãng nghiên cứu thị trường NPD Group.
Tăng trưởng doanh số cũng đặc biệt mạnh mẽ ở các sản phẩm sử dụng trong nhà bếp và lau chùi. Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 8, doanh số máy hút bụi, máy quạt, máy giữ ẩm và máy lọc nước ở Mỹ tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó nhu cầu máy giặt có tính năng khử khuẩn bằng hơi nóng tăng 46% trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8, theo hãng nghiên cứu thị trường GfK.
Sanam Ijadi và gia đình của cô đang xây căn nhà mới ở Great Neck, New York và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để trang bị giúp cho nó vì cô xem an toàn và sức khỏe của gia đình là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, thời gian giao thiết gia dụng mà cô đã đặt mua bị trì hoãn đến chín tháng vì lượng đơn hàng tồn đọng quá lớn.
Các nhà phân tích dự báo tốc độ tăng trưởng chóng mặt này có thể chậm lại phần nào vào năm sau khi các đột phá về vaccine Covid-19 mở ra triển vọng đại dịch Covid-19 chấm dứt. Dù vậy, GfK dự báo nhu cầu hàng gia dụng thiết yếu toàn cầu vẫn tăng trửng 5% trong nửa đầu năm 2021
“Đại dịch đã thay đổi cách người tiêu dùng suy nghĩ về ngôi nhà của họ”, Norbert Herzog, một chuyên gia về thiết bị gia dụng thiết yếu ở GfK, nói.
Doanh số máy hút bụi của Samsung ở thị trường Mỹ Latin đang tăng hơn gấp ba trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Tại quê nhà Hàn Quốc, Samsung cũng chứng kiến doanh số tủ sấy áo quần bằng hơi nóng, tăng gấp đôi sau khi sản phẩm này được quảng cáo có tính năng khử khuẩn.
Hãng điện gia dụng Haier Smart Home (Trung Quốc) đang sử dụng những người ảnh hưởng (influencer) để chào bán sản phẩm trên các kênh phát sóng trực tiếp (live stream) khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều cửa hàng trực tiếp phải đóng cửa. Trong quí 3, doanh số máy điều hòa tại Trung Quốc của Haier tăng 27%, trong khi đó, doanh số máy rửa chén bát của hãng này ở châu Âu tăng 24%.
Giữ lúc cầu thiết bị vệ sinh đang tăng, LG cam kết rằng các sản phẩm vệ sinh có trang bị chức năng làm sạch bằng hơi nóng của hãng này có khả năng ‘tiêu diệt hơn 99,9% virus” khi dùng để khử khuẩn các vật dụng như khẩu trang. LG cũng bắt đầu bán thiết bị đeo bằng nhựa (đeo giống khẩu trang), có thể lọc không khí nhờ được trang bị các cánh quạt nhỏ hướng không khí vào các bộ lọc HEPA.
Song Dae-hyun, Chủ tịch phụ trách bộ phận hàng gia dụng và các giải pháp không khí của LG, nói: “Đại dịch Covid-19 đã giúp giáo dục người về tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh”.
Theo Wall Street Journal
Xem thêm: lmth.hcid-aum-gnort-hcahk-tad-nauhk-tas-gnan-hnit-oc-gnud-aig-ib-teiht/154113/nv.semitnogiaseht.www