Không phải sinh viên ra trường nào cũng muốn sống cùng bố mẹ và em gái, nhưng Kristina Trương thì lại coi đó là một điều may mắn.
Với gánh nặng 25.000 USD từ khoản nợ sinh viên, cô gái 24 tuổi chuyển về nhà ở Fairfax, Virginia, sau khi tốt nghiệp Đại học James Madison năm 2018 để có thể nhanh chóng trả hết khoản nợ này. Kristina làm ở một công ty tư vấn kỹ thuật số tại Washington D.C với tư cách là quản lý dự án cùng mức thu nhập 100.000 USD/năm. Đến cuối năm 2019, cô đã trả hết khoản nợ, tiết kiệm được 50.000 USD và lên kế hoạch chuyển ra ngoài ở riêng.
Thế nhưng, khi đại dịch Covid-19 ập đến, giống như mọi người, Kristina phải cân nhắc lại kế hoạch của bản thân. Trước đó, cô cho rằng một mức lương ổn định có thể làm cô hài lòng. Thế nhưng, giờ đây quan điểm của Kristina đã thay đổi.
“Tôi từng đặt nặng vấn đề tiền nong bởi tôi lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn”, cô chia sẻ với CNBC Make it. “Hiện tại, mục tiêu của tôi không phải là kiếm nhiều tiền, mà là cảm giác thoải mái, sống không cần nghĩ xem tháng này sẽ phải trả tiền nhà hay các hóa đơn như thế nào".
Đó là một điều rất quan trọng với Kristina. Khi cô 8 tuổi, bố mẹ Kristina rời Virgina đến Phoenix, Arizona, nơi mà bố cô mua một căn nhà và coi đó là một khoản đầu tư tốt. Mẹ cô mở một tiệm làm móng và bố mẹ cô có một khoản thu nhập ổn định trong vài năm.
Sau đó thị trường nhà đất sụp đổ vào năm 2008. Dần dần tiệm làm móng trở nên vắng khách hơn, bố mẹ cô quyết định bán căn nhà với giá lỗ và quay về Virginia sống cùng gia đình. Kristina không thể nào quên những ngày gia đình cô phải sống dưới áp lực của việc thanh toán hóa đơn và vấn đề chỗ ở.
“Tôi cảm thấy rất tội lỗi vì bản thân còn quá nhỏ và không thể làm được gì, trong khi tôi lại rất muốn giúp đỡ bố mẹ,” Kristina nói. “Chứng kiến gia đình như vậy quả thực rất khó khăn và không thể làm được gì".
Mặc dù lúc đó mới học cấp 2, nhưng trải nghiệm đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm của Kristina về tiền bạc.
“Bài học quan trọng nhất mà tôi học được chính là luôn phải có một khoản dự trữ cho trường hợp khẩn cấp", Kristina nói.
Cô làm thêm trong lúc đi học để có thể trả nợ trước khi tốt nghiệp (một người anh họ trả một nửa học phí cho cô) và tham dự càng nhiều sự kiện càng tốt để có thể được ăn miễn phí.
Ngoài việc chi trả cho các nhu cầu cần thiết, Kristina cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt – để cả cô và gia đình mình luôn có một khoản dư giả.
“Khi còn nhỏ và chứng kiến bố mẹ chật vật kiếm tiền làm tôi quyết tâm phải thoát khỏi một cuộc sống như vậy", cô chia sẻ. “Tiết kiệm và cẩn thận trong chi tiêu đã trở thành một thói quen của tôi từ ngày bé.”
Kristina Trương chụp ảnh cùng bố mẹ và em gái. Ảnh: Kristina Trương |
Giúp đỡ gia đình
Trước dịch Covid-19, Kristina đóng 400 USD vào khoản trả góp 2.100 USD mỗi tháng của bố mẹ, cũng như trả tiền điện, nước, điện thoại và dành ra một khoản vài trăm USD để trả tiền học phí cho em gái. Khi mẹ Kristina mất việc vào đợt tháng 3, cô bắt đầu hỗ trợ gia đình bằng cách thanh toán tiền nhu yếu phẩm và các khoản khác.
Kristina cho rằng đó là điều tối thiểu cô có thể làm cho gia đình. Bố mẹ Kristina nhập cư từ Việt Nam và quen nhau trong một lớp tiếng Anh. Cả hai đều sống cùng họ hàng trước khi họ kết hôn, làm việc 12 tiếng một ngày ở các nhà hàng, cửa hàng tiện lợi hoặc tiệm làm móng. Kristina, người đầu tiên trong gia đình đi học đại học, nói rằng tất cả điều này đều nhờ sự hy sinh của bố mẹ cô.
Bố mẹ chính là nguồn cảm hứng giúp Kristina làm việc chăm chỉ và cẩn trọng với chi tiêu của mình. Sự linh hoạt về tài chính này cũng một phần nhờ kiến thức về thuế và đầu tư từ những video YouTube. Cô dùng kiến thức và thu nhập của bản thân để giúp đỡ bố mẹ.
Hãy cùng xem cách chi tiêu của Kristina trong tháng 8/2020
Tiền tiết kiệm: 2.000 USD (tài khoản tiết kiệm lãi suất cao)
Tiền đầu tư: 1.366 USD
Tiền quyên góp: 670 USD
Tiền nhà: 400 USD (góp vào khoản trả góp 2.100 USD)
Thực phẩm: 200 USD (bố mẹ cô cũng góp một khoản)
Kinh doanh: 200 USD (tiền chạy quảng cáo và nguyên vật liệu cho District Cupcakes, cửa hàng bán cupcake của cô, em gái và mẹ).
Tiền điện: 160 USD
Tiền xe: 149 USD (tiền xăng, bảo hiểm xe và phí Uber)
Tiền điện, nước, Internet: 135 USD
Các chi phí khác: 103 USD (giải trí và mua sắm)
Kristina còn điều hành District Cupcakes cùng mẹ và em gái. Cô dành vài trăm USD mỗi tháng cho tiền quảng cáo và nguyên vật liệu.
Đầu năm 2020, cửa hàng nhận 20 đơn lớn cho đám cưới và sự kiện. Thế nhưng, việc kinh doanh chậm lại do đại dịch và hiện tại chỉ nhận các đơn cho tiệc sinh nhật và sự kiện nhỏ. Mẹ và em gái cô đảm nhiệm việc làm bánh còn Kristina phụ trách khâu tìm khách hàng, đóng gói và vận chuyển.
“Tôi luôn muốn giúp, nhưng cả mẹ và em gái luôn bảo tôi tốt nhất là nên tránh xa căn bếp ra", Kristina chia sẻ.
Mặc dù rất thích sống và làm việc cùng gia đình, Kristina vẫn muốn sở hữu căn nhà cho riêng mình một ngày nào đó. Vào tháng 8, cô đã tiết kiệm được 55.000 USD. Phần lớn số tiền ấy đã dành cho khoản học phí của em gái cô là Jessica và phần còn lại dùng vào tiền thuê nhà. Cô vẫn có kế hoạch tiết kiệm trong quá trình Jessica đi học để có thể chi trả bất kỳ khoản tiền nào.
Cho đến lúc chuyển ra ở riêng, cô hy vọng có thể giúp bố mẹ có một khoản kinh tế ổn định hơn.
“Cảm giác để bố mẹ không phải lo nghĩ về việc trả nợ hay lo học phí của em gái, thật sự rất tuyệt", cô ấy nói. “Nó làm tôi cảm thấy mình phấn đấu cho nhiều thứ hơn là chỉ cho bản thân”.
Hương Giang
NDH
Xem thêm: nhc.68601549080210202-ym-iat-neit-ueit-av-meik-iout-42-teiv-cog-iag-oc-tom-hcac/nv.zibefac