Sẽ ủy quyền cao nhất cho chủ tịch UBND TP Thủ Đức
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phongcho biết việc thành lập TP Thủ Đức là mô hình TP trong TP trực thuộc trung ương đầu tiên của cả nước. TP Thủ Đức được kỳ vọng là hạt nhân để dẫn dắt kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH
Dự kiến sau khi thành lập, TP Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của TP.HCM và khoảng 7% GDP cả nước. “Các vấn đề đặt ra đối với việc tổ chức thực hiện đề án đã được TP.HCM chuẩn bị kỹ lưỡng và sẽ được triển khai khi nghị quyết được thông qua” - chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Ông Phong cũng thông tin: “Khi thực hiện đề án, số lượng cán bộ dôi dư là 644 người, trong đó cấp huyện là 399 người và cấp xã là 235 người. TP.HCM đã có phương án sắp xếp cán bộ dôi dư theo lộ trình năm năm. Tuy nhiên, theo cam kết với Bộ Nội vụ, chúng tôi cố gắng sắp xếp đến năm 2022 sẽ xong. TP đã chỉ đạo cho các đơn vị, cơ quan nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức để tạo sự đồng thuận và nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các trường hợp sắp xếp dôi dư”.
Liên quan đến chính sách đối với TP Thủ Đức, TP.HCM sẽ chủ động xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Thủ Đức, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định. Trước mắt, căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, TP sẽ chủ động đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho UBND, chủ tịch UBND TP Thủ Đức để tạo tính đột phá, phát huy cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành…
“Vừa qua chúng tôi đã triển khai đề án ủy quyền 85 đầu việc cho chủ tịch UBND các quận, huyện. Sắp tới, khi TP Thủ Đức được thành lập, trên cơ sở Nghị quyết 54 của Quốc hội, chúng tôi sẽ ủy quyền ở mức cao nhất cho chủ tịch UBND TP Thủ Đức” - ông Phong cho biết thêm.
Đề xuất tăng thẩm quyền cho chủ tịch UBND TP Thủ Đức
Sáng 9-12, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Mô hình chính quyền TP thuộc TP, triển vọng và thách thức đối với TP.HCM”. Tại đây, nhiều đề xuất về tăng thẩm quyền cho TP Thủ Đức được các chuyên gia nêu ra.
Mở rộng thẩm quyền chủ tịch UBND TP Thủ Đức
PGS-TS Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Luật TP.HCM, đặt vấn đề về địa vị pháp lý, thẩm quyền của TP Thủ Đức, nhất là của UBND TP và chủ tịch UBND TP, làm sao đủ sức giải quyết những mục tiêu mà đề án đặt ra.
Ông Nhiêm cũng đề xuất việc TP.HCM phân cấp thẩm quyền cho TP Thủ Đức, phân quyền và ủy quyền cho UBND TP và người đứng đầu, đồng thời làm rõ mối quan hệ của TP này với Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác.
ThS Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng bộ môn phụ trách bộ môn Luật Hành chính, ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA
Còn ThS Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng bộ môn phụ trách bộ môn luật hành chính (Khoa luật hành chính - nhà nước, ĐH Luật TP.HCM), lại nêu ra những yêu cầu đối với cơ quan hành chính nhà nước trong chính quyền TP Thủ Đức.
Theo ThS Hà, UBND TP Thủ Đức cần phải được tổ chức phù hợp với điều kiện đặc thù của chính quyền TP thuộc TP và sự ra đời của UBND TP Thủ Đức không nên là sản phẩm của một phép cộng giản đơn giữa UBND ba quận. Bà Hà cho rằng cần tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Thủ Đức theo hướng tăng cường yếu tố “đa ngành, đa lĩnh vực”.
“Việc này một mặt nhằm giảm số lượng các đầu mối quản lý; mặt khác đảm bảo sự liên thông trong quản lý, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, đồng thời hạn chế những khoảng trống có thể phát sinh từ sự giao thoa giữa một số ngành, lĩnh vực” - ThS Hà nói.
Bà cũng đề nghị nên mạnh dạn tăng cường thẩm quyền cho chủ tịch UBND TP Thủ Đức trong công tác tổ chức bộ máy và nhân sự. Cụ thể, cho phép chủ tịch UBND TP Thủ Đức đề nghị nhân sự để HĐND TP Thủ Đức phê chuẩn các chức danh phó chủ tịch và ủy viên UBND. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng sẽ ra quyết định bổ nhiệm các ủy viên này vào vị trí thủ trưởng các cơ quan chuyên môn cấp huyện…
Thay đổi cơ cấu đại biểu HĐND TP Thủ Đức
ThS Trần Thị Thu Hà nhìn nhận TP Thủ Đức là một đơn vị hành chính đặc thù của đô thị, giữ sứ mệnh quan trọng trong quá trình phát triển của TP.HCM. Vì vậy, ThS Hà đã đặt ra các yêu cầu đối với HĐND TP Thủ Đức, trong đó cần bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn thiên về tính đại diện cho HĐND.
Theo ThS Hà, với siêu đô thị như TP Thủ Đức thì không nên dùng chung một điều kiện, tiêu chuẩn cơ cấu đại biểu HĐND như các địa phương khác. Theo bà, người đại diện của dân phải theo hướng đại diện trí tuệ, theo nghề nghiệp, đại diện theo vị trí việc làm chứ không thuần túy là đại diện theo con người.
ThS Hà cũng đặt ra yêu cầu về việc tăng số lượng đại biểu HĐND và tăng tỉ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Trong đổi mới cơ cấu tổ chức của HĐND TP Thủ Đức, ThS Hà đề nghị bổ sung thêm một phó chủ tịch HĐND TP và hai ủy viên là trưởng ban (đô thị và khoa học, kỹ thuật, công nghệ).
“Bên cạnh những đối tượng giám sát trực tiếp được quy định thì HĐND TP Thủ Đức phải giám sát luôn hoạt động và giám sát quyết định của UBND, chủ tịch UBND phường trực thuộc” - ThS Hà nêu và cho rằng cần phân cấp, phân quyền cụ thể, minh bạch về nhiệm vụ, quyền hạn của các ban HĐND TP Thủ Đức hơn nữa.
Bàn luận về tổ chức thẩm quyền cho TP Thủ Đức, ThS Lưu Đức Quang, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, đề nghị người đứng đầu TP Thủ Đức về mặt Đảng lẫn chính quyền phải là một người đủ tâm, đủ tầm. “Bí thư đồng thời là chủ tịch TP hoặc bí thư Thành ủy Thủ Đức liệu có thể tính tới là một ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng?” - ThS Quang nói. |
Xem thêm: lmth.429459-cud-uht-pt-pal-hnaht-teyuq-ihgn-auq-gnoht-cuht-hnihc/us-ioht/nv.olp