Cơ hội cho doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng tỉ đô
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Với doanh số hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm và tỷ lệ nội địa hóa lên đến 80%, dự án đầu tư của Techtronic Industries Co. (gọi tắt là TTI) tại Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) đang rộng cửa cho các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước. Vấn đề còn lại là nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Đại diện TTI (thứ 2 từ phải sang) xem những sản phẩm linh phụ kiện của doanh nghiệp tại Việt Nam trưng bày trong khuôn khổ diễn đàn. Ảnh: Hùng Lê |
Thông tin này được ghi nhận tại Diễn đàn cơ hội kết nối và đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chiều ngày 9-12. Sự kiện do Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, phối hợp với Sở Công Thương TPHCM, Ban Quản lý các Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp và Khu Công nghệ cao TPHCM tổ chức.
Diễn đàn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trao đổi và kết nối với doanh nghiệp đầu chuỗi cung ứng là Tập đoàn TTI để có thể trở thành nhà cung ứng đạt chuẩn cho TTI. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có cơ hội tìm hiểu về những chương trình hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng từ Ban quản lý các khu công nghiệp, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và ngân hàng.
Ông Jeff Nessom, Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của TTI, cho biết tập đoàn đang có sự chuyển dịch nhà máy từ khu vực Bắc Mỹ sang khu vực châu Á. Tại Việt Nam, hiện TTI đang triển khai việc thực hiện dự án đầu tư mới số vốn lên 650 triệu đô la để xây dựng nhà máy sản xuất và trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) sản phẩm tại khu công nghệ cao TPHCM (SHTP).
Những sản phẩm mà công ty xác định chủ lực sản xuất tại Việt Nam là phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh dùng trong ngành công nghiệp và dân dụng. Nhà đầu tư này cũng sẽ thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong lĩnh vực điện tử.
Hiện doanh số xuất khẩu nhà máy sản xuất tại Việt Nam đã tăng từ 300 triệu đô la Mỹ cuối năm 2019 lên khoảng 1,5 tỉ đô la vào cuối năm 2020 và dự tính sản phẩm của công ty làm ra tại Việt Nam sẽ đạt 6 tỉ đô la vào năm 2025.
Một điểm đáng chú ý, theo ông Jeff Nessom, TTI đã đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam lên 80% trong thời gian tới nên rất cần nhiều nhà cung ứng trong nước tham gia vào dự án nhà máy đặt tại SHTP.
Đây không chỉ đánh dấu sự tham gia đầu tư quy mô lớn của tập đoàn TTI vào thị trường Việt Nam mà còn là cơ hội cho các nhà cung cấp nội địa có thể tham gia chuỗi cung ứng của tập đoàn sản xuất dụng cụ điện, phụ kiện, dụng cụ cầm tay, thiết bị điện dùng ngoài trời,... xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
TTI có nhu cầu xuất khẩu hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm nên công ty rất cần nguồn cung ứng nội địa từ doanh nghiệp Việt Nam.
Trước đó, theo SHTP, với dự án này, nhà đầu tư có kế hoạch sử dụng đến 150 nhà cung ứng nội địa. Nhà đầu tư này sẽ hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp trong nước cải tiến sản xuất và chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của TTI. Ông Jeff Nessom cũng cho biết, TTI đã có một đội ngũ kỹ sư và chuyên gia để tư vấn và hỗ trợ các nhà cung cấp tiềm năng Việt Nam trong việc cải thiện sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Và đây sẽ là cơ hội cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung trong kế hoạch nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của quốc gia, thành phố và doanh nghiệp Việt Nam.
Đại diện nhà đầu tư, các sở ngành, khách mời... trao đổi tại Diễn đàn ngày 9-12. Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo TTI, Việt Nam được xem là một thị trường quan trọng đối với chiến lược mở rộng sản xuất toàn cầu của TTI. Sự hiện diện của các nhà máy sản xuất trên toàn cầu đánh dấu chiến lược đa dạng hóa địa lý của tập đoàn và mang đến chuỗi cung ứng mạnh mẽ để hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh nhanh chóng và các kế hoạch trong tương lai của TTI.
Theo ông Robert Greeman, Phó tổng lãnh sự Mỹ tại TPHCM, dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã và đang thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn toàn cầu. Theo xu hướng hiện nay, các hoạt động đầu tư bao gồm chuỗi cung ứng và doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối đang có sự dịch chuyển sang Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp Việt cần có sự chuyển đổi linh hoạt hơn để chủ động nắm bắt cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về phía USAID thì đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan Việt Nam triển khai dự án nâng “Thúc đẩy nâng cao năng lực kết nối cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ” nhằm tăng khả năng kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Đây là một phần trong nổ lực của Chính phủ Mỹ nhằm tạo cơ hội tiếp cận thị trường, tăng năng lực cạnh tranh và đặc biệt là thúc đẩy kết nối giao lưu hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết trong thời gian qua, TPHCM đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cải thiện năng lực sản xuất. Phải kể đến là chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi; xét duyệt các dự án vay vốn cũng nới rộng hơn, thủ tục hồ sơ tinh giản hơn, giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận được các gói vay kích cầu.
Về hạ tầng đầu tư, thành phố đã dành quỹ đất tại các khu công nghiệp có vị trí giao thông kết nối thuận tiện với khu công nghệ cao để xây dựng nhà xưởng cao tầng kết hợp giảm giá thuê đất, đáp ứng đa dạng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ...
Xem thêm: lmth.-od-it-gnu-gnuc-iouhc-oav-teiv-peihgn-hnaod-ohc-ioh-oc/485113/nv.semitnogiaseht.www