vĐồng tin tức tài chính 365

Đối diện với kinh tế chia sẻ, “công lực” nhà nước phải thâm hậu!

2020-12-10 10:21

Đối diện với kinh tế chia sẻ, “công lực” nhà nước phải thâm hậu!

Trương Trọng Hiểu (*)

(TBKTSG) - Sau hơn năm năm xuất hiện ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ không còn là một khái niệm quá mới. Tuy nhiên, để có thể xây dựng một quy chế pháp lý hoàn chỉnh, việc nhìn nhận và đánh giá mô hình kinh tế này cần phải thật thấu đáo. Rất tiếc, có khá nhiều điểm lưu ý chưa được phản ánh rõ trong dự thảo “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.

“Điểm mờ” của báo cáo

Bản chất của kinh tế chia sẻ là sử dụng tài sản nhàn rỗi. Tuy nhiên, xã hội luôn cần sự an toàn lẫn công bằng. Vì vậy, không vì lý do “chia sẻ” mà các hoạt động kinh doanh được phép vượt khỏi chuẩn mực, điều kiện và các nghĩa vụ chung, như chất lượng dịch vụ, an toàn vận tải và nghĩa vụ thuế... 

Thực tế, sử dụng tài sản nhàn rỗi của kinh tế chia sẻ “đời đầu” có thể thoát được các trói buộc đó, nên giá bán sản phẩm, dịch vụ có thể rẻ. Nhưng sau khi quy chế pháp lý về điều kiện hoạt động của các mô hình này được thông qua trong nay mai, giá cung ứng dịch vụ buộc phải gánh thêm một số khoản chi phí và vì vậy sẽ tăng lên. Lợi thế cạnh tranh ban đầu của kinh tế chia sẻ vì vậy sẽ giảm dần. Giá đặt xe Grab tăng cao, gần với mức cước taxi truyền thống trong mấy ngày qua, do đơn vị này buộc phải thay đổi mức, cách tính và khấu trừ thuế, là một ví dụ điển hình.

Muôn vàn nghĩa vụ được đặt ra mà không có cơ chế kiểm soát, thì với những app phương xa quy định đó cũng như “gió thoảng qua tai” mà thôi.

Vì lẽ đó, đánh giá tác động và đóng góp của kinh tế chia sẻ đối với thị trường và nền kinh tế không thể dừng lại ở “đời đầu”, mà cần phải định lượng cho những biến chuyển thực sự của mô hình này sau khi có các ràng buộc về mặt nghĩa vụ mà bản báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đưa ra khá nhiều.

Đó là chưa nói, một khi Nhà nước tăng cường quản lý, vì nhận diện có khá nhiều rủi ro của mô hình này như an ninh mạng, phân cực và quản trị thị trường lao động... thì sẽ kéo theo nghĩa vụ tuân thủ của doanh nghiệp. Dù ít dù nhiều thì nghĩa vụ tuân thủ này cũng mang đến một khoản chi phí tăng thêm.

Chưa nhìn thấu mô hình

Quá nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong kinh tế chia sẻ cũng là một điểm “mờ”. Thâm dụng công nghệ là đòi hỏi của thời cuộc. Nhưng kinh tế chia sẻ không phải là kinh tế công nghệ. Trên thực tế, không khó để một nhà kinh doanh sở hữu một ứng dụng (app). Không riêng gì Uber, Grab, Bee... mà cả Vinasun, Mai Linh taxi... cũng có app. Các hãng du lịch, thương hiệu lưu trú, dịch vụ đặt phòng, đơn vị bán hàng... cũng có app và cả các ngân hàng cũng dần có ngân hàng số (digital bank). Nhưng không ai xem việc sở hữu một app như vậy là kinh tế chia sẻ. App mới chỉ là công cụ (công nghệ) và vấn đề quan trọng của mô hình kinh tế chia sẻ là ở chính... mô hình kinh doanh của nó.

Doanh nghiệp vì vậy phải hiểu về mô hình để khai thác. Sở hữu công nghệ, nhưng Vinasun, Mai Linh hay các ứng dụng đặt phòng, bán hàng... chẳng thể nghiễm nhiên là kinh tế chia sẻ như Grab hay Airbnb...

Nhà nước cũng phải nhận ra “mô hình” của kinh tế chia sẻ để xác định đúng vấn đề và định hướng quản lý. Kinh tế chia sẻ có thể thúc đẩy startup công nghệ tạo app, tác động chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang khai thác sâu công nghệ... nhưng điều đó không có nghĩa nền kinh tế có công nghệ và có cơ cấu ngành có hàm lượng công nghệ cao thì đồng nghĩa sẽ có kinh tế chia sẻ.

Quy chế pháp lý vì vậy hướng trọng tâm để điều phối mô hình kinh doanh hơn là điều chỉnh hay kiểm soát hoạt động (kinh tế) công nghệ, như các quyền về sở hữu trí tuệ... dù điều đó vẫn rất cần thiết.

Tại nhiều diễn đàn, các cuộc thảo luận cũng chỉ ra bản chất lưỡng diện hay đa diện (two-side hay multi-side) trong mô hình kinh doanh mà kinh tế chia sẻ vận dụng. Tận dụng và khai thác triệt để ngoại tác mạng lưới trong các mối quan hệ giữa các nhóm khách hàng là quyết sách cực kỳ quan trọng mà các app thành công đã lựa chọn. Và cũng vì lẽ đó, tại nhiều quốc gia, các quy chế pháp lý riêng đã được ban hành cho chính mô hình này. Đơn cử, tại Singapore, Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng của nước này vừa công bố bản nghiên cứu và kiến nghị bổ sung cho các hướng dẫn về các nền tảng thương mại điện tử trong tháng 9 vừa rồi.

Đối thủ nội nên ứng xử thế nào?

Quy mô thị trường cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến số lượng khách hàng trong các nhóm (side), mức độ kích hoạt của hiệu ứng mạng lưới và cuối cùng là hiệu quả chung của mô hình.

Nhờ dân số đông và trẻ nên Việt Nam có quy mô thị trường lớn, và điều này trở thành một lực hấp dẫn đủ mạnh đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh các app thành công của những ông chủ nước ngoài, chúng ta hướng đến và kỳ vọng các startup và ứng dụng nội địa. Nhưng sự tỏa sáng của giới “tinh hoa” trong nước cho đến nay vẫn còn rất mịt mờ và thị trường phải tiếp tục chứng kiến các app ngoại làm mưa làm gió.

Rõ ràng, thị trường trong nước không còn lạ với phương thức cung cấp dịch vụ từ bên ngoài, dù rất xa về mặt địa lý, của các app nước ngoài. Và cũng không có gì lạ, vì nếu quan sát thêm chúng ta sẽ nhận thấy rằng Việt Nam không phải là một thị trường duy nhất của các startup này. Khi thị trường được mở rộng thì hiệu ứng càng lớn dù khả năng tích cóp doanh thu, lợi nhuận tại các thị trường riêng lẻ là rất nhỏ.

Ví dụ, tương tự Grab, tân binh Gojek cũng lựa chọn vài quốc gia (dù chỉ giới hạn trong khu vực Đông Nam Á) để khởi nghiệp, chứ không chịu giới hạn ở chính quốc. Để rồi, ở thời điểm hiện tại, Gojek đang nhảy múa và ra giá với Grab trong một thương vụ bán thị trường Việt Nam cho Grab đang được đồn đoán, còn các app nội địa Việt thì không còn cách nào khác im lặng ngồi nhìn Gojek bán thị trường của nhà mình.

Như đã nói, tự chủ công nghệ không phải là câu chuyện cốt lõi của kinh tế chia sẻ. Từ phía doanh nghiệp và kinh doanh, một startup công nghệ không nghiễm nhiên trở thành một startup kinh tế chia sẻ thành công. Bắt đầu với kinh tế chia sẻ, nhà đầu tư và doanh nghiệp cần bắt đầu với công nghệ, nhưng nếu không khai thác lợi thế của mô hình và mở rộng kích cỡ của thị trường thì quyết định bắt đầu khởi nghiệp gói gọn ở thị trường nội địa có thể khiến các doanh nghiệp Việt tiếp tục lép vế và thua cuộc ngay chính trên sân nhà khi các đối thủ của mình có thị phần lớn và liên tục mở rộng.

“Công lực” của nhà nước cần thâm hậu đến mức nào?

Nếu nhìn nhận cung ứng dịch vụ xuyên biên giới chỉ gói gọn ở chiều... thụ động thì quyết sách của Nhà nước cũng có thể bị khiếm khuyết, chẳng hạn như thiếu hụt chính sách khuyến khích startup hướng ra thị trường nước ngoài, và thậm chí là khởi nghiệp tại... nước ngoài.

Đặc biệt hơn, chính cách nhìn nhận như vậy cũng tác động đến việc định hình các chính sách trên các lĩnh vực khác. Quản lý và điều phối thị trường lao động là một điển hình. Hai hướng tiếp cận ở trên rõ ràng sẽ làm phát sinh hai lựa chọn có thể đối nghịch: phát triển lực lượng lao động làm việc cho các app nước ngoài, hay đào tạo giới “tinh hoa” khai thác thị trường quốc gia và đi xâm thực thị trường nơi khác.

Nhưng có lẽ, tiêu chuẩn hóa cho các hoạt động kinh doanh đang thiếu hụt quy chế pháp lý này là nhiệm vụ cấp bách nhất. Không ai cho rằng kinh tế chia sẻ kéo giảm chi phí để cung cấp mức giá rẻ rồi lại vì... giá rẻ để nói rằng họ cạnh tranh không lành mạnh rồi... đánh.

Thực tế, các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục khi các quy định mới buộc các ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản và giao dịch của khách hàng cho các cơ quan thuế. Nếu nói rằng, cơ quan thuế chỉ yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin của cá nhân, đơn vị nợ thuế, thì không cần phải quy định, vì nghĩa vụ này, thậm chí là việc phong tỏa tài khoản của bên vi phạm, đã là định chế lâu đời.

Với những mặt trái của các hoạt động kinh tế thâm dụng công nghệ, yếu tố mang tính quyết định là năng lực công nghệ của cơ quan quản lý. Với “trình” công nghệ tốt, cơ quan quản lý Việt Nam có thể tạo dựng các rào cản vững hơn các tường lửa để vô hiệu hóa các ứng dụng và chặn đứng đường đi xuyên biên giới của các dịch vụ, nếu như bên cung ứng dịch vụ bất tuân các quy định trong nước. Còn ngược lại, muôn vàn nghĩa vụ được đặt ra mà không có cơ chế kiểm soát, thì với những app phương xa quy định đó cũng như “gió thoảng qua tai” mà thôi.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM).

Xem thêm: lmth.uah-maht-iahp-coun-ahn-cul-gnoc-es-aihc-et-hnik-iov-neid-iod/915113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đối diện với kinh tế chia sẻ, “công lực” nhà nước phải thâm hậu!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools