Tờ The Korea Times ngày 8-12 đăng bài phân tích của Tiến sĩ Lee Seong-hyon - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Sejong - nhận định chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (từ ngày 24-11 đến ngày 27-11) đã đạt được "kết quả phong phú".
Theo đó, thành tựu quan trọng nhất của Trung Quốc là “có được cơ hội để thúc đẩy một cơ chế hợp tác khu vực do Trung Quốc lãnh đạo ở Đông Bắc Á mà không có sự tham gia của Mỹ”. Điều này sẽ kích thích hội nhập kinh tế nội khối Đông Á, tập trung vào Trung Quốc.
Bức tranh Đông Bắc Á không có Mỹ
Tại các cuộc hội đàm ở Tokyo và Seoul, các quan chức Nhật và Hàn Quốc đều đã nhất trí cùng Trung Quốc hợp tác trong ứng phó chung với đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Seoul và Tokyo cũng đồng ý với Bắc Kinh tăng cường hợp tác kinh tế giữa ba nước bằng cách thúc đẩy "giai đoạn hai" của Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn Quốc - Trung Quốc và FTA ba bên Hàn-Trung-Nhật.
Các quan chức cũng đồng ý tăng cường hợp tác thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), vốn được cho là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử và hiện không có sự tham gia của Mỹ.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AFP
Tóm lại, Trung Quốc đã khéo léo sử dụng cả nhu cầu hợp tác về COVID-19 và kinh tế của Seoul và Tokyo làm hai “từ khóa để xâm nhập” hai đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á, trong bối cảnh Washington đang giải quyết các vấn đề nội bộ.
Trong chuyến thăm của ông Vương, phía Hàn Quốc hầu như chỉ tập trung vào các vấn đề song phương, bao gồm việc thành lập cái gọi là "Ủy ban phát triển tương lai quan hệ Hàn - Trung".
Theo chuyên gia Lee, Trung Quốc thực tế có một bức tranh lớn hơn trong tâm trí. Ý tưởng của Trung Quốc về quan hệ Trung - Hàn nằm trong khuôn khổ của mối quan hệ ba bên Hàn-Trung-Nhật, một phần quan trọng trong khuôn khổ chiến lược Đông Bắc Á mà Bắc Kinh đang hướng tới. Điều này giải thích tại sao trong chuyến công du của ông Vương, mối quan tâm của chính phủ Hàn Quốc và Trung Quốc lại khác nhau.
Điều thú vị là Hàn Quốc đã không đạt được những mục tiêu đề ra, trong khi Trung Quốc thì lại được.
Nút thắt trong quan hệ Hàn – Mỹ - Trung
Xét về quỹ đạo gần đây trong quan hệ Hàn - Trung kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức năm 2017, có ba vấn đề chính mà Hàn Quốc quan tâm, cụ thể: vấn đề Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD); sự trả đũa kinh tế của Trung Quốc đối với Hàn Quốc liên quan vấn đề THAAD, bao gồm lệnh cấm các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc tại Trung Quốc; chuyến thăm cấp nhà nước được mong đợi nhưng chưa được xác nhận của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hàn Quốc.
Cả ba vấn đề trên đều được kỳ vọng đưa ra trong các cuộc hội đàm giữa ông Vương và người đồng cấp Hàn Quốc, bà Kang Kyung-wha. Tuy nhiên, cho đến nay, dường như không có vấn đề nào trong số ba vấn đề trên được giải quyết.
Quan hệ Hàn - Mỹ - Trung. Ảnh: BUSINESS KOREA
Tổng thống Moon đã gửi lời mời Chủ tịch Tập tới thăm Hàn Quốc từ ba năm trước. Nhiều đặc phái viên Hàn Quốc sau đó cũng đã truyền tải thông điệp của ông Moon nhưng vẫn chưa có một xác nhận nào về thời điểm cụ thể liên quan chuyến thăm từ ông Tập.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố tổng cộng sáu tuyên bố liên quan chuyến thăm Hàn Quốc của ông Vương, song không có tuyên bố nào đề cập chuyến thăm chính thức của ông Tập.
Trên thực tế, toàn bộ hồ sơ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong ba năm qua cho thấy chính phủ nước này chưa bao giờ sử dụng cụm từ “chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Hàn Quốc”. Bản chất của vấn đề có thể là Hàn Quốc không được coi là ưu tiên theo vấn đề ngoại giao chính thức của Trung Quốc. "Đây là vấn đề Seoul cần phải xem xét kỹ lưỡng" - tác giả bài viết nhận định.
Về vấn đề THAAD, trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi tháng 12-2019, ông Vương đã chỉ trích Mỹ, cho rằng "Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc là nhằm vào Trung Quốc". Tuy nhiên, trong chuyến thăm hồi tháng 11, ông Vương đã chuyển hướng, đẩy trách nhiệm sang sự liên đới của Hàn Quốc khi nói rằng "Tôi hy vọng Hàn Quốc sẽ giải quyết vấn đề nhạy cảm này một cách thích hợp".
Một số quan chức Hàn Quốc cho rằng nên giảm thiểu tầm quan trọng của vấn đề THAAD trong chương trình nghị sự lần này vì đây là vấn đề phức tạp và không thể đưa ra hướng giải quyết trong một sớm một chiều được.
Tuy nhiên, chuyên gia Lee nhận định suy nghĩ này cho thấy sự thiếu hiểu biết của số quan chức trên về văn hóa chiến lược của Trung Quốc. Trung Quốc không quên. Trong chuyến thăm vừa qua, ông Vương đã nói rõ rằng việc giải quyết vấn đề THAAD là "cơ sở cho sự hợp tác" giữa Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo ông Lee, các cuộc tranh luận đều đi đến một quan điểm chung rằng Hàn Quốc đang bị “sa vào tiếng gọi tình yêu" từ cả Mỹ và Trung Quốc. Logic của họ cho rằng Washington đang ngày càng coi trọng tầm quan trọng của Hàn Quốc trong bối cảnh chính quyền sắp tới của Mỹ có xu hướng đề cao vai trò của các đồng minh chiến lược, khi ông Joe Biden chính thức làm tổng thống.
Những người có đồng quan điểm cũng cho rằng Trung Quốc coi trọng Hàn Quốc vì họ muốn đẩy nhanh tiến độ đàm phán FTA Hàn - Trung và FTA ba bên Hàn-Trung-Nhật.
Mục tiêu của Trung Quốc là tiếp tục kiểm soát Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - phiên bản đàm phán lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama dẫn đầu. Tuy nhiên, vào cuối năm 2016, sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, Mỹ đã chính thức rút khỏi hiệp định này. Trong thời gian tới, Mỹ có thể sẽ tham gia lại CPTPP nếu ông Biden chính thức nắm quyền tại Nhà Trắng.
“Vấn đề thực sự nằm trong chính sách ngoại giao của Hàn Quốc khi nước này có xu hướng nhìn mọi thứ từ các quan điểm song phương. Hàn Quốc nên khôn ngoan hơn” - Tiến sĩ Lee kết luận.