Tài xế GrabBike tại TP.HCM - Ảnh: C.TRUNG
Tối 11-12, Grab gửi văn bản đến Tổng cục Thuế về việc những ngày qua nhiều tài xế xe hai bánh biểu tình, bức xúc khi điều chỉnh cách tính thuế giá trị gia tăng VAT đối với phần doanh thu của họ.
Grab đã tổ chức đối thoại với tài xế tại TP.HCM và Hà Nội, Đà Nẵng, tuy nhiên để giải quyết triệt để tình hình cần phải có ý kiến hướng dẫn chính thức bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Grab cho biết đã gửi văn bản đề nghị Tổng cục Thuế làm rõ các vấn đề về nghĩa vụ thuế đối với phần doanh thu của tài xế xe hai bánh nhưng đến nay vẫn chưa được nhận ý kiến trả lời.
Trong khi đó, một số diễn đàn cũng như cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế truyền tải quan điểm tài xế sẽ không phải nộp 3% thuế VAT như hiện nay nữa mà trách nhiệm nộp của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vận tải như Grab, Be, Gojek sẽ phải có nghĩa vụ nộp thuế VAT chứ không phải tài xế.
Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ cá nhân tài xế (chỉ chịu 1,5% thuế TNCN nếu tài xế có doanh thu trên 100 triệu/năm), không làm tăng giá cước vận tải do chính sách thuế VAT 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay. Bởi trước ngày 5-12, các hãng taxi truyền thống đã kê khai 10% VAT trên toàn bộ doanh thu từ khách hàng, trong khi đó Grab đẩy trách nhiệm cho tài xế đóng 3% VAT và cá nhân và "né" được rất nhiều thuế.
Về vấn đề này, Grab lập luận rằng việc Tổng cục Thuế áp dụng nghị định 10/2020 ngày 17-1-2020 quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ôtô để tính thuế VAT đối với hình thức xe 2 bánh là không hợp pháp. Hiện chưa có quy định nào về điều kiện kinh doanh và cấp giấy kinh doanh vận chuyển hành khách xe 2 bánh.
Theo Grab, hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh phải dựa vào nguyên tắc của Bộ luật dân sự giữa tài xế và hành khách. Dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh hoàn toàn không có tính chất kinh doanh mà là hoạt động kiếm sống của những người có thu nhập thấp, đa phần dưới 100 triệu đồng/năm.
Sự hợp tác giữa Grab và tài xế 2 bánh dựa trên việc khai thác thế mạnh nguồn lực của các chủ thể độc lập và đảm bảo quyền tự chủ khi tham gia hợp tác của mỗi bên. Grab chỉ là bên cung cấp dịch vụ kết nối cho các tài xế xe 2 bánh theo mô hình kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử. Tài xế xe 2 bánh là người trực tiếp cung cấp dịch vụ vận tải và hưởng phần lớn doanh thu. Grab được hưởng phí dịch vụ kết nối 20% doanh thu cuốc xe.
Sự thực này đã được Tổng cục Thuế công nhận và hướng dẫn cách xác định thuế VAT theo nguyên tắc: phần doanh thu của Grab phải chịu thuế 10%, còn phần doanh thu của tài xế xe 2 bánh phải chịu thuế 3% VAT.
Do vậy, trong văn bản gửi Tổng cục Thuế tối 11-12, Grab yêu cầu việc xác định đối tượng nộp thuế, người nộp thuế - chịu thuế VAT, mức thuế và đặc biệt là việc khấu trừ đầu vào đối với phần doanh thu của tài xế 2 bánh phải được đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định của Luật thuế giá trị gia tăng.
Thực tế nhiều ngày qua, làn sóng phản đối việc tăng thuế VAT trở nên "căng thẳng" bởi hàng trăm tài xế ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM tắt app khi Grab tăng giá cước và tăng tỉ lệ khấu trừ từ ngày 5-12.
Hiện Grab đã tăng giá toàn bộ dịch vụ GrabBike, GrabCar, GrabExpress, GrabFood... khiến giá cuốc xe tăng mạnh so với trước ngày 5-12. Đồng thời, tỉ lệ chiết khấu tài xế GrabCar áp dụng từ 28,375% lên 32,841%, đối với GrabBike từ 23,6% lên 27,273%.
Tại buổi đối thoại với tài xế, lãnh đạo Grab cho rằng xét về lý thuyết việc tăng thuế VAT sẽ tính toán vào khách hàng, nhưng Grab phải cân bằng cán cân lợi ích giữa các bên là đối tác tài xế - khách hàng - công ty thì mới cạnh tranh được.
Do vậy trên thực tế tài xế cũng bị giảm doanh thu từ 1-2% tính trên toàn bộ cuốc xe trong ngày. Về phía công ty cũng tăng các chương trình khuyến mãi để tăng nhu cầu người dùng.
TTO - Đó là ý kiến của bà Tạ Thị Phương Lan - phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân Tổng cục Thuế - với Tuổi Trẻ Online chiều 9-12.
Xem thêm: mth.68981111211210202-hnaod-hnik-tahc-hnit-gnam-gnohk-hnab-2-ex-gnab-hcahk-ohc-ion-barg/nv.ertiout