Naples, thành phố lớn thứ 4 của Ý với 6 triệu cư dân sinh sống, tọa lạc trong vùng Campania phía tây nam quốc gia. Từ thập niên 1980, Naples đã phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến môi trường, đó là hành vi vứt rác bừa bãi cùng việc đốt các loại rác thải độc hại.
Nơi đây thậm chí còn được xem là "mảnh đất rực lửa" do các vụ đốt rác trái phép diễn ra thường xuyên. Chúng khiến môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, gây hại cho sức khỏe của dân chúng xung quanh, tạo ra nhiều căn bệnh bao gồm cả ung thư và ảnh hưởng mạnh đến sản xuất nông nghiệp trong vùng.
Nhưng tại sao sau hàng thập kỷ trôi qua, câu chuyện phạm pháp này vẫn tiếp tục diễn ra? Câu trả lời đến từ một cái tên: Camorra.
Rác thành vàng, và mafia trở thành... đồng nát
Camorra là một tổ chức tội phạm mafia tại Naples. Cùng với các tổ chức lớn mạnh khác như Ndrangheta và Sicilian, Camorra kiểm soát rất nhiều hoạt động bất hợp pháp tại Ý và cả nước ngoài nữa. Tổ chức này hoạt động tại cả chục quốc gia, đầu tư xuyên châu Âu và hiện diện ở cả Bắc Mỹ.
Giữa thập niên 1980 - sau thời điểm trận động đất tại Naples vào ngày 23/11/1980 xảy ra, Camorra quyết định dồn lực vào một lĩnh vực mới: rác thải.
Nghe rất "đồng nát" đúng không? Nhưng thực ra, "rác" ở đây là rác thải độc hại. Trong đó, thứ được ưu tiên là việc đổ chúng xuống các khu vực "dễ" như mỏ đá. Công việc này mang lại nguồn thu mới cho tổ chức, thậm chí có thể sánh ngang với buôn ma túy. Đến mức năm 1992, cựu ông trùm của Camorra còn trả lời điều tra viên: "Chúng tôi không bán ma túy nữa. Giờ có việc khác rồi, mang lại nhiều tiền hơn mà rủi ro thì thấp. Đó là rác!"
"Với chúng tôi, rác chính là vàng."
Ước tính riêng trong năm 2013, rác đã mang về cho các tổ chức tội phạm Ý - bao gồm cả Camorra - khoảng 16,3 tỉ euro.
Trên thực tế, sự thành công từ bãi rác đã được dự đoán từ trước, do nguồn cung khách hàng của Camorra chỉ từ ổn định đến nhiều hơn. Bằng việc bỏ qua các quy định về môi trường và thuế thông qua các hành động phi pháp, Camorra có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng với mức giá rẻ hơn rất nhiều. Chẳng hạn, chi phí xử lý rác thải độc hại tại Ý (hợp pháp) sẽ rơi vào khoảng 21 - 62 cent/kg, thì Camorra có thể làm ở mức 9 - 10 cent thôi. Siêu lợi nhuận!
Dĩ nhiên để vận hành trơn tru, tổ chức này cũng chi trả một khoản tiền kha khá để hối lộ các quan chức địa phương, gây áp lực để đóng cửa các lò đốt rác, dồn gánh nặng lên các công ty vận tải đường bộ nhằm kiểm soát toàn bộ bãi rác trong khu vực. Nó cũng tương tự như cách mà tổ chức American Mafia từng làm để kiểm soát việc đổ rác tại New York trong hàng thập kỷ trước kia.
Mảnh đất rực lửa
Sự lộng hành của Camorra đã khiến toàn vùng Campania trở thành trung tâm khủng hoảng rác thải, được biết đến với cái tên "Mảnh đất rực lửa" do các bãi rác luôn trong tình trạng rực cháy. Campania là nơi đông dân cư nhất, nhưng cũng là nơi nghèo nhất nước Ý cũng bởi cơn khủng hoảng này. Chính phủ Ý ước tính có khoảng 5000 bãi rác lớn nhỏ trong số 55 cộng đồng sinh sống tại khu vực.
Việc đốt và xử lý rác thải độc hại trái phép đã gây ảnh hưởng mạnh cho môi trường, cũng như gây ra cơn khủng hoảng đến sức khỏe của cư dân. Từ những năm 2000, các bác sĩ tại Maddaloni (cách Naples khoảng 25km) đã bắt đầu ghi nhận sự gia tăng của những bệnh nhân ung thư. Chủng loại ung thư cũng đa dạng, từ dạng hiếm như ung thư tủy xương hoặc bệnh bạch cầu ở trẻ em, cho đến ung thư bàng quang và ung thư vú. Đáng ngại hơn cả là độ tuổi của bệnh nhân cũng giảm dần qua từng năm.
Như thị trấn Acerra nằm giữa Naples và Maddaloni chẳng hạn, số bệnh nhân ung thư với nồng độ dioxin rất cao trong máu đã tăng lên chóng mặt (theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO). Tỉ lệ ung thư tại đây tăng 30%, trong khi các thị trấn nhỏ hơn thậm chí tăng tới 47%.
Kinh tế trên toàn khu vực cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Năm 2014, bộ Nông nghiệp Ý đã phải cấm bán pho-mai sữa trâu mozzarella - một trong những đặc sản tại khu vực, sau khi phát hiện sữa trâu có chứa dioxin nồng độ cao. Rượu và dầu olive cũng bị cấm ngay trong năm 2014.
Không ai làm gì được?
Trên thực tế, chính phủ Ý đã tìm cách giải quyết câu chuyện này từ năm 1994, thậm chí ban bố tình trạng khẩn cấp khi đó. Họ chỉ định một uỷ viên đặc biệt đứng ra lo liệu, nhưng người này lại tập trung vào vấn đề rác thải đô thị chứ không phải tình trạng thải rác độc hại bất hợp pháp. Và điều này chỉ khiến tầm ảnh hưởng của Camorra gia tăng thêm.
Các chuyên gia cho rằng, cách nước Ý xử lý vấn đề tại Campania là khá chậm. Phải đến năm 2014, chính phủ Ý mới quyết định tuyên bố về một thảm họa môi trường trong khu vực. Dẫu vậy, áp lực từ các tổ chức môi trường và truyền thông đang khiến họ buộc phải siết chặt quy định liên quan đến vấn đề này. Campania hiện đang là khu vực bị điều tra nhiều nhất về các vấn đề liên quan đến môi trường.
Việc thực thi pháp luật đối với tổ chức Camorra cũng dần tăng lên. Nhiều thành viên Camorra phải đối mặt với án tù nhiều năm bắt đầu bán đứng tổ chức, và rồi một đạo luật được sửa đổi cho phép giới điều tra tiến hành theo đuổi nguồn gốc các khoản tiền Camorra đang nắm giữ. Tháng 3/2019, Marco Dilauro - con trai cựu ông trùm tổ chức Paolo Di Lauro - đã bị bắt giữ, kết án 14 năm tù giam.
Vấn đề đốt rác trong khu vực vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn. Theo báo cáo điều tra, trong 3 ngày 23 - 25/8/2019 đã có 70 vụ đốt rác trái phép xảy ra tại 2 thành phố Naples và Agro Aversano. Các vụ cháy vẫn còn ghi nhận ít nhất là tới tháng 2/2020.
Nguồn: The Mob Museum
JD
Tri thức trẻ