Hãng tin Reuters ngày 11-12 cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự kiến trong những tuần tới sẽ đưa ra quyết định về việc có chấp thuận đưa vào sử dụng khẩn cấp các loại vaccine ngừa COVID-19 do các công ty dược phẩm Mỹ và Anh điều chế hay không.
Bác sĩ Soumya Swaminathan - trưởng nhóm khoa học WHO tiết lộ tổ chức này có thể đưa ra quyết định cuối cùng về ứng cử viên vaccine của tập đoàn dược phẩm Pfizer trong "vài tuần tới". Bà nói thêm rằng WHO cũng có thể xem xét các ứng cử viên khác của hai công ty Moderna và AstraZeneca trong vài tuần.
Theo đó, việc được WHO chấp thuận đưa vào sử dụng khẩn cấp có thể cho phép triển khai loại vaccine ấy ở một số quốc gia nơi các cơ sở y tế không có đủ khả năng để tự đánh giá.
Bà Swaminathan nói ít nhất 10 công ty dược phẩm đã bày tỏ sự quan tâm hoặc gửi yêu cầu phê duyệt khẩn cấp cho các ứng viên vaccine của mình, thêm rằng nguồn cung vaccine có thể sẽ bị hạn chế trong nửa đầu năm 2021.
Bác sĩ Soumya Swaminathan - Trưởng nhóm khoa học WHO. Ảnh: REUTERS
Vaccine Pfizer đã nhận được sự chấp thuận ở Anh và Canada, và có thể sớm được đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Mỹ trong vài ngày tới. Hiện những người dân Anh đầu tiên đã bắt đầu được tiêm ngừa trong tuần này, theo Reuters.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay đã đảm bảo được gần một tỉ liều vaccine cho Cơ chế COVAX toàn cầu để cung cấp vaccine cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Các quan chức của WHO mô tả thành công trong việc tìm ra vaccine là một bước phát triển lớn, song vẫn nhấn mạnh rằng sẽ mất một thời gian dài trước khi vaccine có thể được phân phối toàn cầu.
"Vaccine đại diện cho một tia sáng lớn ở cuối đường hầm, nhưng chúng tôi còn nhiều việc phải làm để biến điều đó thành hiện thực" - Người đứng đầu Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO Mike Ryan tuyên bố.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh vẫn đang trở nên tồi tệ hơn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, và các nước phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để hạn chế lây nhiễm, cũng như những bước phòng ngừa khác như xét nghiệm, truy tìm, cách ly người nhiễm.
Ông Tedros cũng lưu ý rằng số ca tử vong do COVID-19 đã tăng 60% trong sáu tuần qua, Reuters đưa tin.
Theo số liệu thống kê từ trang Worldometers, số bệnh nhân nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới hiện đã đạt đến 71.432.996 ca, trong đó có 1.601.088 bệnh nhân tử vong.