Giá quặng sắt lên mức kỷ lục vì các lo ngại nguồn cung
Khánh Lan
(TBKTSG Online) –Trong phiên giao dịch cuối tuần hôm 11-12, giá quặng sắt tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) tăng vọt gần 10% lên mức kỷ lục, vượt mức 1.000 nhân dân tệ (152,95 đô la Mỹ)/tấn lần đầu tiên trong lịch sử.
Trước đó một ngày, chỉ số quặng sắt Platts hàm lượng 62%, thường được các nhà xuất khẩu ở Úc sử dụng, cũng tăng gần 5%, lên mức kỷ lục 158 đô la/tấn, cao hơn gấp đôi so với hồi đầu năm. Giá quặng sắt bốc đầu do nhu cầu thép của Trung Quốc tăng mạnh giữa lúc nguồn cung trên thế giới suy giảm. Tình trạng đầu cơ trên các sàn giao dịch hàng hóa tương lai càng khiến thị trường quặng sắt nóng hơn.
Quặng sắt được bốc dỡ từ tàu hàng ở cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Mining |
Các lo ngại nguồn cung đốt nóng thị trường quặng sắt
Giá quặng sắt lên mức kỷ lục vì sự kết hợp một loạt yếu tố bao gồm nguồn cung đang suy giảm, nhu cầu cầu thép tăng vọt và nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong ngắn hạn vì các cơn bão ập vào miền tây nước Úc.
Các dự báo nguồn cung suy giảm từ Tập đoàn khai khoáng Vale (Brazil), nhà sản xuất quặng sắt lớn thứ hai thế giới, càng làm gia tăng lo ngại về nguồn cung. Gần đây, Vale hạ dự báo sản lượng trong năm 2020 và năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu quặng sắt của Brazil trong tháng 11 giảm về mức thấp nhất trong 6 tháng.
Theo Hiệp hội Thép thế giới (WSA), Úc chiếm 58% nguồn cung quặng sắt vận chuyển bằng biển toàn cầu trong năm 2019. Con số này của Brazil là 23%. Phần lớn quặng sắt của Úc được xuất khẩu sang Trung Quốc. |
Trao đổi với CNBC, Erik Hedborg, nhà phân tích cấp cao ở Công ty tư vấn thông tin thị trường hàng hóa CRU Group (Anh), nói rằng đà phục hồi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và gói kích thích phát triển hạ tầng của Trung Quốc khiến nhu cầu quặng sắt tăng vọt, làm suy giảm thêm các kho dự trữ quặng sắt vốn đã ở mức thấp. Cùng lúc đó, nguồn cung quặng sắt bằng đường biển từ Úc và Brazil cũng giảm mạnh.
Hedborg cho rằng nhu cầu quặng sắt mạnh mẽ của Trung Quốc có thể duy trì khi lượng quặng sắt tồn kho thấp đang gây lo ngại cho các công ty sản xuất thép của Trung Quốc, trong khi đó, nguồn cung suy giảm từ bên ngoài có thể kéo dài thêm một thời gian nữa, chẳng hạn như sản lượng quặng sắt của Brazil giảm xuống thấp hơn mức dự báo.
Trong khi các biến động thời tiết ở Úc có thể chỉ gây tác động động ngắn hạn cho thị trường quặng sắt, Hedborg lưu ý rằng quí 1 hàng năm thường là thời điểm dễ xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Úc vì các biến cố thời tiết chẳng hạn các cơn bão nhiệt đới.
Zhuo Guiqiu, nhà phân tích ở Công ty Jinrui Capital, dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường quặng sắt sẽ còn kéo dài do nhu cầu ở Trung Quốc lẫn ở các thị trường nước ngoài được dự báo tăng cao hơn vào năm sau khi đà phục hồi kinh tế toàn cầu tăng tốc.
Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc đòi điều tra
Quặng sắt là vật liệu thô được sử dụng để sản xuất thép phục vụ xây dựng các tòa nhà cao tầng và các hệ thống giao thông công cộng. Nhu cầu quặng sắt ở Trung Quốc đang rất lớn vì nước này cần sản xuất lượng thép khổng lồ, phục vụ cho các dự án hạ tầng, thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc được dự báo đạt mức kỷ lục 1,05 tỉ tấn trong năm nay. Trong 11 tháng đầu năm năm, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc tăng 11% so với với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1,07 tỉ tấn, trong đó, Úc cung cấp hơn 60%.
Cho rằng cơ chế định giá quặng sắt theo thị trường đã thất bại, hôm 11-12, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) ra tuyên bố kêu gọi Cục Quản lý thị trường nhà nước và Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc điều tra đợt tăng giá mạnh gần đây của quặng sắt và xử phạt bất cứ hành vi vi phạm pháp luật. CISA cho rằng có những dấu hiệu cho thấy các nhà đầu cơ đang thao túng thị trường quặng sắt, khiến giá tăng mạnh. |
Giá quặng sắt nhập khẩu tăng mạnh, đe dọa triển vọng lợi nhuận của các nhà máy thép ở Trung Quốc, vốn phải nhập khẩu 90% nguồn cung quặng sắt từ nước ngoài.
Tuyên bố nhấn mạnh: “Giá quặng sắt tăng vọt hiện nay không xuất phát từ các yếu tố cung cầu cơ bản, vượt dự báo của các nhà sản xuất thép và có những dấu hiệu rõ ràng về tình trạng đầu cơ”
CISA cảnh báo: “Mức thua lỗ của ngành thép sẽ càng lớn hơn. Điều này không tốt cho sự ổn định của chuỗi cung ứng thép và sẽ làm suy yếu nghiêm trọng sức cạnh tranh quốc tế của ngành sản xuất Trung Quốc”. CISA cũng yêu cầu Tập đoàn khai khoáng BHP (Úc-Anh) giải thích về tình trạng tăng giá quá nóng của quặng sắt
Trong cuộc trao đổi trực tuyến qua video với các lãnh đạo của BHP hôm 10-12, Phó Chủ tịch CISA, Luo Tiejun đã chất vất về việc BHP tăng giá quặng sắt hàm lượng 62% thêm 7,5 đô la Mỹ vào ngày 4-12.
Li Xinchuang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu và quy hoạch luyện kim Trung Quốc, một phó chủ tịch khác của CISA, nói: “Gần đây, diễn biến giá quặng sắt quá bất thường. Làm sao giá có thể tăngg nhanh trong một thời gian ngắn như vậy? Điều này tạo ra một bong bóng lớn và đe dọa nghiêm trọng đến an ninh sản xuất của chúng tôi”.
Atilla Widnell, Giám đốc Công ty phân tích thi trường hàng hóa Navigate Commodities, nhận định tình trạng đầu cơ khiến giá quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng sốc.
Ông dự báo giới chức trách Trung Quốc có thể tăng tỷ lệ ký quỹ (margin) tối thiểu để ngăn chặn tình trạng đầu cơ của các nhà đầu tư lẻ và tổ chức ‘đang chơi casino’ trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên và Sàn giao dịch hàng hóa Singapore, nơi các hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất.
Hôm 10-12, Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên cho biết bắt đầu từ tuần sau sẽ tăng tỷ lệ ký quỹ đối với các hợp đồng quặng sắt giao tháng 5-2021 và khống chế số lượng hợp đồng đặt mua đối với mỗi nhà đầu tư.
Lượng quặng sắt tồn kho ở các cảng của Trung Quốc đang ở mức 128,7 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo mức tồn quặng sắt ở các cảng Trung Quốc có thể làm về dưới mức 100 triệu tấn vào giữa năm 2021, lần đầu tiên dưới ngưỡng này kể từ năm 2016. Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo thị trường quặng sắt tiếp tục duy trì sức nóng đến năm sau khi nhu cầu thép ở các nước phương Tây tăng mạnh, trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu thép Trung Quốc chỉ giảm từ từ. |
Theo CNBC, Reuters
Xem thêm: lmth.gnuc-nougn-iagn-ol-cac-iv-cul-yk-cum-nel-tas-gnauq-aig/386113/nv.semitnogiaseht.www