Gaëlle Simon - nhân viên làm quầy mặt đất tại sân bay Brussels (Bỉ) - đã từng cảm thấy thực sự may mắn vì được làm trong ngành hàng không.
"Đây thực sự là một gia đình," - Simon chia sẻ. "Mọi người đều cảm thấy gắn kết, kể cả với hành khách. Mỗi ngày bạn được gặp những câu chuyện mới ở sân bay. Cảm giác mỗi lần về nhà, tôi chẳng bao giờ hết chuyện để kể."
Nhưng 9 tháng qua, mọi thứ với Simon đã đảo lộn hoàn toàn. Công việc tại sân bay trong đại dịch Covid-19 đã đẩy gia đình cô tới cực hạn.
Giống như nhiều nơi khác trên thế giới, ngành hàng không tại châu Âu đã lao dốc rất mạnh vì virus corona. Do thiếu nhu cầu di chuyển, Simon phải dành phần lớn thời gian trong ngày để ngồi ở nhà và lo lắng. Mỗi tháng, cô chỉ phải đến sân bay đúng 5 ngày.
"Mọi thứ không còn vui vẻ như trước nữa," - Simon chia sẻ.
Sân bay trở nên tĩnh lặng
Simon cũng cho biết, công việc thường nhật của cô bị chi phối bởi các quy định nhập cảnh phức tạp giữa các quốc gia. Cô và các đồng nghiệp phải thường xuyên kiểm tra xem đâu là nơi bắt buộc yêu cầu kết quả xét nghiệm Covid-19, nơi nào đóng cửa biên giới, nơi nào cần visa, và có ngoại lệ nào không... Mọi thứ khiến Simon bị căng thẳng nặng nề, trong khi hành khách cũng cảm thấy rối loạn.
"Các quy định có thể thay đổi theo ngày," - cô cho biết. "Quản lý của chúng tôi cũng cố gắng cập nhật mỗi khi có thể, nhưng mọi thứ vẫn rất khó khăn."
Đó là chưa kể đến nỗi lo nhiễm virus thường trực. Theo Simon, mỗi ngày họ phải gặp 1000 người khác nhau từ mọi quốc gia trên thế giới. Họ sợ rằng bản thân sẽ nhiễm bệnh và mang virus về với gia đình.
Và đó là trải nghiệm chung của các nhân viên sân bay ở nhiều nơi trên thế giới, bất chấp việc mỗi quốc gia có cách phản ứng với dịch bệnh khác nhau.
Tại sao họ lại du lịch giờ này?
Trong khi các sân bay châu Âu vắng lặng, tình hình tại Mỹ hồi cuối tháng 11 lại hơi khác. Nhân dịp lễ Tạ ơn, một số sân bay ghi nhận lượt di chuyển cao nhất kể từ đầu đại dịch.
Teresa McClatchie làm việc cho sân bay George Bush tại Houston, Texas. Cô đã làm công việc này trong 4 năm. Trước đại dịch, cô là người phụ trách soát vé, chào hành khách rồi cân hành lý. Nhưng trong đại dịch, cô phải chuyển sang làm nhân viên chào khách tại thang cuốn.
Giai đoạn tháng 4 - 8, có rất ít hành khác. Tuy nhiên McClatchie cho biết, mùa du lịch vừa qua đã cho thấy số lượng khách di chuyển tăng lên rất nhiều.
"Hành khách nhiều như thể chẳng có đại dịch vậy. Quản lý của chúng tôi vui mừng, vì mọi chuyện đang giống như trước. Nhưng tôi thì kiểu: 'Ừ như trước thật, nhưng thế quái nào họ lại du lịch vào lúc này? Chúng ta đang ở trong đại dịch cơ mà?' Ý tôi là lượng khách rất nhiều, và Giáng sinh tới cũng sẽ thế."
Nhiều sân bay chứng kiến lượng khách tăng đột biến vào dịp lễ Tạ ơn
Cũng theo McClatchie, hành khách tại sân bay không phải lúc nào cũng đeo khẩu trang. Thậm chí nhân viên sân bay còn được dặn đừng nói khách hàng đeo vào. Tại khu cô làm việc, McClatchie có để một chiếc ghế trước mặt để thúc đẩy giãn cách, nhưng chẳng ai quan tâm. Thái độ của hành khách cũng dần trở nên tệ hơn. Họ dễ dàng nổi cáu nếu các tiện nghi tại sân bay không hoạt động.
McClatchie chia sẻ, có một lầm tưởng lớn về công việc tại sân bay, rằng nó rất hào nhoáng. Nhưng cô cho biết mình chỉ được trả khoảng 9 đô mỗi giờ, trong khi một số đồng nghiệp khác tại Houston còn kiếm được ít hơn. Điểm sáng duy nhất trong giai đoạn này là cô được gặp lại khách quen - những người đã từng di chuyển rất nhiều trong nhiều năm qua. Họ phải ở nhà hàng tháng trời, và cô chỉ mới gặp họ thời gian gần đây thôi.
Chưa bao giờ tĩnh lặng như vậy
Joshua Wu làm việc cho một trong những hãng bay lớn nhất tại sân bay quốc tế Taoyuan ở Đài Bắc Trung Hoa. Wu có vai trò hỗ trợ du khách hàng tại cổng lên máy bay, kiểm tra hành lý, check-in cho khách.
Trong đại dịch, Wu vẫn tiếp tục làm những công việc như vậy. Nhưng anh cho biết, một số đồng nghiệp đã phải chuyển sang công việc hành chính.
"Khi lượng hành khách giảm đi, chúng tôi không cần quá nhiều nhân lực nữa," - anh chia sẻ. Tuy nhiên, thứ khác biệt nhất là bầu không khí. "Nó thay đổi quá nhiều. Tôi làm việc ở đây trong 6 năm, chưa từng thấy sự tĩnh lặng như thế bao giờ. Sân bay đã luôn ồn ào và đông đúc trước đại dịch."
Tuy nhiên, Wu nhận định các hành khách anh gặp đều tỏ ra rất thận trọng trước đại dịch. Khẩu trang là thứ đã quá phổ biến ở châu Á từ trước đó, nhưng các hành khách cũng áp dụng các biện pháp khác nữa, như giữ khoảng cách và đeo cả kính phòng hộ. Một số thậm chí còn mặc cả trang phục bảo hộ, rồi từ chối dùng bữa trên máy bay để hạn chế rủi ro.
Cũng chính bởi lý do này, Wu cho rằng du lịch trong đại dịch là điều hoàn toàn ổn. "Dù sao thì mọi người cũng không thể ở nhà mãi được."
Nhưng dù yêu thích công việc của mình, Wu vẫn không tránh khỏi lo lắng vì anh đang nằm trong số các nhân viên tuyến đầu, phải tiếp xúc với nhiều người. "Rủi ro lây nhiễm là rất cao từ hành khách ở các quốc gia khác."
Theo Wu, cách duy nhất để các nhân viên hàng không cảm thấy an toàn là sự thành công của vaccine. Hiện tại, vaccine đang ở rất gần, và Wu đang cố gắng lạc quan chờ đợi.
JD
Pháp luật & bạn đọc