Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết hơn một tháng qua, chất lượng không khí tại Hà Nội có chiều hướng xấu. Đặc biệt có tới 11/41 ngày chỉ số bụi mịn PM 2.5 trong không khí vượt mức tiêu chuẩn…
Chỉ số chất lượng không khí tại các điểm quan trắc ở Hà Nội đồng loạt
cảnh báo ngưỡng có hại và rất có hại vào sáng 12-12. Ảnh: TUYẾN PHAN
11/41 ngày chất lượng không khí ở mức xấu
Theo kết quả quan trắc chất lượng không khí của Tổng cục Môi trường, từ đầu tháng 11 và đầu tháng 12 đã xuất hiện một số đợt ô nhiễm tại Hà Nội và một số đô thị phía Bắc. Riêng thủ đô Hà Nội đã có 11/41 ngày giá trị thông số bụi mịn PM 2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn so với QCVN 05:2013/BTNMT.
Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP Hà Nội) cũng cho biết chất lượng không khí tại TP từ ngày 6 đến 12-12 đều ở mức trung bình và kém. Có những thời điểm 30/35 trạm quan trắc có chỉ số AQI ở mức cảnh báo kém. Đặc biệt, từ đêm đến sáng các ngày 6, 7 và 11-12, ở các trạm đo khu vực Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng, Minh Khai, Chi cục Bảo vệ môi trường và Thành Công, chỉ số AQI tăng lên mức báo động đỏ (cảnh báo xấu có chỉ số AQI từ 151 đến 200).
Ô nhiễm không khí ở mức đỏ bắt đầu có tác động ảnh hưởng sức khỏe đối với với những người bình thường. Nhóm người nhạy cảm gồm trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, đến ngày 14-12, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, chất lượng không khí tại khu vực nội thành Hà Nội đã được cải thiện. Số liệu quan trắc không khí tại khu vực nội thành Hà Nội đến chiều 14-12 đa phần ở mức tốt và trung bình (báo động xanh và báo động vàng), chỉ còn ba điểm có mức kém (báo động da cam).
Vì sao không khí ô nhiễm?
Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP Hà Nội), cho biết một số yếu tố chính gây ra hiện tượng ô nhiễm không khí tại khu vực nội thành Hà Nội. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn do hoạt động của con người gây ra từ phương tiện khí thải giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp trong nội đô tích tụ không khuếch tán được và yếu tố thời tiết.
Theo ông Thái, thời tiết ở Hà Nội đang trong giai đoạn khô hanh, tốc độ gió thấp, ban ngày có nắng là điều kiện dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Vào buổi tối, nhiệt độ của lớp không khí sát mặt đất giảm nhanh hơn các lớp không khí phía trên do quá trình bức xạ hồng ngoại khiến bụi mịn PM 2.5 không thể phát tán lên cao và đi xa. Chỉ đến khi có ánh nắng mặt trời đốt nóng lớp không khí sát mặt đất, các chất ô nhiễm và bụi mịn mới được phát tán.
“Lớp nghịch nhiệt này giống như một cái mũ, ngăn cản chất ô nhiễm phát tán lên cao khiến nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí sát mặt đất đậm đặc hơn” - ông Thái nói.
Theo đó, ông Thái cho biết Sở TN&MT TP Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo người dân theo dõi tình trạng ô nhiễm không khí cập nhật theo thời gian thực tại các trang thông tin moitruongthudo.vn, hanoi.gov.vn. Vào các ngày ô nhiễm, người dân (đặc biệt là người có bệnh hô hấp, người già) nên hạn chế các hoạt động ngoài trời, không mở cửa sổ vào sáng sớm, đeo khẩu trang khi ra ngoài…
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hà Nội, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, thời gian qua TP đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Về quan trắc, Hà Nội đã đầu tư lắp đặt và tiếp nhận 35 trạm quan trắc chất lượng không khí, cung cấp thông tin kịp thời chỉ số môi trường không khí để người dân dự phòng và có biện pháp bảo vệ sức khỏe.
Bên cạnh đó, TP cũng đang triển khai nhiều đề án như giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân, loại bỏ phương tiện giao thông cũ; ngăn ngừa kiểm soát bụi xây dựng tại các công trường, xe vận chuyển vật liệu xây dựng; phun nước rửa đường vào ngày khô hanh; không sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ; không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch…
Nguyên nhân bầu trời TP.HCM mù mịt Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết gần đây vào buổi sáng, nhất là thời điểm sáng sớm, trên bầu trời tại TP.HCM xuất hiện lớp sương mù làm giảm tầm nhìn. Điều kiện hình thành sương mù gồm nhiệt độ không khí thấp, độ ẩm cao, lặng gió, trong không khí chứa nhiều hạt nhân ngưng kết như hạt bụi, tinh thể băng... Ngoài ra, trong những ngày qua không khí lạnh ở phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam khiến nền nhiệt giảm. Tại một số tỉnh miền Đông, nhiệt độ giảm xuống, có ngày giảm xuống dưới 20 độ. Bên cạnh đó, có những trận mưa vào buổi chiều, tối, đêm làm cho độ ẩm trong không khí cao. Rãnh áp thấp ở phía Nam có vị trí 4-7 độ cũng có tác động hình thành mây nhiều, nhất là đầu giờ sáng, che phủ mặt trời. Do không có nắng nên lớp sương mù dễ tồn tại, lâu tan. Bên cạnh đó, tại những đô thị lớn như TP.HCM với mật độ dân cư, nhà cửa, đặc biệt hoạt động giao thông với hàng triệu xe, đa số xe cũ không có tiêu chuẩn xả thải thì ô nhiễm bụi là điều khó tránh khỏi. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ khuyến cáo người dân khi ra đường cần trang bị khẩu trang để hạn chế hít phải không khí ô nhiễm. Đặc biệt lưu ý khi quan sát trong bầu khí quyển có màu vàng đục, mắt cay như tiếp xúc với khói, không khí vẩn đục, lờ mờ cả ngày thì đó là biểu hiện mù khô hoặc không khí bị ô nhiễm nặng. NGUYỄN CHÂU |