Các thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập) bất động sản (BĐS) tiềm năng đang được dự báo sẽ diễn ra nhiều hơn ở các tỉnh vùng ven TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương… Nhiều nhà đầu tư có năng lực ngàn tỉ cũng đang đặt hàng mua đất dự án, biệt thự, khu đô thị ở các vùng ven TP.
Nhà đầu tư ngàn tỉ săn mua dự án
“Nhu cầu nhà đầu tư của chúng tôi với năng lực tài chính trên 10.000 tỉ đồng cần mua đất dự án xây căn hộ bán, biệt thự, khu đô thị từ 5 ha lên đến 300 ha, dự án hỗn hợp và cả các dự án xây dở dang” - thông báo của một đơn vị chuyên môi giới mua bán BĐS lớn cho biết.
Theo thông báo “cần tìm nhà đầu tư gấp” này, nhu cầu hiện nay của các nhà đầu tư ngàn tỉ là nhắm đến BĐS ở khu vực các tỉnh giáp ranh đô thị lớn.
Trong diễn đàn M&A diễn ra cuối tháng 11, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cao cấp tài chính của Tập đoàn Novaland, cho biết đơn vị vừa chốt thành công một thương vụ M&A với dự án có quy mô 286 ha ở tỉnh Đồng Nai. Thương vụ trên nâng tổng giá trị M&A các thương vụ mới ở khu vực này và các tỉnh lân cận của Novaland lên con số 1 tỉ USD.
“Xu hướng thời gian tới BĐS nghỉ dưỡng sẽ phục hồi, có nhà đầu tư đang tìm mua dự án mặt biển diện tích 25-30 ha trở lên ở khu vực Bình Thuận đến Vũng Tàu. Tốt nhất là các dự án đã có quyết định 1/500 và có chấp thuận chủ trương đầu tư” - một chuyên viên tư vấn mua bán dự án thông tin nhu cầu khách hàng.
Do quá trình phê duyệt pháp lý kéo dài từ giữa năm 2018 và tác động của dịch COVID-19 đã khiến nhiều nhà phát triển có quy mô nhỏ đối mặt với các khó khăn tài chính lớn. Tuy nhiên, tình thế này lại tạo ra cơ hội săn tìm đất cho các công ty BĐS có tiềm lực mạnh.
Vùng ven TP.HCM đang trở thành tâm điểm của thị trường M&A bất động sản. Ảnh: HTD
Báo cáo ngành BĐS mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết tỉnh Bình Dương không chỉ hấp dẫn các chủ đầu tư hàng đầu trong nước như Vinhomes, Đất Xanh và Phát Đạt mà còn thu hút cả các nhà phát triển nước ngoài như Sembcorp và Tokyu.
Theo Colliers Việt Nam (một công ty nghiên cứu thị trường), trong chín tháng đầu năm có ít nhất 10 nhà phát triển nước ngoài mới từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam.
“Các thương vụ M&A được xem là giải pháp nhanh nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài bước chân vào thị trường Việt Nam và các nhà đầu tư trong nước mở rộng quỹ đất” - báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect nêu.
Cơ hội tốt cho vùng ven
Nói về xu hướng này, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Công ty Sohovietnam - đơn vị chuyên tư vấn M&A BĐS, nhận định: “Do TP.HCM vẫn đang trong quá trình rà soát pháp lý các dự án nên trong vòng 2-3 năm vừa qua thị trường này có rất ít dự án được cấp phép. Nguồn cung ít nhưng cầu lại luôn có nhiều dẫn đến các nhà đầu tư phải tìm đến những dự án ở tỉnh, thành lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai…”.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, quá trình M&A vẫn đang diễn ra khi một số dự án từ các công ty lớn hiện đang trong quá trình đàm phán. Một số khác đã hoàn tất đàm phán các điều khoản tài chính quan trọng trong quý IV-2020. VNDirect cũng kỳ vọng các thương vụ này sẽ được hoàn tất trong năm 2021 nhờ những cải tiến trong khuôn khổ pháp lý từ Luật Đầu tư mới năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. |
Theo ông Cần, nhà đầu tư hiện cũng đang rất cần có dự án để phát triển. Có thể thấy “tay chơi” năng động và có hoạt động mua bán nhiều trong thời gian qua là các nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài chưa nhiều, vì dịch bệnh khiến họ không có nhiều cơ hội đến khảo sát trực tiếp thị trường (trừ đặc thù BĐS khu công nghiệp).
Cần lưu ý là việc lựa chọn mua bán loại hình BĐS nào là tùy khẩu vị nhà đầu tư. Ví dụ, nhà đầu tư có tính thận trọng cao như Nhật Bản thì họ thích các tài sản đã hình thành, có dòng tiền sẵn vì tính pháp lý ổn định hơn. Còn nhà đầu tư Singapore và Hong Kong thì muốn lợi nhuận cao hơn nên họ có thể tham gia góp vốn mua đất, phát triển dự án ngay từ lúc đầu.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, cho rằng để M&A thành công một dự án thì chủ đầu tư cần am hiểu sâu sắc về lịch sử pháp lý của dự án, bối cảnh thị trường cũng như tìm thấy mục tiêu khi có ý định M&A.
“Không hiếm những phi vụ M&A thất bại vì nhà đầu tư không kiểm soát được rủi ro pháp lý phát sinh, hoặc không kiểm soát được toàn diện doanh nghiệp, dự án nên cũng không thể phát triển theo hướng mình mong muốn. Điều đó dẫn đến dự án triển khai chậm hoặc có giá quá cao khiến thị trường không thể hấp thụ, ngược lại gây khó cho nhà đầu tư” - ông Việt nói.