Hàng hóa đua nhau tăng giá nhờ lạc quan về tăng trưởng toàn cầu
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Hàng hóa năng lượng dẫn dắt cơn tăng giá của một loạt hàng hóa bao gồm kim loại cơ bản và các sản phẩm nông nghiệp trong hơn một tháng qua khi các tiến triển của vaccine Covid-19 kích hoạt tâm lý lạc quan trên thị trường về đà phục hồi tăng trưởng toàn cầu.
Kể từ đầu tháng 11 đến nay, chỉ số S&P GSCI của S&P Global Ratings, đo lường biến động thị trường hàng hóa đầu tư nói chung trên toàn cầu, đã tăng 14% với hàng hóa năng lượng tăng 24%, các kim loại công nghiệp tăng 14% và các mặt hàng nông nghiệp tăng 5%. Vàng là một trong số ít hàng hóa đứng ngoài cơn tăng giá này với mức giảm 3% kể từ thảng 11 khi giới đầu tư chốt lời ở các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng.
Hôm 10-12, chỉ số hàng hóa giao ngay Bloomberg (bao gồm một rổ hàng hóa chọn lọc như dầu thô, khí đốt, đồng, chì, nickel, ngô, đậu nành, lúa mì...) tăng 1,3%, lên mức 380,4 điểm, cao nhất trong sáu năm.
Các đột phá về vaccine Covid-19, được thông báo trong tháng 11, khiến giới đầu tư và các nhà phân tích điều chỉnh các dự báo về quỹ đạo tăng trưởng toàn cầu trong năm sau theo hướng lạc quan hơn, kích hoạt làn sóng đặt cược vào triển vọng giá cả hàng hóa tăng cao hơn.
Tuần trước, chỉ số hàng hóa giao ngay Bloomberg (bao gồm một rổ hàng hóa chọn lọc như dầu thô, khí đốt, đồng, chì, nickel, vàng, bạc, ngô, đậu nành, lúa mì...) tăng 1,3%, lên mức 380,4 điểm, cao nhất trong sáu năm. Ảnh: Bloomberg |
Các nhà phân tích ở Ngân hàng Morgan Stanley nhận định: “Dòng tiền đầu cơ đang dẫn dắt cơn tăng giá trên thị trường hóa trong bối cảnh các điều kiện tài chính được nới lỏng”. Họ dự báo rằng với các kỳ vọng kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh hơn trong năm 2021, “mức đỉnh của giá cả hàng hóa vẫn còn ở phía trước”.
Giá các sản phẩm dầu mỏ và năng lượng khác lao dốc hồi đầu năm khi các nước trên thế giới triển khai lệnh phong tỏa để kiểm soát Covid-19, khiến mọi người dừng lái xe và đi lại hàng không toàn cầu tê liệt. Các nhà phân tích ở Ngân hàng Commerzbank dự báo nhu cầu dầu toàn cầu toàn cầu giảm 8% trong năm 2020. Dù vậy, giá dầu phục hồi nhanh trong những tuần gần đây.
Nhiên liệu hàng hải và dầu diesel nằm trong số những mặt hàng năng lượng tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 11, với các hợp đồng tương lai dầu diesel hàm lượng lưu huỳnh thấp tăng gần 30% khi các tàu vận chuyển container và xe tải giao hàng hối hả vận chuyển hàng phục vụ mùa mua sắm Giáng sinh.
Tuần trước, giá dầu Brent tại thị trường London đã quay trở lại mốc 50 đô la/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 12-2019. Dầu Brent đã tăng giá 28% kể từ khi đón nhận thông tin tích cực về kết quả thử nghiệm vaccine Covid-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và hãng công nghệ sinh học BioNTech (Đức).
Ngay cả mặt hàng bị ghét bỏ vì phát thải carbon như than cũng đã tăng 25% trong gần một tháng rưỡi qua. Nguồn cung thắt chặt ở thị trường Trung Quốc, đẩy giá than nâu (nhiệt lượng thấp) lên mức 700 nhân dân tệ lần đầu tiên kể từ năm 2018.
Giá cả các kim loại cơ bản cũng đang bay cao. Giá quăng sắt đã tăng 25% kể từ tháng 11, lên mức cao kỷ lục kể từ tháng 11 nhờ nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc giữa lúc nguồn cung trên toàn cầu suy giảm. Trong hơn một tháng qua, giá đồng tăng 16% lên mức 7.749 đô la, mức cao nhất trong bảy năm, trong khi đó, giá chì cũng chứng kiến mức tăng tương tự. Giá đồng đã tăng 70% kể từ tháng 3-2020.
Thị trường hàng hóa nông nghiệp được hỗ trợ nhờ nhu cầu Trung Quốc và những mối lo ngại về hiện tượng thời tiết La Nina. Kể từ tháng 11, giá đậu nành tăng 11% và giá cotton tăng 7%. La Nina là hiện tượng nước biển lạnh đi so với bình thường, gây ra lượng mưa lớn bất thường ở châu Á, đe dọa sản lượng mùa màng.
Báo cáo mới đây của Fitch Solutions dự báo dầu sẽ là một trong những hàng hóa tăng giá tốt trong năm 2021.
“Giá dầu đang tăng sau khi đón nhận những tin tức tích cực về vaccine Covid-19 và đội ngũ phân tích dầu khí của chúng tôi nâng dự báo giá trung bình của dầu Brent trong năm 2021 từ mức 48 đô la lên mức 53 đô la/thùng”
Các nhà phân tích của Fitch Solutions cho rằng 2021 sẽ là một năm tiếp tục khởi sắc đối khoáng sản và kim loại cơ bản đặc biệt là đồng đang được hưởng lợi nhờ nhu cầu mạnh từ ngành công nghiệp ô tô, xây dựng và ngành điện. Tuy nhiên, họ cho rằng về dài hạn, các mặt hàng như quặng sắt và than sẽ đi vào xu hướng giảm trong giai đoạn 2021-2025 vì tốc độ tăng trưởng chậm lại ở nhiều thị trường quan trọng, trong khi đó, Trung Quốc dần chuyển sang mô hình kinh tế chú trọng tiêu dùng hơn.
Các nhà phân tích ở Ngân hàng Goldman Sachs nhận định giá dầu Brent đạt mức 65 đô la/thùng vào cuối năm 2021. Họ dự báo nhu cầu dầu sẽ phục hồi nhanh chóng và đạt 102,5 triệu thùng/ngày vài năm 2022, tức cao hơn cả mức 100,1 triệu thùng/ngày vào năm 2019, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế.
Theo Financial Times
Xem thêm: lmth.uac-naot-gnourt-gnat-ev-nauq-cal-ohn-aig-gnat-uahn-aud-aoh-gnah/517113/nv.semitnogiaseht.www