vĐồng tin tức tài chính 365

Công ty thua lỗ được 'phù phép' để trúng đấu giá cao tốc TPHCM - Trung Lương

2020-12-15 08:41

Công ty thua lỗ được 'phù phép' để trúng đấu giá cao tốc TPHCM - Trung Lương

Lê Anh

(TBKTSG Online) - Từ một công ty liên tục thua lỗ, không có năng lực tài chính, Công ty Yên Khánh đã được “nâng đỡ” để trúng đấu giá quyền khai thác đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Sau đó, doanh nghiệp này dùng thủ đoạn che giấu doanh thu để trục lợi hơn 725 tỉ đồng.

Ngày 14-12, Tòa án Nhân dân TPHCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT); Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT), cùng 18 bị cáo khác trong vụ sai phạm đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, gây thất thoát của Nhà nước 725 tỉ đồng.

Trạm thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương hiện nay đã tạm dừng thu phí - Ảnh: Anh Quân

Công ty thua lỗ vẫn trúng đấu giá

Theo cáo trạng được công bố tại phiên tòa, vào tháng 2-2012, sau khi được Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý chủ trương bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, bị cáo Đinh La Thăng, khi đó là Bộ trưởng Bộ GTVT đã điện thoại cho Dương Tuấn Minh (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) chỉ đạo để công ty của Đinh Ngọc Hệ (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, cựu Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn) được mua quyền thu phí.

Khi tiến hành nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, tổ thường trực giúp việc do bị cáo Dương Thị Trâm Anh (nguyên Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) làm tổ trưởng biết Đinh Ngọc Hệ có mối quan hệ với ông Đinh La Thăng nên không kiểm tra năng lực tài chính của 2 công ty Yên Khánh và Khánh An.

Mặc dù không tổ chức họp đánh giá hồ sơ tham dự đấu giá của 2 công ty là Yên Khánh và Khánh An nhưng bị cáo Trâm Anh vẫn lập biên bản họp khống để khẳng định hồ sơ của 2 công ty này đủ điều kiện tham gia đấu giá.
Trên thực tế 2 công ty Yên Khánh và Khánh An không có năng lực tài chính, kinh doanh thua lỗ liên tục. Trong đó, Công ty Yên Khánh năm 2011 lỗ 262,4 triệu đồng; năm 2012 lỗ 2,4 tỷ đồng; còn Công ty Khánh An năm 2011 lỗ 69,5 triệu đồng...

Một sai phạm khác được cáo trạng chỉ ra là 2 công ty Yên Khánh và Khánh An chưa nộp khoản tiền đặt cọc để đảm bảo có căn cứ tổ chức buổi bán đấu giá. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Hồng Trường (khi đó là Thứ trưởng Bộ GTVT) vẫn ký thông báo tổ chức phiên đấu giá (lần 1).

Ngày 15-11-2013, dù chỉ có duy nhất Công ty Yên Khánh tham gia nhưng bị cáo Dương Tuấn Minh (khi đó là Tổng giám đốc Tổng Công ty Cửu Long) vẫn cho đấu giá và công ty Yên Khánh trả giá 2.004 tỉ đồng bằng giá khởi điểm.

Sau khi trúng đấu giá, việc cho Công ty Yên Khánh được thanh toán số tiền trúng thầu quyền thu phí chia làm 3 lần là trái quy định Thông tư liên tịch số 05/TTLT-BGTVT-BTC. Bởi vì theo thông tư liên tịch 05 quy định đơn vị trúng đấu giá phải trả lần thứ nhất ngay sau khi hợp đồng chuyển giao có hiệu lực (tối thiểu 50% giá trúng thầu), và trả lần thứ hai (trả hết) vào tháng thứ 6 kể từ khi trả lần thứ nhất.

Cáo trạng cũng nêu trong quá trình lập đề án, các bị cáo thuộc Bộ GTVT còn tự xây dựng giá khởi điểm, phê duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá mà không thành lập Hội đồng định giá tài sản theo quy định tại Nghị định số 52/2009 và Thông tư 137/2010.

Ngoài ra, cáo trạng xác định việc  tiến hành bán đấu giá, phê duyệt kết quả bán đấu giá là tài sản Nhà nước khi chỉ có một doanh nghiệp tham gia là trái với Nghị định 17/2010.

Giám đốc Công ty Yên Khánh chỉ đứng tên trên giấy tờ

Chiều 14-12, sau khi Viện Kiểm sát kết thúc công bố xong cáo trạng, tòa bắt đầu tiến hành phần xét hỏi.  Bị cáo đầu tiên bước lên bục khai báo là Vũ Thị Hoan (nguyên Giám đốc công ty Yên Khánh). Bị cáo Hoan khai mình và bị cáo Đinh Ngọc Hệ là cậu cháu ruột.

Năm 2005, ông Hệ nhờ Hoan đứng tên thành lập Công ty Yên Khánh và là người đại diện theo pháp luật. Bị cáo Hoan khai rằng  mình chỉ là Giám đốc công ty Yên Khánh trên danh nghĩa chứ thực tế không có góp vốn, không tham gia điều hành hoạt động của công ty, không liên hệ, không thỏa thuận quyền mua bán quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương, không tham gia đấu giá.

Mặc dù là giám đốc nhưng công việc của Hoan là kế toán, theo dõi các khoản công nợ vay ngân hàng và hàng tháng được trả lương 15 triệu đồng, sau được tăng lương lên 25 triệu đồng/tháng.

Tại tòa, bị cáo Hoan cho rằng mình không tham gia bất kỳ khâu nào trong việc tham gia đấu giá mua quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, không biết việc Công ty Yên Khánh đã can thiệp vào hệ thống phần mềm thu phí để chiếm đoạt tiền thu phí. Bị cáo này cũng  khai trong 7 công văn gửi Tổng công ty Cửu Long có 4 công văn do bị cáo ký, còn 3 chữ ký trong 3 công văn còn lại không phải của bị cáo.

Phiên tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi vào ngày 15-12. Dự kiến,  tòa sẽ tuyên án vào ngày 25-12.

Mời xem thêm:

Ông Đinh La Thăng là chủ mưu trong vụ án tại dự án cao tốc TPHCM-Trung Lương

Thủ đoạn giấu doanh thu trong vụ thất thoát 725 tỉ đồng ở cao tốc TPHCM - Trung Lương

Xem thêm: lmth.gnoul-gnurt--mchpt-cot-oac-aig-uad-gnurt-ed-pehp-uhp-coud-ol-auht-yt-gnoc/717113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Công ty thua lỗ được 'phù phép' để trúng đấu giá cao tốc TPHCM - Trung Lương”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools