Ngày 16-12, tại Bảo tàng Phòng không - Không quân đã diễn ra buổi ra mắt cuốn sách Nhật ký phi công tiêm kích của Trung tướng- Anh hùng LLVT Nguyễn Đức Soát.
Cuốn sách - nhật ký mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc...
Từ một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, Nguyễn Đức Soát đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới ở tuổi 27.
Trung tướng- Anh hùng LLVT Nguyễn Đức Soát tại lễ ra mắt. Ảnh VIẾT THỊNH
Có mặt tại lễ ra mắt, tân Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ, ông đến đây với mục đích duy nhất để có thể chạm tay vào một người anh hùng mà mình đã thần tượng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam cũng hồi tưởng lại, cách đây 29 năm ông đã dẫn một đoàn quân thất trận, là những cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam có mặt nơi đây.
“Họ đến đây để muốn được nhìn thấy những người đã đánh bại kẻ khổng lồ của không lực Hoa Kỳ, có lẽ đó một đội quân không lực mạnh nhất thế giới, họ cũng tin rằng họ bay đến đâu thì tất cả mây ở đó phải tan đi, nhưng họ thất bại trên bầu trời Tổ quốc này... họ đến vừa rụt rè, vừa tò mò vừa đầy háo hức”- nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng bày tỏ, người dân Mỹ cũng đã tìm câu trả lời tại sao mảnh đất nhỏ bé đầy thi ca lại có thể đánh bại một đội quân mạnh nhất, lớn nhất trên thế giới như vậy. Theo ông, hiện nay đã có khoảng 7 ngàn đầu sách khác nhau để lý giải vì sao Mỹ lại thất bại trước Việt Nam. Nhưng chưa có câu trả lời cuối cùng.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đưa thêm dẫn chứng, năm 1977 một trường Đại học ở Mỹ đã lần đầu tiên xuất bản những bài thơ trong tài liệu quân đội Mỹ đã thu giữ của quân đội Việt Nam trong chiến tranh.
Sau khi họ giải mật thì các nhà văn nghiên cứu và phát hiện ra một điều kỳ bí, trong tất cả các cuốn sổ tay có hình vẽ giống nhau đó là chim bồ cầu- khát vọng hòa bình, và trong các sổ tay giấy tờ họ thấy một văn bản mà họ thấy ở những người lính đó là bài thơ chép tay.
“Bài thơ nói về gì? Không hận thù, không đau khổ, không sợ hãi, chỉ có bài ca về quê hương đất nước, về khát vọng bình yên nhất của người lính sau chiến tranh trở về lấy vợ, sinh con, dựng nhà dựng cửa, chăm sóc bố mẹ, cày cấy trên cánh đồng bình yên nhất,.. đó chính là khát vọng kỳ vĩ nhất của những người lính”- nhà thơ Nguyễn Quang Thiếu nó.
Đánh giá về cuốn sách, ông nói rằng đây là cuốn nhật ký giản dị nhưng đầy sức mạnh.
Cuối cùng, ông kính chúc Quân đội nhân dân Việt Nam mãi mãi sản sinh ra các thế hệ anh hùng để bảo vệ trọn vẹn nhất dân tộc này, mảnh đất này bởi chiến tranh có thể lúc nào cũng xảy ra.
Lắng nghe những chia sẻ của bà Nguyễn Thục Phương, tướng Soát không kìm được nước mắt, sau khi bà phát biểu xong ông đã xuống tận nơi nắm chặt tay và ôm chị . Ảnh VIẾT THỊNH
Buổi giới thiệu sách còn có sự có mặt của bà Nguyễn Thục Phương, chị dâu của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, đọc xong cuốn sách, bà bày tỏ: Tướng Soát không chỉ là một quan võ tài ba mà còn là một quan văn với ngòi bút sắc bén.
Bà kể: Khi người em của mình là Vũ Xuân Thiều hi sinh, bố mẹ đã rất đau đớn, nhưng bố mẹ bà đã nói rằng: Bố mẹ mất Thiều nhưng còn có chú Soát. Và suốt 48 năm qua tướng Soát đã đã thực hiện tâm nguyện đó.
Còn nhà thơ Hữu Việt, con trai của nhà văn Hữu Mai, tác giả của bộ tiểu thuyết Vùng trời, cuốn sách đầu tiên viết về những người lính trên bầu trởi của Tổ quốc ta thì bày tỏ:
“Trong cuốn sách này không chỉ thuần những dòng nhật ký của tác giả. Để bạn đọc tiếp cận văn bản thuận tiện hơn, tác giả đã viết thêm những dẫn nhập bối cảnh sự kiện, tương quan lực lượng ta - địch, số phận những nhân vật chính trong nhật ký, những hồi ức và những chiêm nghiệm khi đã có độ lùi lịch sử… - ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong trắng, tận hiến tự - nhiên - ý - thức cho Tổ quốc, nhân dân, Đảng và quân đội, vượt lên mọi thử thách khắc nghiệt, mọi khổ đau và mất mát để đi đến ngày chiến thắng.”.