Tháng 4/2020, Hàn Quốc được cả thế giới ngưỡng mộ, trở thành một hình mẫu nhờ cách họ giải quyết các ổ dịch bùng lên trong nước. Sự quyết liệt trong xét nghiệm cùng với lần vết và cách ly nghiêm ngặt đã giúp họ làm phẳng được đường cong lây nhiễm. Đây thực sự là một kỳ tích, bởi Hàn Quốc ở cách không quá xa so với Trung Quốc - vẫn được cho là nơi khởi phát dịch bệnh - mà không cần phải phong tỏa bất kỳ ngày nào.
Thành tựu của Hàn Quốc được cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ca ngợi, đến mức họ thậm chí còn soạn hẳn một bản hướng dẫn kiểm soát dịch bệnh theo cách của người Hàn Quốc, để những nước bùng dịch nghiêm trọng hơn tuân theo.
Nhưng chỉ 8 tháng sau, mọi thứ đã thay đổi một cách chóng mặt. Những gì Hàn Quốc làm được trong lần chống dịch đầu tiên giờ chẳng còn chút ý nghĩa, khi họ phải đối mặt với một làn sóng dịch bệnh như không thể ngăn chặn. Nó bắt đầu từ những ổ dịch không phản ứng kịp với chính sách xét nghiệm và truy vết tại đây.
Thêm một hình mẫu chống dịch sụp đổ
Ngày 13/12, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục, tới 1030 ca nhiễm mới. Sau đó 1 ngày, con số giảm xuống dưới 800, nhưng nguyên nhân là do số lượng xét nghiệm thực hiện vào cuối tuần là ít hơn, sau đó lại nhảy lên 880 vào ngày 15/12. Bộ Y tế cảnh báo rằng với tỉ lệ tăng như vậy, số ca nhiễm có thể lên tới 1200 ca/ngày.
Tại khu vực Seoul - nơi phân nửa số dân gồm 52 triệu người tại Hàn Quốc sinh sống, người dân đang sẵn sàng cho các biện pháp siết chặt hơn, sau khi nhà chức trách gặp khó khăn trong việc xác định con đường lây nhiễm từ các ổ dịch xung quanh thủ đô.
Park Young-joo, một cụ bà 78 tuổi sống tại tỉnh Gyeonggi (gần Seoul) cho biết bà cảm thấy hết sức lo lắng.
"Tôi chỉ cố ở trong nhà nhiều nhất có thể, nhưng tôi đang sống cùng gia đình con trai. Tôi lo rằng mình sẽ lây nhiễm từ các con" - bà cho biết. "Mọi người trong nhà đều thấy căng thẳng, và tôi tin nguyên nhân vì tôi đã già và có nguy cơ cao."
Có lẽ với người châu Âu và châu Mỹ, họ sẽ cảm thấy khó hiểu khi trước sự lo ngại của Hàn Quốc. Xét cho cùng, họ mới "chỉ" có khoảng hơn 44.000 ca nhiễm (số liệu từ KDCA), và 600 ca tử vong. Để so sánh, Anh Quốc đã có 56.000 người chết vì đại dịch, trong khi số dân lại tương đương.
Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc lại đưa ra lời cảnh báo rằng việc không thể kiểm soát đợt bùng dịch này có thể đưa họ vào thế bắt buộc phải nâng hạn chế lên mức 3 - cũng là mức cao nhất. Nếu nó có hiệu lực, nghĩa là nền kinh tế lớn thứ 5 toàn châu Á sẽ lần đầu bước vào tình trạng phong tỏa "nhẹ" kể từ khi đại dịch xảy ra.
Các trường học đã bị buộc phải đóng cửa từ ngày 15/12, số lần xét nghiệm tăng mạnh từ 16.000 người/ngày trong tháng 9 lên tới 22.000. Các buổi tiệc tất niên - nguồn lây nhiễm với rủi ro rất cao - cũng bị cấm hoàn toàn.
Với mức độ siết chặt bậc 3, chỉ có những lao động trong ngành thiết yếu được phép hoạt động. Mọi đám đông tụ tập quá 10 người sẽ bị nghiêm cấm, trong khi tàu điện chỉ được phép vận hành với tối đa 50% công suất.
Lại từ 2 chữ chủ quan
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nhận định sau gần 1 năm áp dụng đeo khẩu trang bắt buộc, giãn cách xã hội và cách ly cá nhân theo công nghệ lần vết dịch bệnh, đất nước đã bắt đầu trở nên mất cảnh giác hơn.
"Dù đa số bắt đầu quen với sự bất tiện và tuân thủ quy định, một số trở nên bất cẩn, thiếu trách nhiệm và tạo cơ hội cho dịch bệnh lây lan" - ông Chung trả lời trên sóng truyền hình. Ông cũng cho biết mức kiểm soát bậc 3 là tình thế cuối cùng, vì nó gây ra tổn hại không thể ngăn cản cho nền kinh tế.
Một số chuyên gia tin rằng Hàn Quốc đang phải trả giá cho quyết định có phần "ngây thơ" khi sớm nới lỏng các hạn chế trong mùa thu vừa qua. "Chính phủ đã thay đổi chính sách hồi tháng 10, và giờ họ buộc phải siết chặt vì các ổ dịch đang bùng phát mạnh mẽ" - Eom Joong-sik, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại ĐH Gachon (Incheon, Hàn Quốc) nhận định.
"Chính sách ấy cho phép virus lây lan qua các cộng đồng địa phương, và làm tăng nguy cơ lây nhiễm sang những vùng rộng hơn" - ông chia sẻ thêm, đồng thời cảnh báo Seoul sẽ sớm đạt tới giới hạn trong các bệnh viện.
Thậm chí, Tổng thống Moon Jae-in đã phải thừa nhận rằng đất nước "đang bị dồn vào chân tường", đồng thời nói lời xin lỗi khi không thể ngăn chặn làn sóng dịch bệnh đang lây lan quá nhanh gần đây.
Lee Seung-du, cư dân 29 tuổi tại Seoul cho biết anh đã đeo những chiếc khẩu trang hiệu quả nhất mình có thể mua, đồng thời hạn chế ra ngoài hết mức có thể.
"Mỗi buổi sáng tôi thức dậy và nhìn thấy số ca lây nhiễm tiếp tục gia tăng" - anh nói. "Chỉ vài tuần trước, Hàn Quốc vẫn còn tự hào với thế giới về cách chúng tôi chống dịch. Giờ nghĩ lại, tôi thấy nó giống trò đùa vậy.
Nguồn: The Guardian
J.D
Pháp luật và bạn đọc