Giới siêu giàu, chỉ những người có giá trị tài sản từ 30 triệu USD trở lên đang tăng lên nhanh chóng tại Việt Nam. Theo báo cáo của Knight Frank, tính đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 460 người thuộc nhóm này, tăng 7% so với năm trước đó. Báo cáo này cũng đưa ra dự báo Việt Nam sẽ lọt top 3 toàn cầu về tăng trưởng số người siêu giàu trong 5 năm tới, với 64%, xếp sau Ấn Độ và Ai Cập.
Giới siêu giàu, họ tiêu dùng đồ xa xỉ, phần lớn là như vậy. Với loại hàng hóa này, tính độc quyền là điều được các nhà sản xuất tập trung. Chính vì độc quyền, số lượng sẽ không nhiều và giá bán ở mức cao. Hàng xa xỉ thể hiện cái gu và địa vị của những người sở hữu chúng. Thông thường các mặt hàng chính gồm: quần áo, giày dép, phụ kiện da, kính mắt, đồng hồ, trang sức và mỹ phẩm.
Theo tính toán của Statista, dung lượng thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam đạt khoảng 974 triệu USD trong năm nay, giảm 6% so với 2019. Nguyên nhân chủ yếu đến từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Nhưng sự hồi phục được dự báo sẽ diễn ra nhanh chóng, tăng trở lại hơn 17% trong năm tiếp theo. Statista tin rằng tăng trưởng kép hàng năm của Việt Nam sẽ đạt khoảng 9,1% trong vòng 5 năm tới.
Giá trị thị trường hàng hóa xa xỉ tại Việt Nam (theo Statista)
Tốc độ tăng trưởng ngành hàng xa xỉ (theo Statista)
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu bán hàng xa xỉ là đồ da cao cấp, gần 30%; kế đến thuộc về thời trang, hơn 25%; đồng hồ - trang sức 21%; khoảng 24% còn lại là nước hoa – mỹ phẩm và kính mắt.
Tại Việt Nam, khoảng 60% thị phần thuộc về 5 thương hiệu lớn. Trong đó dẫn đầu là LVMH với 30%, các thương hiệu nhà Kering và Richemont chia nhau vị trí thứ hai với khoảng 10% mỗi bên; Chanel và L’Oréal cùng 5%...
Thị phần ngành hàng xa xỉ phẩm, dẫn đầu thuộc về LVHM (theo Statista)
Một đặc điểm khác cần lưu ý đối với hàng xa xỉ là hầu hết chúng được mua offline, tức là đến trực tiếp các cửa hàng. Khảo sát của Statista cho thấy tỷ lệ này hiện ở mức 94% và đang giảm dần, dù rất chậm.
Chính vì vậy mà các cửa hàng bán đồ xa xỉ là một yếu tố quan trọng, chúng được thiết kế lộng lẫy, thậm chí đặt trong các khách sạn 5 sao nổi tiếng nhất. Lướt một vòng quanh Metropole Hotel Hà Nội, bạn sẽ thấy không sót bất kỳ thương hiệu đẳng cấp nào.
Nhắc đến hàng hiệu, người ta liên tưởng ngay đến cái tên Johnathan Hạnh Nguyễn (thường gọi là ông vua hàng hiệu của Việt Nam). Ông là Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – IPPGroup.
Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh – DAFC thuộc IPPGroup là đơn vị chuyên phân phối thời trang xa xỉ. Họ có Armani Exchange, Ash, Bally, Balmain, Burberry… và nhiều thương hiệu hàng đầu khác. Họ cũng là nhà phân phối chính thức của thương hiệu đồng hồ Rolex.
Doanh thu của DAFC tăng trưởng tương đối ấn tượng trong những năm gần đây, đạt 1.245 tỷ đồng năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp cũng dần được cải thiện lên 34%, lãi ròng 42 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 60%. Tuy nhiên tính trên doanh thu, tỷ suất lợi nhuận ròng của DAFC là tương đối thấp, bán 100 đồng chỉ lãi hơn 3 đồng. Điều này cho thấy việc kinh doanh hàng xa xỉ chưa chắc lời to như nhiều người lầm tưởng. Nguyên nhân đến từ chi phí thuê mặt bằng trung tâm đắt đỏ, hay việc vận hành kinh doanh đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật khắt khe từ nhà sản xuất.
Lợi nhuận của Tam Sơn tỏ ra vượt trội so với các nhà phân phối hàng xa xỉ còn lại
Đối thủ lớn nhất của nhà IPPGroup là Công ty TNHH Quốc tế Tam Sơn thuộc Tập đoàn Openasia, tập đoàn đầu tư đa ngành từ năm 1994 tại Việt Nam.
Tam Sơn cũng khởi sự kinh doanh hàng xa xỉ tại Việt Nam từ rất sớm. Họ hiện quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ tại các vị trí trung tâm Hà Nội và TP HCM. Sức tăng trưởng của Tam Sơn là hết sức mạnh mẽ, đặc biệt trong năm ngoái doanh thu tăng gần 30% đạt 1.931 tỷ đồng.
Cơ cấu sản phẩm của Tam Sơn tương đối đa dạng, ngoài thời trang với Hermes, Bottega Veneta, Boss...công ty này còn bán đồng hồ. Họ có Patek Philippe, Chopard, Vacheron Constantin… Bên cạnh đó, Tam Sơn bán cả đồ nội thất cao cấp và du thuyền. Biên lãi gộp của Tam Sơn đạt 30%, nhỉnh hơn một chút so với DAFC, nhưng lợi nhuận ròng rất đáng chú ý. Năm ngoái công ty lãi 211 tỷ đồng sau thuế, tỷ suất 11%. Kết quả kinh doanh của Tam Sơn cũng dẫn đầu trong số các nhà phân phối hàng xa xỉ tại Việt Nam.
Một cái tên khác phải nhắc đến là nhà Sam&Sassy, họ chính là nhà phân phối dòng xe hạng sang Rolls – Royce vừa chính thức được công bố. Ông chủ Sam Vu ưa thích đối với các sản phẩm đồng hồ giá bán lên tới hàng tỷ đồng mỗi chiếc, họ phân phối từ Richard Mille, Hublot, Franck Muller, Tudor… Sam&Sassy cũng bán trang sức Messika, và tranh của Cyril Kongo – nhà thiết kế graffiti.
THG S&S và S&S Indochine là hai đơn vị có kết quả ấn tượng nhất của nhà Sam&Sassy, phụ trách kinh doanh chính các mặt hàng xa xỉ phẩm. Trong đó THG S&S mỗi năm doanh thu 160 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu của S&S Indochine đã tăng hơn 2 lần trong năm ngoái, đạt 293 tỷ đồng. Lợi nhuận mỗi công ty đạt khoảng 30 tỷ đồng.
Một số thương hiệu xa xỉ chọn cách tự mình kinh doanh tại Việt Nam, khi mà quy mô của họ đến tầm đủ lớn. Như đã đề cập, họ là LVHM, Chanel và L’Oréal, chiếm thị phần đáng kể trong ngành hàng xa xỉ phẩm.
Năm 2019, L’Oréal doanh thu 1.635 tỷ đồng, biên lãi gộp khủng 75%, nhưng lãi ròng chỉ 81 tỷ đồng. Thương hiệu mỹ phẩm đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 20% mỗi năm cho thấy sức hấp dẫn của sản phẩm làm đẹp.
Chanel và LVHM cũng tăng trưởng rất nhanh, họ lần lượt thu về 946 tỷ đồng và 422 tỷ đồng năm ngoái. Biên lãi gộp của Chanel trên 50%, còn tại LVHM chỉ khoảng 27%.
Điều đáng chú ý là tỷ suất lợi nhuận ròng của Chanel tỏ ra vượt trội, công ty này lãi 159 tỷ đồng năm ngoái, tương ứng gần 17%. Tại LVHM lãi 27 tỷ đồng, tỷ suất 6% và L’Oréal lãi 81 tỷ đồng, tỷ suất 5%.
Bạch Mộc
Doanh nghiệp và Tiếp thị