Khi xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên trong nhiều tuần qua, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã dự báo về tương lai quan hệ giữa Tehran với Washington dưới thời tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, kênh tin Channel News Asia cho hay.
Sau những đồn đoán từ đầu tháng 12 về việc sức khỏe nhà lãnh đạo Iran xấu đi, ông Khamenei đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trên sóng truyền hình nhà nước Iran.
Ông Khamenei thể hiện sự cảnh giác trước những chính sách của ông Biden - người nhiều khả năng sẽ thay thế đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm quyền tại Nhà Trắng. Ông Khamenei cho rằng Iran "không nên tin tưởng kẻ thù", trong trường hợp này là Mỹ.
Ông Khamenei cho rằng không như một số người hy vọng căng thẳng giữa Mỹ và Iran sẽ chấm dứt sau khi ông Trump rời Nhà Trắng, sự thù địch nhắm vào Tehran "không chỉ đến từ nước Mỹ dưới thời ông Trump" vì điều tương tự đã xảy ra dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, lúc mà ông Biden là phó tổng thống.
Đại giáo chủ Ali Khamenei xuất hiện trên sóng truyền hình nhà nước Iran hôm 16-12. Ảnh: REUTERS
Dù hoài nghi về sự thay đổi trong chính sách của Washington, Đại giáo chủ Khamenei cho biết ông không phản đối những nỗ lực của Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhằm kêu gọi Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Tehran.
"Nếu các lệnh trừng phạt có thể được dỡ bỏ, chúng ta không nên trì hoãn bất kỳ giờ phút nào. Nếu các lệnh trừng phạt có thể được dỡ bỏ một cách đúng đắn, khôn ngoan và đáng được tôn trọng, điều này phải được thực hiện" - ông Khamenei nói.
Trước đó, trong cùng ngày 16-12, Tổng thống Rouhani cho biết ông vui mừng khi biết ông Trump sẽ rời Nhà Trắng, song lưu ý rằng Iran cũng "không quá vui mừng" trước việc ông Biden sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Ông Rouhani mô tả ông Trump là "tổng thống vô trật tự nhất của Mỹ". Ông Trump còn bị gọi là "kẻ khủng bố và sát nhân" vì những nỗ lực được cho là nhằm cản trở Iran tiếp cận vaccine ngừa COVID-19.
Thêm 4 công ty bị trừng phạt vì giao dịch dầu mỏ với Iran
Phát biểu của hai nhà lãnh đạo Iran được đưa ra cùng ngày với quyết định mới nhất của Mỹ liên quan tới các lệnh trừng phạt chống Iran.
Ngày 16-12, Bộ Tài chính Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt đối với hai công ty Trung Quốc và hai công ty của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vì những giao dịch với công ty hóa dầu Triliance (Hong Kong) - đối tượng bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt hồi cuối tháng 1.
Bốn công ty bị nêu tên là công ty quản lý tàu biển quốc tế Đông Hải và công ty hóa dầu Đông Nam (Trung Quốc), cùng hai công ty thương mại Alpha Tech FZE và Petroliance FZE (UAE).
Các công ty này sẽ bị phong tỏa tài sản tại Mỹ và cấm giao dịch với các công ty Mỹ. Những đối tác có giao dịch với bốn công ty trên cũng đối mặt với nguy cơ bị Washington liệt vào danh sách trừng phạt.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: GETTY
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục hành động chống lại những ai hỗ trợ ngành dầu mỏ Iran - nguồn thu quan trọng nhất của chính quyền Tehran.
Giới phân tích cho rằng đây là những lực của ông Trump nhằm gia tăng sức ép lên Iran ngay trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tại Nhà Trắng.
Quan hệ giữa Mỹ và Iran đã xấu đi kể từ năm 2018, khi ông Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1. Thỏa thuận này được coi là một di sản của cựu Tổng thống Mỹ Obama.
Đầu năm nay, Tướng Qassem Soleimani, chỉ huy cấp cao của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, bị Mỹ ám sát ở TP Baghdad (Iraq). Điều này càng thổi bùng căng thẳng giữa hai nước.
Sự xuất hiện trước công chúng của Đại giáo chủ Khamenei hôm 16-12 chính là trong cuộc họp chuẩn bị cho sự kiện tưởng niệm một năm ngày Tướng Soleimani bị ám sát.
Những căng thẳng lên tới đỉnh điểm trong suốt năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Trump được dự báo sẽ gây nhiều khó khăn cho ông Biden nếu tổng thống đắc cử Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Iran.