vĐồng tin tức tài chính 365

Bí quyết vượt mọi khủng hoảng của doanh nghiệp 1.000 năm tuổi ở Nhật Bản

2020-12-17 17:10

Gia đình bà Naomi Hasegawa sở hữu một cửa hàng nhỏ bằng gỗ tuyết tùng bán bánh mochi nướng nằm cạnh một ngôi đền cổ ở cố đô Kyoto (Nhật Bản). Cửa hàng này được mở vào năm 1000, bắt đầu với việc kinh doanh nước giải khát phục vụ du khách từ khắp Nhật Bản đến cầu nguyện cho đại dịch chóng qua tại ngôi đền.

Giờ đây, hơn một thiên nhiên kỷ trôi qua, một đại dịch mới mang tên Covid-19 bùng phát, giáng đòn mạnh vào nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch của Kyoto. Tuy vậy, bà Hasegawa không mấy lo lắng về tình hình tài chính của công ty gia đình. 

ƯU TIÊN SỐ MỘT: TRƯỜNG TỒN

Theo New York Times, giống như nhiều doanh nghiệp tại Nhật, cửa hàng nhỏ Ichiwa của gia đình bà Hasegawa có tầm nhìn dài hạn (dài hơn nhiều so với hầu hết số còn lại). Đặt yếu tố truyền thống và sự ổn định lên trên lợi nhuận và tăng trưởng, cửa hàng Ichiwa đã đi qua các cuộc chiến tranh, dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên và mọi thăng trầm của nền kinh tế. Chỉ có một điều không thay đổi là món bánh gạo của cửa hàng. 

Những doanh nghiệp như Ichiwa có thể kém năng động hơn so với doanh nghiệp tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, sức chống chịu của họ lại là bài học cho doanh nghiệp ở những nước như Mỹ - nơi đại dịch Covid-19 đã khiến hàng chục nghìn công ty phá sản. 

"Nếu nhìn vào các giáo trình về kinh tế, doanh nghiệp luôn phải tìm cách tối đa hóa lợi nhuận, mở rộng quy mô, tăng thị phần, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp như Ichiwa lại hoạt động theo các nguyên tắc hoàn toàn khác", Kenji Matsuoka, một giáo sư danh dự tại Đại học Ryukoku, Kyoto, cho biết. "Ưu tiên số một của họ là duy trì hoạt động. Mỗi thế hệ điều hành doanh nghiệp giống như thành viên trong một cuộc chạy đua tiếp vậy. Điều quan trọng là chuyển giao 'cây gậy' cho người chạy tiếp theo". 

Bí quyết vượt mọi khủng hoảng của doanh nghiệp 1.000 năm tuổi ở Nhật Bản - Ảnh 2.

Khung cảnh Kyoto nhìn từ một công viên gần cửa hàng Ichiwa - Ảnh: NYTimes

Nhật Bản là một siêu cường về kinh doanh lâu đời. Nước này hiện có hơn 33.000 doanh nghiệp ít nhất 100 năm tuổi - chiếm hơn 40% tổng số toàn cầu, theo Viện nghiện cứu Centennial Management. Ngoài ra, nước này có hơn 3.100 doanh nghiệp đã hoạt động ít nhất 200 năm, khoảng 140 doanh nghiệp trên 500 tuổi và ít nhất 19 doanh nghiệp được cho là đã tồn tại hơn 1.000 năm. (Một số công ty lâu đời nhất, trong đó có Ichiwa, không thể truy vết thành lập từ nghìn năm trước, nhưng lịch sử của họ được chính phủ và các học giả công nhận).

Những doanh nghiệp này, còn được gọi là "shinise" trong tiếng Nhật, là cội nguồn của niềm tự hào và cả sự mê hoặc. Sản phẩm của họ được chính quyền địa phương hỗ trợ quảng bá, bí quyết thành công của họ được đưa vào trong các giáo trình về quản trị kinh doanh. Và các cẩm nang du lịch địa phương dành nhiều trang để nói về họ. 

KHÔNG THEO ĐUỔI LỢI NHUẬN, TỪ CHỐI MỞ RỘNG KINH DOANH

Hầu hết doanh nghiệp lâu đời, như chiwa, là doanh nghiệp nhỏ của gia đình, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ truyền thống. Tuy nhiên, một vài trong số đó là những doanh nghiệp nổi tiếng nhất tại Nhật, như Nintendo - công ty bắt đầu sản xuất bộ bài 131 năm trước, hay Kikkoman - thương hiệu nước tương ra đời vào năm 1917. 

Theo bà Hasegawa, để tồn tại suốt nhiều thế kỷ, doanh nghiệp không thể theo đuổi lợi nhuận, mà phải đặt mục tiêu cao cả hơn. Trong trường hợp của Ichiwa, mục tiêu đó là phục vụ những người hành hương đến đền thờ ở Kyoto.

Những giá trị cốt lỗi đó, được gọi là "kakun" - nghĩa là "luật gia tộc", trở thành "kim chỉ nam" cho mọi quyết định của doanh nghiệp qua các thế hệ. Tôn chỉ của họ là chăm sóc nhân viên, hỗ trợ cộng đồng và cố gắng tạo ra một sản phẩm khơi dậy niềm tự hào. Với trường hợp của Ichiwa, điều này có nghĩa là chỉ làm một điều thôi và làm thật tốt. Đây là cách tiếp cận kinh doanh rất Nhật Bản, theo nhận định của tờ New York Times. 

Ichiwa đã từ chối nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh, trong đó gần đây nhất là lời mời chào bán hàng trực tuyến qua ứng dụng giao đồ ăn Uber Eats. Mochi vẫn chỉ có duy nhất một món trên thực đơn của cửa hàng. Nếu thực khách muốn uống gì đó, họ sẽ được mời uống trà xanh rang. 

Bánh mochi của cửa hàng Ichiwa đuocwj làm thủ công từ bột đậu nành, sau đó nướng trên than hồng - Ảnh: NYTimes

Trong phần lớn lịch sử của Ichiwa, những người phụ nữ của gia đình Hasegawa đã làm món bánh mochi theo cách giống nhau. Họ luộc gạo trong nước từ một con suối nhỏ đổ vào hầm của cửa hàng, giã thành bột nhão và sau đó nặn thành những viên tròn rồi nướng bằng xiên gỗ trên một bếp gang nhỏ. Món bánh với lớp vỏ mịn màng cùng vị ngọt của mứt miso được phục vụ nóng cho những du khách ghé thăm ngôi đền cạnh cửa hàng. 

Tuy vậy, Ichiwa cũng đã ít nhiều thay đổi theo tình hình thời cuộc. Do đại dịch Covid-19, sở y tế địa phương đã cấm sử dụng nước giếng để chế biến thực phẩm. Do đó, Ichiwa đã sử dụng một máy làm bánh mochi, giúp tiết kiệm nhiều giờ làm việc mỗi sáng. Ngoài ra, sau nhiều thế kỷ giữ nguyên một mức giá, cửa hàng đã điều chỉnh giá món ăn sau Thế chiến thứ 2 và bắt đầu chú trọng hơn tới vấn đề tài chính. 

NÓI KHÔNG VỚI RỦI RO, TÍCH LŨY TIỀN MẶT

Những doanh nghiệp Nhật Bản lâu đời nhất thường nói không với rủi ro và thường tích lũy nhiều tiền mặt. Đây là đặc điểm chung của nhiều doanh nghiệp Nhật và cũng là một trong những lý do khiến nước này có tỷ lệ phá sản thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác như Mỹ. Theo nhà phân tích Tomohiro Ota của Goldman Sachs, kể cả khi kinh doanh có lãi, họ cũng không tăng chi phí vốn. 

Bí quyết vượt mọi khủng hoảng của doanh nghiệp 1.000 năm tuổi ở Nhật Bản - Ảnh 4.

Khách hàng thưởng thức bánh mochi nướng tại cửa hàng Ichiwa - Ảnh: NYTimes

Các doanh nghiệp lớn thường tích trữ đủ lượng tiền mặt để có thể tiếp tục trả lương và tuân thủ các nghĩa vụ tài chính trong cơn suy thoái kinh tế hay khủng hoảng. Và kể cả những doanh nghiệp nhỏ hơn cũng có mức nợ cực thấp và luôn trữ tiền đủ để trang trải 1-2 tháng chi phí hoạt động, ông Ota cho biết.

Khi cần hỗ trợ, họ có thể vay vốn dễ dàng với lãi suất thấp. Nhật Bản duy trì mức lãi suất thấp trong suốt nhiều thập kỷ qua và chính phủ nước này cũng tung ra các gói kích thích kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch.

Các "shinise" nhỏ thường sở hữu trụ sở hoạt động và dùng nhân viên là các thành viên trong gia đình, từ đó giảm chi phí hoạt động và tích trữ được nhiều tiền mặt. 

Theo một khảo sát mới đây với các doanh nghiệp ít nhất 100 tuổi tại Nhật của Toshio Goto - giáo sư Đại học Kinh tế Nhật Bản, giám đốc Viện nghiên cứu Centennial Management, hơn 25% cho biết họ có đủ tiền mặt để hoạt động trong 2 năm hoặc lâu nữa. 

THÁCH THỨC ĐỔI MỚI

Dù vậy, các doanh nghiệp này cũng không tránh được những thách thức của thời cuộc. Nhiều doanh nghiệp lâu đời tại Nhật ra đời trong khoảng 200 năm bắt đầu vào thế kỷ 17, khi Nhật Bản đóng cửa với thế giới bên ngoài và tạo ra môi trường kinh doanh ổn định trong nước. Tuy nhiên, trải qua thế kỷ 20, những doanh nghiệp còn sót lại buộc phải tìm cách cân bằng giữa việc bảo tồn các giá trị truyền thống và thích nghi với điều kiện kinh doanh thay đổi chóng mặt. 

Với một số công ty, đó là điều chỉnh hoạt động kinh doanh cốt lõi. Điển hình là NBK, công ty bắt đầu làm ấm sắt vào năm 1560, giờ đây đang sản xuất các bộ phận máy móc công nghệ cao. Hay Hosoo, hãng kimono 332 năm tuổi ở Kyoto, đã mở rộng sang kinh doanh nội thất gia đình và thậm chí cả hàng điện tử. 

Masaichi Tanaka, chủ tịch đời thứ 70 của Tanaka Iga Butsugu - một nhà sản xuất vật dụng tôn giáo tại Kyoto hoạt động từ năm 885 - Ảnh: NYTimes

Với một số khác, theo kịp thời đại là điều không dễ dàng, đặc biệt với những công ty như Tanaka Iga Butsugu. Công ty này bắt đầu bán các vật dụng liên quan tới Phật giáo tại Kyoto từ năm 885.  Theo Masaichi Tanaka, chủ tịch thế hệ thứ 70 của Tanaka Iga Butsugu, đại dịch gây ra nhiều khó khăn nhưng thách thức lớn nhất của công ty là xã hội già hóa và thị hiếu thay đổi tại Nhật. 

Một số công ty đã phải đóng cửa vì chủ nhân không thể tìm được người kế nghiệp. Với ông  Tanaka, việc tìm người thay thế các nghệ nhân của công ty ngày càng khó khăn. Việc kinh doanh cũng sa sút khi ngày càng ít người đến những ngôi chùa mà công ty cung cấp vật dụng. Và nhà mới xây hầu như không dành chỗ để đặt những vật dụng này - thứ vốn chiếm vị trí đặc biệt trong một gian phòng truyền thống của Nhật. 

"Trong truyền thống tôn giáo, không có nhiều chỗ dành cho sự sáng tạo đổi mới", ông Tanaka cho biết. 

Khác với Tanaka Iga Butsugu, cửa hàng Ichiwa không phải lo lắng về những điều này. Doanh nghiệp nhỏ này được điều hành bởi một gia tộc lớn và nhân viên chỉ cần một kỹ năng đặc biệt duy nhất là khả năng chịu nóng khi nướng mochi.

Dù vậy, bà Hasegawa, 60 tuổi, thừa nhận rằng đôi lúc bà cảm thấy áp lực với chính lịch sử của cửa hàng.  

"Dù công việc kinh doanh không mang lại nhiều thu nhập, nhưng mọi người trong gia đình từ khi còn nhỏ đã được dạy rằng chỉ cần còn sống, thì phải tiếp tục kinh doanh", bà Hasegawa chia sẻ. "Chúng tôi tiếp tục bởi vì không muốn trở thành người bỏ cuộc". 

Xem thêm: mth.89712832290210202-nab-tahn-o-iout-man-0001-peihgn-hnaod-auc-gnaoh-gnuhk-iom-touv-teyuq-ib/nv.ymonocenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bí quyết vượt mọi khủng hoảng của doanh nghiệp 1.000 năm tuổi ở Nhật Bản”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools