Ngày 18-12, tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm triển khai đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) trong ngành y tế và khen thưởng các tập thể cá nhân có nhiều nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của nghề.
Tổng kết 10 năm triển khai đề án, BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết từ năm 2015, BV đã kiện toàn đơn vị Y xã hội thành Phòng Công tác Xã hội (CTXH).
Phòng CTXH đã triển khai mới liên tục các hoạt động hằng năm nhằm phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn như: chỉnh trang khu đón tiếp giúp đỡ người bệnh tại khu khám bệnh, nâng cấp khu vực phát suất ăn miễn phí cho thân nhân người bệnh thành “bếp yêu thương”, tổ chức trực tiếp các trận bóng đá của đội tuyển Việt Nam, chuỗi hoạt động giúp bệnh nhân hóa trị được phục vụ như hành khách hạng thương gia trên một chuyến bay...
"Bếp yêu thương" của Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp 5.000 suất ăn miễn phí cho thân nhân người bệnh. Ảnh: HL
“Một ngày phòng CTXH của BV lo khoảng 5.000 suất ăn miễn phí cho thân nhân người bệnh. Hoạt động này đã triển khai được 12 năm qua và chưa có lần nào người nhận bị phản ứng ngộ độc thức ăn”, BS Thức chia sẻ về một trong những hoạt động nghĩa tình do phòng CTXH thực hiện tại BV.
Nhìn lại chặng đường 10 năm phát triển nghề CTXH trong ngành y tế, PGS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Y tế nhìn nhận cơ sở khám chữa bệnh là môi trường đặc biệt, thầy thuốc và người bệnh đều căng thẳng, mệt mỏi, cần sự hỗ trợ, giúp đỡ.
Qua 10 năm triển khai đề án, hiện nay có 100% BV tuyến Trung ương đều có phòng CTXH trong BV, nhiều BV tuyến tỉnh và quận, huyện đều có đơn vị CTXH.
Bộ phận CTXH phát huy vai trò hỗ trợ, chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giải quyết các vấn đề tâm lý, xã hội cho người bệnh và thân nhân, nắm bắt tình hình sức khỏe tâm lý, hoàn cảnh của người bệnh để xây dựng phương án và tìm nguồn hỗ trợ cho bệnh nhân...
Tuy nhiên, PGS Tuấn Hưng cũng nhìn nhận CTXH trong ngành y tế vẫn còn là một lĩnh vực mới tại Việt Nam, sự quan tâm của các giám đốc BV về nghề CTXH chưa tương xứng, các BV vẫn còn thiếu nhân lực được đào tạo bài bản về CTXH, cơ sở pháp lý chưa đủ mạnh để phát triển nghề CTXH trong y tế.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận xét nhân viên các đơn vị CTXH trong ngành y tế ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trao bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có đóng góp cho sự phát triển ngành công tác xã hội. Ảnh: ĐH
“Các nhân viên CTXH ghi nhiều dấu ấn khi không chỉ kêu gọi nguồn kinh phí chữa bệnh cho bệnh nhân hiệu quả mà còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như tổ chức tiếp đón, tư vấn, giúp người bệnh yên tâm điều trị tại BV cho đến hướng dẫn cho bệnh nhân khi ra viện.
Trong các đợt dịch COVID-19, nhân viên CTXH còn phát huy vai trò truyền thông, hướng dẫn, phân luồng giúp phòng ngừa dịch bệnh; kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ trang thiết bị y tế chống dịch tích cực” - Thứ trưởng Bộ Y tế nhận xét.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị sắp tới cần cần xây dựng các quy định rõ ràng về trợ giúp xã hội và nghề CTXH như tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, phạm vi hoạt động trong từng loại cơ sở y tế...
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng và tài liệu truyền thông về CTXH; nâng cao kiến thức kỹ năng về nghề CTXH cho nhân viên CTXH; bố trí kinh phí hợp lý để phát triển các hoạt động CTXH trong BV...