Úc siết chặt quản lý phi công, tiếp viên để phòng Covid-19
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Bắt đầu từ ngày 21-12, phi hành đoàn từ các hãng hàng không quốc tế đến Sydney phải ở tại hai khách sạn được chỉ định gần sân bay, thay vì 30 khách sạn khắp thành phố như trước đây. Cảnh sát bảo vệ kỹ hai khách sạn trên, nhằm bảo đảm việc phi công và tiếp viên tuân thủ các quy định.
Hàng dài người chờ xét nghiệm ngày 18-12 tại Sydney. Chính phủ các tiểu bang kêu gọi tất cả mọi người từng đến các bãi biển phía Bắc Sydney từ hôm 11-12 đi xét nghiệm. Ảnh: AAP |
Kinh nghiệm của bang Victoria trong kiểm soát chặt và xét nghiệm mọi nhân viên làm việc tại khách sạn cách ly mỗi ngày có thể được áp dụng toàn quốc.
Đây là nỗ lực mới nhất của chính phủ Úc sau vụ bùng phát ổ dịch ở Sydney khi chỉ còn vài ngày nữa là đến Giáng sinh và Úc sẽ thực hiện bong bóng du lịch với New Zealand từ đầu năm mới 2021.
Không có Giáng Sinh vui vẻ
Theo cơ quan y tế tiểu bang New South Wales (NSW Health), trong hai ngày 18 và 19-12 có tổng cộng 51 ca lây nhiễm mới có liên quan đến một trong hai câu lạc bộ hoặc cả hai ở bãi biển Avalon, Sydney. Trong các thông báo mới nhất của NSW Health và Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian đã kêu gọi người dân Sydney cần cảnh giác cao độ bởi các cơ quan y tế xác định nguy cơ lây lan từ ổ dịch nói trên rất cao do “chưa thể xác định nguồn lây nhiễm”.
Sau hơn hai tuần không có bất cứ ca lây nhiễm cộng đồng mới, sự xuất hiện trở lại của Covid-19 đang trở thành ám ảnh của người dân và doanh nghiệp nước này. Đến tối 18-12, Úc ghi nhận hơn 28.000 ca dương tính và hơn 900 người tử vong vì Covid-19. |
Bang NSW kêu gọi khoảng 250.000 cư dân ở các vùng ngoại ô gần ổ dịch ở nhà trong ba ngày. NSW cũng liệt kê danh sách hơn 30 địa điểm khác có khả năng lây nhiễm virus như như ngân hàng, bưu điện, siêu thị và hiệu thuốc và kêu gọi mọi người đến cơ quan y tế để thực hiện xét nghiệm. Năm tiểu bang khác của Úc cũng đưa ra các giới hạn đi lại đối với những ai đã đến hai địa điểm trên từ ngày 10-12.
Hôm qua, nhiều người đã đổ xô đến sân bay Sydney để tìm cách rời khỏi thành phố trước khi Sydney đóng cửa hoạt động hàng không. Một số du khách sau khi rời Sydney buộc phải thực hiện cách ly 14 ngày tại địa điểm nơi máy bay hạ cánh.
Lệnh hạn chế đi lại giữa các địa phương tại Australia đã làm đổ bể các kế hoạch du lịch Giáng sinh của hàng ngàn người. Trước đó, chính quyền đã mở cửa biên giới giữa các bang, khôi phục các hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó là việc mở cửa biên giới từ đầu tháng 1-2021 giữa Úc và New Zealand sau khi kế hoạch này bị đình hoãn sáu tháng qua.
Các nhà khoa học Úc nói rằng bản đồ gien của chủng virus gây ổ dịch ở Sydney giống với chủng đang gây dịch ở Mỹ. Nhưng họ không xác định được thời điểm chủng này thâm nhập nước Úc và lan truyền ra cộng đồng.
Một khách nhập cảnh vào đầu tháng 12 và hiện đang trong khu cách ly bị nhiễm chủng tương tự ở Mỹ gây ra. Một tài xế ở Sydney được xét nghiệm dương tính trong tuần này và các chuyên gia nói rằng anh có thể bị lây nhiễm khi lái xe chở các phi hành đoàn quốc tế.
Tài xế này bị nhiễm một chủng virus khác, cũng đang hoành hành ở Mỹ. Hiện không có ai bị lây nhiễm từ tài xế và những người tiếp xúc anh đều đang bị cách ly. Các chuyên gia nói rất hiếm có khả năng anh là nguồn lây của ổ dịch Avalon.
Phi hành đoàn của một hãng bay tại sân bay Sydney. Ảnh: AFP |
Các hãng hàng không đều muốn tránh cách ly 14 ngày
Các thay đổi mới đã được thực hiện ngay trong ngày 18-12. Hôm qua, cảnh sát đã phạt 13 tiếp viên và phi công mỗi người 1.000 đô la Úc (khoảng 760 đô la Mỹ). Cảnh sát nói rằng nhiều thành viên phi hành đoàn, ít nhất là một người đến trên chuyến bay từ Nam Phi vào đầu tháng 12, đã rời khách sạn và đến nhiều nơi trong thành phố.
Các chương trình truy vết cũng giúp giới chức tìm ra những người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 và yêu cầu những người tiếp xúc cách ly. Điều này nhanh chóng ngăn mức độ lây lan và bùng phát thành ổ dịch lớn.
Tổng giám đốc Hiệp hội hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA) Subhas Menon nói các hãng hàng không đều muốn né qui định cách ly phi hành đoàn trong 14 ngày như bất cứ du khách nhập cảnh nào khác. Nhưng ông Menon cũng cho rằng việc tăng cường bảo vệ an ninh để “đảm bảo phi hành đoàn phải ở trong khách sạn một hay hai đêm khi chờ chuyến bay kế tiếp là có thể chấp nhận”. |
Nhiều nước khác, bao gồm cả Mỹ, đã không đóng cửa biên giới như Úc và không thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt. Angela Webster, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Sydney, nói rằng với tình hình dịch lan rộng ở Mỹ hiện nay thì phải tính đến chiến dịch tiêm chủng rộng rãi. “Chiến lược cách ly kiểu Úc thật sự không hiệu quả đối với tình hình ở Mỹ”, bà Angela nói với Wall Street Journal.
Áp dụng các chiến lược cách ly với phi hành đoàn là một chuyện đầy tế nhị. Các chuyến bay quốc tế vẫn cần thiết để vận chuyển các mặt hàng quan trọng, có thể bao gồm cả vaccine ngừa Covid-19, cũng như hồi hương công dân Úc ở nước ngoài. Có đến 3.000 tiếp viên đi và đến sân bay Sydney mỗi tuần - theo các quan chức NSW.
“Thật không may là trong một vài trường hợp có người vi phạm các quy định hoặc không chịu tự cách ly khi họ có trách nhiệm như vậy”, Thống đốc NSW Gladys Berejiklian phát biểu.
Không như các hãng hàng không quốc tế, việc tinh giản quy trình và thủ tục cách ly trong 14 ngày với tiếp viên và phi công của các hãng bay nội địa thật sự nan giải. Các hãng luôn than phiền sẽ không đủ tiếp viên và phi công cho các chuyến bay.
Lỗ hổng trong quy trình cách ly tại khách sạn
Các ổ dịch bùng phát từ các khách sạn sử dụng làm nơi cách ly ở NSW, Victoria và South Australia đặt ra thách thức mới cho các nhà khoa học và giới chức trách Úc. Giáo sư Marylouise McLaws, nhà dịch tễ học đồng thời là cố vấn của WHO, thừa nhận với Đài truyền hình ABC của Úc rằng “mọi hệ thống đều có điểm yếu của nó”.
Sau làn sóng bùng dịch lần thứ hai ở tiểu bang Victoria có liên quan đến khách sạn cách ly, Giáo sư McLaws tin rằng “cần phải xem xét kỹ chương trình cách ly tại khách sạn và phân loại khách đến tùy thuộc vào nguy cơ cao hay thấp của quốc gia mà họ xuất cảnh”. Bà cũng kêu gọi các khu vực cách ly phải ở các vùng xa, không nằm trong khu đô thị đông đúc.
Đề cập đến ổ dịch mới ở Sydney, bà McLaws thẳng thắn: “Khi lên kế hoạch quản lý bùng phát dịch, chúng ta phải nhận ra những kẽ hở hay lỗ hổng. Kiểm soát chặt chẽ phi hành đoàn chính là một trong những lỗ hổng đó. Chúng ta cần bịt kín tất cả các nguồn tiềm năng có thể đánh sập cả hệ thống phòng dịch, bao gồm cả yếu tố con người”.
Giáo sư về thống kê sinh học Adrian Esterman của Đại học South Australia cũng chỉ ra những điểm yếu của hệ thống phòng dịch quốc gia. Giáo sư Esterman nói rằng tất cả mọi nhân viên trong hệ thống cách ly tại khách sạn, dù là nhân viên vệ sinh hay đầu bếp hay bảo vệ làm việc theo hợp đồng với chính phủ tiểu bang Victoria hay công ty, đều cần chỉ làm một việc duy nhất tại một điểm duy nhất. Và họ đều phải qua xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày thay vì mỗi tuần. “Tại sao một hệ thống như vậy ở Victoria đã sửa sai và chứng minh là tốt lại không được phổ biến ở các tiểu bang và lãnh thổ khác ở Úc?” – ông Esterman nói với Đài ABC. |
Xem thêm: lmth.91-divoc-gnohp-ed-neiv-peit-gnoc-ihp-yl-nauq-tahc-teis-cu/819113/nv.semitnogiaseht.www