Gia cố chân đê biển Tây khi rừng phòng hộ “thất thủ” - Ảnh: TIẾN TRÌNH
"Lúc bão Linda vừa qua, tôi đi canô từ Khánh Hội đến Rạch Chèo, trên đường còn vớt được tám thi hài đồng bào. Nghĩ xót xa, hòa bình rồi mà dân mình còn chết khổ như vậy. Mình phải quyết làm cho được con đê để dân yên ổn mưu sinh…" - ông Ba Cầu (Võ Văn Cầu - nguyên giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Minh Hải - nay là Cà Mau, Bạc Liêu) nói về tâm huyết để có con đê ven biển Tây bảo vệ cuộc sống của hàng trăm ngàn dân.
Làm xong đê, lại… cứu đê
Ông Nguyễn Long Hoai, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, nhớ lại năm 1982 ra trường được phân công về làm thủy lợi ở huyện Trần Văn Thời. Thời gian đó, dân thủy lợi hễ tới mùa gió tây nam là lo. Mỗi đêm, từ các xã lại báo về tình trạng "thất thủ" của đê biển Tây.
"Hãy tưởng tượng đê như một bức tường thành mỏng manh. Bị sóng gió công phá hoài thì làm sao chịu nổi" - ông Hoai nói. Anh em thủy lợi lại tức tốc băng ra điểm nóng. "Có khi be bờ chỗ này chưa xong thì chỗ khác lại báo bể đê, tràn đê…". Ký ức những năm tháng bước chân vào ngành thủy lợi của ông là những đêm trắng cứu đê.
Tiếp giáp với Cà Mau, bờ biển chạy về hướng tây bắc qua các huyện An Minh, An Biên, Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Lương, Hà Tiên qua những khu rừng, những xóm dân, đô thị… cũng chịu cảnh biển tấn công, dân tình khó yên ổn làm ăn.
Lúc đó, tỉnh Kiên Giang cũng huy động sức người, sức máy để đắp bờ bao ngăn sóng biển. Ông Nguyễn Thanh Hùng (xã Đông Thạnh, An Minh, Kiên Giang) nói lời kêu gọi đắp đê biển Tây rất được người dân hưởng ứng. "Lúc đó, rừng mắm còn nằm biệt ngoài kia. Nhà tôi có 17 công, tôi đăng ký đào đoạn đê cao 3m, dài 4m và đào vài ngày là xong".
"Ngày trước điều kiện máy móc còn hạn chế, nên làm con đê biển Tây cũng vất vả vô phương. Trước đó, ven biển Tây nhiều đoạn cũng đã có bờ bao ngăn mặn do dân công làm. Mỗi năm, chỗ nào thấp thì bồi trút lên thêm. Đến năm 1986 thì tỉnh có chủ trương nâng cấp bờ bao ven biển Tây thành con đê. Lúc đó chúng tôi mừng, hi vọng thoát cảnh bể đê, nước tràn bờ…" - ông Nguyễn Long Hoai nhắc lại.
Chiều dài con đê từ Rạch Chèo đến Tiểu Dừa giáp ranh giữa tỉnh Cà Mau với tỉnh Kiên Giang là 108 cây số, chạy qua ba huyện Cái Nước (nay là huyện Phú Tân), Trần Văn Thời, U Minh. Một thời gian, phần lớn những chiếc xáng cạp từ các nơi được điều động ra vùng ven biển Tây.
Phần việc nào tỉnh làm thì làm, còn lại thì các huyện chia nhau làm. Trong các huyện kể trên, huyện Trần Văn Thời có đội xáng hùng hậu nhất, vì huyện này có "xí nghiệp xáng". Khi làm xong phần đê chạy qua địa bàn Trần Văn Thời, những chiếc xáng cũng được điều động sang hỗ trợ cho huyện Cái Nước, U Minh. "Lúc ấy, cả dải biển Tây là một công trường" - ông Hoai nhớ lại.
Nói là hoàn thành đê biển, nhưng lúc đó kỳ thực chỉ định hình tuyến bao ven biển Tây. Nhiều đoạn chỉ là con đập ngăn mặn.
Ông Tô Quốc Nam, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, nhớ ngày chưa có con đê, nước tràn qua ruộng vườn của dân. Khi có đê rồi thì phía ngoài dân bao bờ nuôi tôm, bên trong phát hoang trồng lúa.
Phía ngoài vành đai rừng phòng hộ lấn ra biển cả cây số. Rừng làm giảm áp lực sóng, che chở cho đê, cũng là môi trường sinh kế của dân ven biển. Một viễn cảnh đẹp về một vùng rừng biển yên bình, có đê che chắn mưu sinh dần hiện diện…
Xuồng ghe ngư dân neo đậu ven đê biển Tây - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Con đê Trung ương
Mắt ông Ba Cầu như sáng rực lên khi có người tìm đến hỏi chuyện đê biển Tây. Hưu trí đã mấy mươi năm rồi, nhưng ông nói không bỏ sót bản tin nào nhắc đến tình hình con đê mà ông coi là tâm đắc nhất trong cuộc đời làm lãnh đạo ngành nông nghiệp ở xứ cùng trời cuối đất.
"Ngày trước tôi cứ canh cánh hoài. Một vùng đất mênh mông thiên địa mà dân lại thiếu ăn. Tôi cùng ông Mười Kỹ, ông Bảy Nông đưa hàng ngàn dân xuống đó, cấp đất, lập nông trường. Nhưng chẳng được bao lâu thì dân bỏ chạy hết. Hồi chiến tranh, giặc giã, dân còn không chạy, hòa bình mà dân lại sống không được thì vô lý" - ông Ba Cầu nói khát khao của ông lúc đó là có được con đê kiên cố ngăn mặn để người dân sống vùng gần biển có thể canh tác.
Tuy nhiên, ý kiến của ông lúc đó vấp phải phản đối của một vài cán bộ cấp trên.
Lúc đó cũng có người nói nếu làm đê giữ nước ngọt bên trong thì e sẽ có tác động tiêu cực lên hệ sinh thái rừng ngập ven biển.
"Cũng có ý kiến muốn giữ rừng để giữ bờ bãi. Tuy nhiên, ý tôi làm con đê phía bên trong rừng phòng hộ ven biển thì không tác động lên rừng, vừa giảm được áp lực sóng, giữ nước ngọt cho người dân. Chứ "lôi" nước ngọt từ sông Mekong về làm sao tới. Mà dân ở đây làm sao cứ lấy nước ngầm lên xài vậy hoài được" - ông Ba Cầu phân tích.
Cứ vậy mà chuyện con đê trở thành đề tài tranh luận một thời gian dài. Phía ủng hộ gồm có ông Ba Cầu cho rằng mỗi năm cứ đến mùa nước mặn thì lại tốn bao nhiêu sức người, sức của đi be bờ, hộ đê. Chưa tính đê bị vỡ thì tài sản của dân cũng bị thiệt hại theo.
"Tôi nói vùng bán đảo Cà Mau này nếu không chặn được nước mặn thì trống trắng, đừng nói là mần ăn gì…" - ông Ba Cầu nói.
Tuy nhiên, khi những người chủ ý xây đê kiến nghị làm đê kiên cố thì vấp phải phản đối. Ông Ba Cầu nói thậm chí khi ông trình bày ý tưởng nâng cấp đê biển Tây thì một vị lãnh đạo nói thẳng "chú nói ngược ý tôi".
Cho đến cơn bão Linda 1997. Ông Ba Cầu kể bão vừa ngớt, ông chạy canô từ vàm Khánh Hội (huyện U Minh) đến Rạch Chèo (huyện Phú Tân), trên đường đã dừng lại vớt tám thi thể đồng bào gặp nạn trong cơn bão.
Dân sống ven biển Tây một thời cứ cất nhà sàn, chòi canh trên vùng biển cạn. Và khi có bão tố thì không chỉ những người ngoài biển mà cả xóm dân ven bờ như họ cũng phải gánh chịu nặng nề.
"Tôi muốn làm con đê cho đàng hoàng, xong rồi mình dời dân vào phía trong đê, bên ngoài mình giữ rừng để che chắn" - ông Ba Cầu nhớ lại. Mà trong rủi có may, ông Ba Cầu kể: "Sau bão, Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn xuống coi tình hình người dân vùng ven biển Cà Mau chịu thiệt hại thế nào.
Ông tận mắt thấy cảnh sóng biển chồm vô đất liền bốn năm cây số, rau màu, ruộng lúa của dân bị thất trắng. Lúc này, tôi và các lãnh đạo tỉnh trình bày ý tưởng kiên cố hóa con đê biển Tây đủ sức bảo vệ đất sống của dân. Với thực tế trước mắt, ông Nguyễn Công Tạn mới tán thành chủ trương này".
Sau đó, tỉnh Cà Mau đề xuất Chính phủ đồng ý xây dựng đê biển Tây qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu làm con đê có mặt rộng 6m, chân đê rộng 12m. Cùng lúc đó là điều toàn bộ dân sống ngoài biển vào phía trong đê.
Giai đoạn 2 thì nâng độ lớn của con đê gấp đôi. Đề xuất cơ bản được chấp thuận. "Mừng lắm, lúc đó tôi đích thân đi cặm mốc. Vẽ thiết kế thì Bộ Nông nghiệp cử cán bộ vào. Họ vẽ nhưng cũng tham khảo ý kiến của mình, của người dân.
Riêng chuyện đào đất đắp đê, lấy đất bên trong đê hay bên ngoài đê, chúng tôi đề xuất đào bên ngoài. Tàu ghe của dân đi biển sẽ ra vào bằng đường con mương đào này". Thực tế những con mương đào này rất hữu dụng, vì tàu ghe của dân ra vào, neo đậu cũng men theo những con mương này.
Con đê mới được dân địa phương gọi là đê Trung ương. Qua mỗi thời kỳ, con đê biển Tây lại có những cái tên: đê Dân quân, đê Quốc phòng, đê Trung ương.
Đê biển Tây ở Cà Mau với nhiệm vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ngăn triều cường, nước biển dâng và gió bão..., bảo vệ khoảng 26.160 hộ dân sinh sống ven biển, 128.972ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản; đặc biệt là vùng sinh thái ngọt, trong đó có Vườn quốc gia U Minh Hạ.
Từ biển bồi, "mấy trăm đời lấn luôn ra biển", những năm gần đây biển đã quay đầu tàn phá đất liền.
Kỳ tới: Khi biển Tây cuồng nộ
TTO - Đào đắp, sạt lở, khắc phục, lại sạt lở... Đó là dòng thời sự nóng về vành đai nhân tạo bảo vệ đất và người ven biển các tỉnh cuối đất phương Nam.