Quyết định trả hồ sơ của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về vụ "giả mạo trong công tác" tại Trường ĐH Đông Đô ghi rõ, đồng thời nêu rõ cần phải xử lý người dùng bằng cấp gian dối.
Trong danh sách những người sở hữu bằng giả của ĐH Đông Đô, đã xác định có những người có uy tín, giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban ngành, nhiều người đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh, tại sao đến giờ chưa chịu công khai?
Câu hỏi vang lên khắp các diễn đàn và có người đã phân trần việc công khai phải rất thận trọng. Bởi lẽ có thể có người không biết đó là bằng giả mà chỉ nghĩ đây là chỗ học dễ có bằng hơn nơi khác, có thể họ cũng tin tưởng Bộ GD-ĐT công bố chỉ tiêu cho trường nghĩa là đã cho phép đào tạo...
Nhưng dù có thận trọng, kỹ lưỡng đến mấy thì những người có động cơ ngay từ đầu "không học mà có bằng" lại khác. Từ danh sách thu tại ĐH Đông Đô về hơn 600 người được cấp văn bằng 2 tiếng Anh, đã xác định 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo. Nghĩa là không học, không thi, nhưng lại ung dung mang bằng cấp đi thi công chức, làm thạc sĩ, tiến sĩ, nâng ngạch thanh tra viên...
Vì vậy, phải công khai ngay danh tính, thu hồi toàn bộ bằng cấp và những lợi ích đi theo văn bằng cũng phải hủy bỏ. Công chức hay thạc sĩ, tiến sĩ đều là những vị trí đi liền với những yêu cầu đòi hỏi cao hơn về đạo đức, về trách nhiệm, không thể gian dối để học cao hơn, leo sâu hơn vào hệ thống công quyền.
Thực tế, trong khi những chứng chỉ quốc tế như TOEFL, IELTS... chỉ có giá trị trong hai năm khi nộp hồ sơ ứng tuyển thì văn bằng 2 lại có giá trị vĩnh viễn. Vậy nên chẳng phải đến khi ĐH Đông Đô "lộ sáng" mới hở ra chuyện nhộn nhạo "thị trường" mua bán bằng cấp. Thi công chức, viên chức, làm thạc sĩ, tiến sĩ... đều đòi hỏi tiêu chuẩn ngoại ngữ. Nhu cầu quá lớn và thị trường giáo dục tìm cách "thích nghi" để đáp ứng.
Dù Bộ GD-ĐT khẳng định "không buông lỏng quản lý", nhưng sự không rành mạch, kém liên thông, vụ này không cho mở ngành, vụ kia lại thông báo chỉ tiêu cho chính ngành chưa được mở ấy đã cho thấy sự rời rạc, lỏng lẻo của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Hệ quả rành rành ở ĐH Đông Đô vì thế lại tiềm ẩn nỗi bất an liệu còn trường nào khác đang ngấm ngầm làm ăn bất chính, tranh thủ sự lơi lỏng trong quản lý?
Liều thuốc giải chính là công khai. Cần thanh tra, kiểm tra toàn bộ việc đào tạo ngoại ngữ văn bằng 2 ở các trường. Đây là cơ hội để sửa chữa khuyết tật của những quy định hiện hành, răn đe những người chạy theo bằng cấp, gian dối trong giáo dục và trong công tác cán bộ.
"Một nền giáo dục lành mạnh trước hết hãy khoan dạy những cái cao siêu, mà nên tập trung dạy người học sống lương thiện và trung thực", cố giáo sư Hoàng Tụy trong một lần chia sẻ với Tuổi Trẻ đã nhắn nhủ những lời gan ruột để hướng đến một nền giáo dục thực chất, một xã hội minh bạch. Muốn thế, mọi gian dối phải được xử lý tận gốc, chứ không phải chỉ ở phần ngọn, nửa vời.
TTO - Cần công khai danh tính những trường hợp biết sai mà vẫn làm, cố tình mua bằng để phục vụ các mục tiêu khác nhau. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà giáo về phương án xử lý những người mua bằng tại Trường ĐH Đông Đô.
Xem thêm: mth.35152517012210202-cog-nat-ux-iahp-iod-naig-irt/nv.ertiout