Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 24-11 đã khởi công dự án đóng tám tàu ngầm nội địa mới tại nhà máy đóng tàu Cao Hùng và gọi đây là "cột mốc lịch sử" trong việc phát triển năng lực phòng thủ của Đài Loan. Chiếc đầu tiên trong tổng số tám tàu ngầm sẽ được bàn giao vào năm 2025.
Đài CNN ngày 21-12 nhận định động thái trên của Đài Loan có thể sẽ khiến bất kỳ kế hoạch quân sự tiềm tàng nào của Trung Quốc nhắm đến hòn đảo này trở nên khó khăn hơn "ít nhất trong 20 năm tới".
Trong bất kỳ nỗ lực tấn công nào, các tàu Trung Quốc đều phải vượt qua eo biển Đài Loan. Đó là lý do giới phân tích cho rằng hạm đội tàu ngầm tương lai của Đài Loan có thể tạo nên sự khác biệt lớn.
Hạm đội “vũ khí tàng hình”
Tàu ngầm vẫn là một trong những nền tảng “vũ khí tàng hình” hàng đầu thế giới và có thể gây thiệt hại nặng nề cho hạm đội của đối phương.
Các tàu ngầm của Đài Loan dự kiến sẽ sử dụng động cơ diesel-điện thay vì động cơ hạt nhân như hải quân Mỹ đang sử dụng, theo đó giúp giảm chi phí vận hành và tăng khả năng hoạt động êm ái của tàu.
Đài Loan có kế hoạch đóng một hạm đội gồm tám tàu ngầm diesel-điện. Ảnh: EPA-EFE
Việc được trang bị pin lithium-ion giúp tàu có thể hoạt động gần như “im lặng” dưới nước, tránh sự phát hiện của quân đội Trung Quốc, từ đó có điều kiện ẩn náu ở eo biển và bất ngờ tấn công các tàu Trung Quốc đang tiếp cận hòn đảo.
“Khả năng tác chiến chống tàu ngầm (ASW) của Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Ngay cả các nước như Mỹ hay Nhật cũng sẽ gặp khó khăn khi săn tìm tàu ngầm ở vùng nước nông, pha lẫn rất nhiều tạp âm” - chuyên gia về tác chiến tàu ngầm Owen Cote, phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Massachusetts, nhận định.
Hiện chưa rõ tàu ngầm của Đài Loan sẽ sử dụng những công nghệ nào. Trước đó, Mỹ hồi tháng 5 đã thông qua gói bán 18 ngư lôi MK-48 Mod6 trị giá 180 triệu USD cho Đài Loan. Ngư lôi này với đầu đạn lớn đến 1.000 kg có thể tiêu diệt cả những tàu lớn trên mặt nước như tàu sân bay.
"Việc trúng phải ngư lôi, đặc biệt là loại hiện đại như Mark-48 của Mỹ, sẽ là một thiệt hại lớn đối với lực lượng tàu đổ bộ Trung Quốc, nhất là các đơn vị cấp tiểu đoàn. Do đó, Trung Quốc sẽ không muốn mạo hiểm huy động tàu đổ bộ trừ khi vô hiệu hóa được các tàu ngầm của Đài Loan” - ông Carl Schuster, nhà phân tích tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii, nhận định.
Bên cạnh việc sử dụng ngư lôi của Mỹ, tàu ngầm Đài Loan dự kiến sẽ được tích hợp các công nghệ hàng đầu khác của Mỹ và Nhật, các chuyên gia cho biết thêm.
Sức ép đối với Đài Loan
Kế hoạch xây dựng hạm đội tám tàu ngầm cỡ lớn của Đài Loan – dự kiến có lượng choáng nước từ 2.500 đến 3.000 tấn - được cho là bước đột phá của hòn đảo này, song cũng đặt ra thách thức lớn liên quan vấn đề kinh nghiệm đóng tàu ngầm.
Tập đoàn đóng tàu Đài Loan (CSBC) đã nhận dự án trên vì hòn đảo này không tìm được đối tác nước ngoài đóng tàu ngầm.
Ông Timothy Heath – nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại tổ chức RAND Corporation (Mỹ) – cho biết: “Trong bối cảnh vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong chế tạo tàu ngầm tiên tiến, nếu Đài Loan có thể đóng những chiếc tàu ngầm này, đó là một thành công lớn”.
Theo chuyên gia Schuster, Đài Loan sẽ phải vừa nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, vừa đồng thời tiến hành đóng tàu. Do đó, phải sau năm 2030, Đài Loan mới có thể đưa đầy đủ tám tàu ngầm vào hoạt động.
Tuy nhiên, ngay cả khi dự án này thất bại hoặc bị trì hoãn, các nhà phân tích cho rằng Đài Loan vẫn có những biện pháp phòng thủ quan trọng khác nhằm đối phó Trung Quốc.
“Đài Loan hiện sở hữu nhiều tên lửa chống hạm, bao gồm tên lửa Harpoon của Mỹ, cũng như thủy lôi và tàu ngầm hạng trung. Sự xuất hiện của tàu ngầm thế hệ mới sẽ khiến kế hoạch tấn công đổ bộ của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn bao giờ hết” – ông Sidharth Kaushal, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quân sự Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định.
Cán cân sức mạnh quân sự tại eo biển Đài Loan
Theo các nhà phân tích, xét về lâu dài, Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế trong cán cân quân sự ở eo biển Đài Loan khi sở hữu một số lượng lớn tàu ngầm, tàu chiến, tên lửa phóng từ mặt đất, máy bay ném bom và máy bay chiến đấu.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: REUTERS
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc dự kiến sẽ có từ 65 đến 70 tàu trong tương lai.
Phía Trung Quốc nhấn mạnh việc nước này đưa máy bay tác chiến chống ngầm Y-8 vào biên chế của hải quân trong những năm gần đây có “ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực chiến đấu chống ngầm của quân đội”.
Về vai trò của Mỹ, chuyên gia Timothy Heath tại tổ chức RAND Corporation cho biết: “Nỗ lực sản xuất tàu ngầm nội địa và đầu tư vào khả năng phòng vệ của Đài Loan giúp Mỹ dễ dàng hơn trong việc đề ra phương án hỗ trợ hòn đảo này nếu Trung Quốc tấn công”.
“Cuối cùng, Mỹ vẫn phải có trách nhiệm hỗ trợ Đài Loan. Nếu Mỹ không can thiệp, Trung Quốc sẽ tìm cách vô hiệu hóa cả tám tàu ngầm của hòn đảo này” - ông Heath nói.
Chuyên gia Schuster kết luận: “Hạm đội tàu ngầm Đài Loan sẽ đóng vai trò răn đe hiệu quả trong ít nhất 20 năm tới, giúp truyền tải thông điệp đến Trung Quốc rằng cái giá mà nước này phải trả nếu muốn kiểm soát hòn đảo là rất lớn”.