Bệnh nhân đăng ký khám bệnh BHYT tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
"Tổ chức đặt lịch hẹn khám bằng các hình thức điện thoại, qua trang tin điện tử của bệnh viện hoặc các phần mềm kết nối với bệnh viện để bảo đảm phục vụ chất lượng, hiệu quả, giảm thời gian chờ đợi, tránh quá tải" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có yêu cầu như trên trong chỉ thị ban hành hôm nay 21-12.
Theo chỉ thị, các bệnh viện tỉnh tăng cường quản lý chất lượng, có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, có quy định tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú phù hợp với yêu cầu chuyên môn, điều kiện trang thiết bị và nhân lực của bệnh viện, không chỉ định điều trị nội trú các trường hợp không thực sự cần thiết.
Bệnh viện cũng phải sắp xếp, bố trí số giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị và nhân lực hiện có để phù hợp với khả năng cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở.
Trường hợp bệnh viện tăng số giường bệnh thực kê nhiều hơn so với số giường kế hoạch được phê duyệt, giảm tình trạng nằm ghép, bệnh viện phải bổ sung số lượng nhân lực kịp thời tương ứng.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng giao giám đốc các sở y tế giám sát hoạt động chuyên môn, kiểm soát các chỉ định nhập viện nội trú.
Theo Bộ Y tế, từ ngày 1-1-202, bệnh nhân chữa bệnh nội trú trái tuyến tại cơ sở y tế tuyến tỉnh được chi trả như bệnh nhân đúng tuyến, thay vì chỉ được chi trả 60% chi phí như hiện hành. Theo ông Lê Văn Khảm - vụ trưởng Vụ Bảo hiểm (Bộ Y tế), quy định này chỉ áp dụng với bệnh nhân điều trị nội trú (nhập viện điều trị, không áp dụng với bệnh nhân khám ngoại trú).
Ngoài ra, khi số tiền cùng chi trả trong năm vượt quá 6 tháng lương cơ sở thì bệnh nhân không được hưởng quyền lợi như khám chữa bệnh đúng tuyến.
"Quy định này áp dụng tới bệnh viện tuyến tỉnh, các bệnh viện trung ương nằm trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ vẫn thực hiện như hiện hành" - ông Khảm cho biết.
Năm 2016 đã bắt đầu thực hiện thông tuyến tại cơ sở y tế tuyến huyện, làm động lực để các bệnh viện huyện nâng chất lượng chuyên môn, cạnh tranh bằng chất lượng. Lần này thực hiện thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế với mục tiêu cũng là tạo động lực để bệnh viện tuyến tỉnh nâng chất lượng chuyên môn.
Tuy nhiên cũng có lo ngại sẽ tăng chỉ định nhập viện điều trị nội trú, hoặc bệnh nhân đổ xô đến các bệnh viện có chất lượng tốt nhưng vốn đã quá tải, từ đó nguy cơ lại giảm chất lượng khám chữa bệnh.
TTO - Từ 1-1-2021, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện thông tuyến tỉnh nội trú trên toàn quốc. Bệnh nhân tỉnh BHYT không cần có giấy chuyển tuyến khi điều trị nội trú tại TP.HCM vẫn được chi trả 100% BHYT