Diana Prince (Gal Gadot) và Steve (Chris Pine) - chuyện tình vượt thời gian - Ảnh: WARNER BROS
Rõ ràng phim có nhiều nhược điểm. Trước hết, kịch bản phim không tốt khi đường dây câu chuyện yếu, cái kết đuối. Phim là "bom tấn" siêu anh hùng được đầu tư 200 triệu USD nhưng kỹ xảo thiếu chân thực và hoành tráng, có cảnh lộ rõ sạn. Các nhân vật, đặc biệt là tuyến phản diện, biến chuyển tính cách chưa rõ ràng và thiếu hợp lý. Thông điệp "quyền nữ" hơi lên gân.
Tổng thể, phim tràn ngập tinh thần hướng thiện nhưng khá giáo điều.
Hollywood bí ý tưởng
Sự loay hoay của Wonder Woman 1984 là một biểu hiện của tình trạng bí ý tưởng của Hollywood. Dường như Hollywood đang cố gắng bán các phim "bom tấn" nhờ tình yêu có sẵn của khán giả với các siêu anh hùng chứ không phải đầu tư cho cốt truyện thực sự chất lượng. Nữ siêu anh hùng Diana Prince (Gal Gadot hóa thân) sống đẹp như một đóa hoa, yêu hết mình bằng bản năng đàn bà, dịu dàng và bao dung. Khán giả yêu Diana Prince và yêu Gal Gadot, nhưng "chị đẹp" cần những cuộc phiêu lưu đắt giá hơn nữa.
Nhưng bên cạnh đó, không thể không ghi nhận thông điệp nhân văn và khá sâu sắc của Wonder Woman 1984: lòng tham chính là cái ác tồn tại trong mỗi con người; con người nên cẩn thận với điều ước của mình vì khi ta ước thứ gì ngoài tầm với, đó đều là lòng tham.
Nhân vật phản diện của phim không phải là hai kẻ ác như số đông nghĩ, mà chính là lòng tham. Từ những kẻ ác đến người lương thiện và kể cả nữ siêu anh hùng cao đẹp của chúng ta, ai ai cũng có những mong ước vị kỷ, ích kỷ và phải trả giá.
Trên hành trình truy tìm sự thật về viên đá may mắn biến mọi điều ước thành sự thật, Wonder Woman phát hiện ra mỗi khi viên đá xuất hiện là một nền văn minh trong lịch sử lại lụi tàn. Đó là thông điệp rất sâu sắc, không hề tầm thường của bộ phim: khi con người được thỏa mãn mọi lòng tham, kể cả những ước muốn tàn ác, nhân loại chỉ có một con đường là diệt vong mà thôi.
Một thông điệp như thế không đáng bị đánh giá thấp, không đáng bị cho là sến hay cũ kỹ. Thông điệp đó cần chúng ta soi chiếu. Vì trong thực tế, ngay lúc này đây, lòng tham có thể vẫn đang chi phối rất nhiều người trong chúng ta. Và ngày ngày, chúng ta vẫn đang trả giá như các nhân vật trong phim mà không hề hay biết.
Khi siêu anh hùng yêu say đắm và tận hiến
Một dấu ấn sâu đậm khác trong tâm trí khán giả là hình ảnh một nữ siêu anh hùng có thiên tính nữ mãnh liệt, rất đàn bà, với tình yêu say đắm, dịu dàng và tận hiến với người tình của mình, với nhân loại, với cuộc sống.
Vào năm 1984, nghĩa là khoảng 70 năm sau khi chàng phi công Steve Trevor (Chris Pine đóng) qua đời, Diana vẫn sống cô độc. Tình yêu thủy chung và bền bỉ của cô được Gal Gadot diễn tả cảm động. Và Steve cũng đáp lại bằng tình yêu cao thượng. Để rồi, cuộc đối thoại vừa căng thẳng vừa giằng xé giữa Diana và Steve (vừa sống lại) là cảnh cảm động nhất phim.
Khán giả có thể cảm nhận thêm tính nữ của Wonder Woman nhờ vẻ đẹp đặc biệt của Gal Gadot. Gọi Gal bằng hai chữ "mỹ nhân" là không đủ. Cô thực sự là nhan sắc khuynh thành, tuyệt thế. Ánh mắt vô cùng cương nghị nhưng cử chỉ lại rất nhu mì. Đây chính là sự khác biệt của Wonder Woman so với các siêu anh hùng nam giới khác, khiến cô gần gũi với hình ảnh Black Widow. Nhưng Black Widow là cựu điệp viên nên có nét khiêu khích, mưu mẹo và thâm sâu hơn. Còn Diana Prince thánh thiện và có niềm tin rằng lòng tốt sẽ cảm hóa cái ác.
Wonder Woman cũng cho thấy sự đối lập với hình ảnh Captain Marvel, một nữ siêu anh hùng khác trên màn ảnh. Nếu Captain Marvel mang tâm thế đối địch với nam giới và thiên về thể hiện sức mạnh vượt trội thì Wonder Woman đầy bao dung như người mẹ, người chị với tất cả.
Nhiều khán giả cho rằng phim phải có nhiều cảnh hành động mãn nhãn và thót tim hơn nữa, vì với phim "bom tấn", người ta ra rạp để thưởng thức sự hoành tráng ấy. Nhưng hãy nhớ, đây là một nữ siêu anh hùng có khả năng cảm hóa con người bằng tình thương và lòng bao dung. Nếu Wonder Woman cũng chọn giải quyết kẻ ác chỉ bằng vũ lực, bằng sức mạnh áp đảo thì bản sắc của nhân vật cũng phai nhạt.
"Nữ siêu anh hùng thích nói đạo lý" là lý do khá trái khoáy khiến Wonder Woman 1984 bị một số khán giả Việt đánh giá thấp. Nhưng nói như khán giả Hoài Anh: "Đạo lý chẳng có gì xấu, trái lại rất cần thiết trong cuộc sống này. Nếu người lớn ai cũng ngại nói đạo lý thì ai sẽ dạy trẻ em sống đẹp?".
TTO - Cảnh hội ngộ giữa Wonder Woman và Steve Trevor, người yêu đã hy sinh trong phần một, khiến khán giả háo hức và đặt ra nhiều giả thiết.
Xem thêm: mth.31163450212210202-neid-nahp-ek-al-iom-maht-gnol-4891-namow-rednow/nv.ertiout