Đúng như dự báo, ngày 21/12, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá gần 900 tỷ USD, hứa hẹn đẩy nhanh việc phân phối vắc xin và cung cấp những viện trợ cần thiết cho các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, những người Mỹ mất việc làm trong cuộc khủng hoảng kinh tế và chi trả cho những người làm việc trên tuyến đầu chống dịch.
Dự luật đã được chuyển tới Thượng viện, nơi các nhà lập pháp sẽ thông qua nó vào tối cùng ngày nếu không thượng nghị sĩ nào phản đối một cuộc bỏ phiếu nhanh.
Gói giải cứu bao gồm 600 USD dành cho một người lớn, trợ cấp thất nghiệp được nâng cao lên 300 USD/tuần. Khoảng 284 tỷ USD trong đó sẽ được tài trợ cho các khoản vay của chương trình đảm bảo tiền lương, 25 tỷ USD được dùng hỗ trợ tiền thuê nhà và gia hạn lệnh cấm đuổi người thuê. 82 tỷ USD được chi cho các trường học, bao gồm cả đại học.
Việc thông qua gói kích thích này gần như sẽ chắc chắn bởi trước đó, lãnh đạo Đồi Capitol cho biết họ đã đạt thỏa thuận sau nhiều tháng bế tắc. Những bất đồng đảng phải là lý do chính khiến các cuộc đàm phán trước đó sụp đổ.
"Cuối cùng, chúng tôi đã có thể thông báo với người dân Mỹ về những điều mà chúng ta cần được nghe từ rất lâu trước: Nhiều gói hỗ trợ đang được triển khai", Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết tối 20/12.
Ngày 21/12, ông McConnell cũng nhấn mạnh rằng họ sẽ kết thúc mọi việc vào tối nay, ngụ ý Thượng viện sẽ bỏ phiếu thông qua gói kích thích vào tối 21/12 theo giờ địa phương.
Những thông tin tích cực về gói kích thích kinh tế của Mỹ lại không thể tạo ra sự hưng phấn trên thị trường chứng khoán tương lai của Mỹ. Các chỉ số tương lai chủ yếu đi ngang trong tối 21/12. Trước đó, chứng khoán Mỹ cũng có một ngày biến động khi Dow Jones có lúc giảm tới 400 điểm nhưng cuối phiên lại đóng cửa trong sắc xanh.
Trong khi đó, ở châu Á, các thị trường đều đối mặt với việc bị bán tháo khi một biến thể mới của Covid-19 được tìm thấy tại Vương quốc Anh. Nhiều quốc gia đã ra lệnh hạn chế đi lại với du khách tới từ Vương quốc Anh. Thống đốc New York Andrew Cuomo cũng kêu gọi nước Mỹ tiến hành các biện pháp tương tự.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, bao gồm cả những người từ Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng vắc xin của Pfizer và Moderna có thể sẽ duy trì hiệu quả ngay cả với biến thể mới. Trong khi đó, virus corona đang đột biến với tốc độ chậm hơn so với cúm mùa.
Những diễn biến mới về tình hình dịch bệnh tiếp tục khiến các doanh nghiệp gắn với ngành du lịch, hàng không phải trả giá. Chúng tiếp tục bị bán tháo mạnh nhất trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng lại đang hoạt động khá tốt, góp phần giúp Dow Jones duy trì được sắc xanh.
Hiện tại, Mỹ tiếp tục là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, mọi sự lo ngại đang đổ dồn về chủng virus corona mới ở Anh khi nó có khả năng lây nhiễm mạnh hơn 70% so với các chủng trước đó. Điều này khiến thế giới tiếp tục lo ngại về những nguy cơ mà Covid-19 gây ra.