Tính đến thời điểm ngày 20/12, Nam Cực vẫn là châu lục duy nhất trên thế giới chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19, là thành trì cuối cùng chưa bị đại dịch tấn công. Nhưng thành trì ấy cuối cùng đã sụp đổ. Theo The Guardian đưa tin, ngày 21/12 đã xuất hiện 36 ca nhiễm tại một cơ sở nghiên cứu của Chile tại Nam Cực, trong đó có 26 là thành viên quân đội, và 10 nhân viên bảo trì.
Cụ thể, ổ dịch xuất hiện tại trạm nghiên cứu General Bernardo O’Higgins Riquelme. "Nhờ vào những hành động kịp thời, việc giải cứu các nhân viên dương tính với Covid-19 qua xét nghiệm PCR đã được thực hiện," - trích trong báo cáo của quân đội Chile trên trang Newsweek. Ngoài ra, 3 thành viên thuộc đội cung cấp nhu yếu phẩm cũng đã dương tính với Covid-19 sau khi trở về từ Nam Cực.
Toàn bộ 36 bệnh nhân đã được giải cứu, đưa trở về thành phố Punta Arenas. Họ được đưa đi cách ly ngay lập tức, tình trạng sức khỏe vẫn tốt.
Được biết, General Bernardo O’Higgins Riquelme là 1 trong 13 căn cứ của Chile tại Nam Cực. Việc ngăn chặn virus tại châu lục này cũng kéo theo một cái giá đắt: toàn bộ dự án nghiên cứu lớn bị cắt giảm. Hệ quả, việc nghiên cứu của giới khoa học trên toàn cầu bị ảnh hưởng trầm trọng.
Nam Cực trên thực tế là một châu lục không có người ở, nhưng có khoảng 1000 nhà nghiên cứu cùng nhiều người đến đây vào mùa đông. Hồi tháng 3, khi nhiều nước trên thế giới bước vào phong tỏa vì Covid-19, các chương trình nghiên cứu tại Nam Cực nhận định đại dịch có thể tạo ra thảm họa. Với sức gió cực mạnh và nhiệt độ lạnh bậc nhất, sẽ rất nguy hiểm cho con người làm việc tại đây.
"Một loại virus mới với khả năng lây nhiễm cao, cộng thêm tỷ lệ tử vong cao và bệnh tật tại môi trường khắc nghiệt ở Nam Cực, cùng việc thiếu hụt nguồn lực y tế sẽ có nguy cơ gây ra thảm họa nghiêm trọng."
Nguồn: The Guardian
J.D
Pháp luật và bạn đọc